May "áo giáp" cho cây dừa

Cập nhật, 22:34, Thứ Ba, 12/01/2021 (GMT+7)

 

Ai cũng biết kẻ thù đáng sợ của cây dừa là con kiến vương. Chúng tấn công cây dừa mạnh nhất ở giai đoạn cây 1- 3 năm tuổi. Riêng hộ bà Trần Thị Bảy (ấp Phú Ân, xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm) thì không còn sợ kiến vương cắn phá vườn dừa nhà mình. Vì sao?

Đầu năm 2020, bà Trần Thị Bảy cải tạo 4,5 công vườn kém hiệu quả để trồng mới 160 gốc dừa xiêm giống xanh lùn Bến Tre.

Do đất mới cải tạo kết hợp áp dụng các biện pháp canh tác tốt nên dừa trồng mới được 6 tháng tuổi đã phát triển rất tốt. Tuy nhiên, khoảng 1 tuần sau thì những cây dừa đang tươi tốt đột nhiên bị héo lá dần. Kiểm tra thì bà phát hiện thân cây dừa bị đục 1 lỗ to bằng ngón tay. Qua tìm hiểu, bà Bảy mới biết là bị kiến vương tấn công.

Thấy vậy, bà Bảy liền mua thuốc bảo vệ thực vật về phun ướt toàn bộ cây dừa nhằm xua đuổi kiến vương. 2 tuần sau, một số cây dừa lại tiếp tục héo lá và chết như cây đầu tiên. Bà Bảy tiếp tục mua thuốc bảo vệ thực vật về phun và kết hợp bỏ thuốc ở gốc dừa. Lần này bà nghĩ là có thể trị dứt điểm bọn kiến vương kia.

Nhưng, chỉ sau 3 tuần thì kiến vương tiếp tục trở lại đục khoét vườn dừa. Kiểm tra 5 cây dừa thì bắt được 4 con kiến vương, bà Bảy rất buồn do chưa tìm được giải pháp tốt để bảo vệ vườn dừa nhà. Hỏi người này, người khác, họ đều hướng dẫn phun thuốc bảo vệ thực vật với liều mạnh làm bà Bảy đắng đo.

Tình cờ trong lúc đi thăm vườn dừa, bà Bảy thấy chú Út giăng lưới trên ruộng lác để bắt chim và bà phát hiện 1 con kiến vương đã dính lưới chết khô. Bà Bảy liền nảy ra ý định mua loại lưới bén giăng cá sặt về bọc quanh các gốc dừa trong vườn nhà để chống kiến vương xâm nhập.

Cuối cùng bà Bảy đã ngăn chặn loài kiến vương hiệu quả và cái tên “may áo giáp cho cây dừa” được hình thành từ đây. Những chiếc áo được may vừa vặn đảm bảo cho việc sinh trưởng cho cây và không còn tình trạng dừa bị chết héo do kiến vương tấn công.

Qua kiểm vườn dừa, cây phát triển bình thường, kiến vương bị chiếc “áo giáp” giữ lại và không thoát được chờ chết. Bà Bảy rất vui mừng vì đã bảo vệ được vườn dừa nhà mà không cần dùng đến thuốc bảo vệ thực vật.

Với cách làm như trên, bà Trần Thị Bảy tiết kiệm rất nhiều chi phí mà lại thân thiện với môi trường vì không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phù hợp với quy trình canh tác an toàn thực phẩm hiện nay. Vườn dừa ngày càng phát triển tốt không bị kiến vương tấn công.

Thông qua bài viết này, tôi xin chia sẻ với quý độc giả mô hình “may áo giáp cho cây dừa” an toàn sinh học này để nhân rộng, giúp nhà vườn giảm tối đa thiệt hại do kiến vương gây ra và giúp giảm mật số kiến vương trên diện tích vườn dừa của huyện, của tỉnh.

Bài, ảnh: THÀNH CHƯƠNG