Kết nối phố

Liên kết không gian đô thị ĐBSCL trong tình hình mới

Cập nhật, 14:25, Thứ Tư, 06/01/2021 (GMT+7)

(VLO) Những năm qua, hệ thống đô thị (ĐT) Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ. Cả nước hiện có 859 ĐT, trong đó, ĐBSCL có 174 ĐT. ĐT hóa của vùng đón nhận các cơ hội mới từ hội nhập kinh tế quốc tế và vượt qua các thách thức, nhất là tác động của biến đổi khí hậu.

Để vượt qua thách thức, kiến trúc sư Phạm Thị Nhâm và ThS. KTS Nguyễn Xuân Anh (Viện Quy hoạch ĐT nông thôn quốc gia) gợi ý một số quan điểm phát triển liên kết không gian ĐT vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2030.

Quan điểm thứ nhất, phát triển vùng tự chủ, thịnh vượng. Theo các tác giả, sự mất cân bằng kinh tế vùng đang kéo theo dòng người dịch cư đến vùng Đông Nam Bộ rất lớn. Do đó, cần các đầu mối hạ tầng quốc gia lớn- đủ khả năng kéo lại sự cân bằng.

Trong đó, 1 cảng biển nước sâu tại trung điểm của bờ biển Đông (ở Sóc Trăng) và 1 cảng biển nước sâu tại trung điểm bờ biển vịnh Thái Lan (ở Kiên Giang). 2 đầu mối này sẽ đưa nông sản của ĐBSCL trực tiếp ra thị trường quốc tế. Đồng thời, sẽ là điểm đến của các trục giao thông- kinh tế nội vùng.

Từ đó, các ĐT trên các trục kinh tế sẽ có nhiều động lực hơn để phát triển, lan tỏa đến các vùng nông thôn, giúp sức “tự tại” của vùng mạnh lên.

Quan điểm thứ 2, phát triển vùng không lùi bước trước biển dâng. Theo đó, cần chuẩn bị cho một tương lai sống chung với nước mặn nhiều hơn chớ không phải “rời đi”.

Hệ thống ĐT sẽ là hậu phương vững chắc để giữ đất, giữ nước; làm căn cứ cho nông thôn trong quá trình chuyển dịch kinh tế phù hợp điều kiện mới.

Hệ thống ĐT, cộng với các tuyến giao thông thủy bộ kết nối sẽ tạo bộ khung xương cốt lõi với phương châm “thuận thiên” tối ưu- đảm bảo hoạt động tốt ở tất cả kịch bản nước biển dâng trong 100 năm tới. Một khi có được hệ thống ĐT và giao thông liên kết chúng đứng vững trên các “giồng” đất cao thì hệ thống đó vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, cung ứng các dịch vụ phân phối, lưu thông, khoa học kỹ thuật...

Theo đó, các ĐT gần nhau có thể liên kết, hỗ trợ nhau trong các giải pháp thích ứng như xây đê ngăn mặn, đẩy mạnh giao thông thủy… Như vậy, “mạng lưới ĐT không chìm” sẽ là nền tảng căn bản để trong tương lai ĐBSCL thích ứng một cách có lợi nhất trong tình hình mới.

SÔNG HẬU