Blog thị trường

"Giấy thông hành" cho xuất khẩu gạo thơm

Cập nhật, 05:26, Thứ Sáu, 11/09/2020 (GMT+7)

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2020/NĐ-CP quy định chi tiết nội dung về chứng nhận chủng loại gạo thơm phù hợp với nội dung của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển ngành nông nghiệp.

Theo Hiệp định EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế 0% đối với gạo xay xát, chưa xay xát và gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm.

Cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với 30.000 tấn gạo thơm trong hạn ngạch, quy định tại Hiệp định EVFTA hiện có 9 giống lúa thơm là: Jasmine 85, ST 20, ST 5, Nàng Hoa 9, VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài nguyên Chợ Đào.

Theo yêu cầu về gạo thơm xuất khẩu, để được hưởng miễn thuế nhập khẩu, giống gạo thơm phải được chứng nhận đảm bảo tính đúng giống được thực hiện khoảng 20 ngày trước, cần thiết kiểm tra ruộng lúa thơm trước khi thu hoạch.

Các tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo thơm phải chịu trách nhiệm về độ thuần, tính đúng giống, phơi, sấy, sơ chế... Cục Trồng trọt sẽ là cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, chứng nhận lại, hủy bỏ giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm.

Hàng năm, diện tích lúa thơm ở ĐBSCL chiếm khoảng 25% tổng diện tích gieo sạ, (khoảng 1 triệu héc ta), với sản lượng ước đạt 5,5 triệu tấn, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo.

Theo Hiệp định EVFTA lượng gạo thơm xuất sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi về thuế quan là 30.000 tấn tương đương với 1,2% lượng gạo thơm sản xuất trong vùng, tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn.

Vì vậy, việc có “giấy thông hành” xuất khẩu gạo thơm vào thị trường EU, theo Bộ Nông nghiệp- PTNT là tín hiệu tốt.

Và nếu làm tốt khâu kiểm tra, kiểm soát tốt về chất lượng và được người tiêu dùng EU tiếp nhận thì đây cũng là cơ sở cho việc đàm phán mở rộng hạn ngạch xuất khẩu gạo thơm vào thị trường EU trong thời gian tới.

NGUYỄN HOÀNG