Phát triển kinh tế- xã hội, đầu tư công 5 năm tới

Cần xây dựng theo tư duy mới

Cập nhật, 06:17, Thứ Năm, 10/09/2020 (GMT+7)

Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư (ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội (KT- XH) giai đoạn 2021- 2025 cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ với tư duy, tầm nhìn chiến lược để đề ra chiến lược mới, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp tạo sự phát triển bứt phá, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.

Trước nhiều thách thức, cần tư duy mới xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL thời gian tới.
Trước nhiều thách thức, cần tư duy mới xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL thời gian tới.

Đẩy mạnh phát triển giao thông

Đánh giá của Bộ Kế hoạch- ĐT tại hội nghị trực tuyến về xây dựng kế hoạch phát triển KT- XH và ĐT công năm 2021, giai đoạn 2021- 2025 vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL với sự tham dự của lãnh đạo 19 tỉnh- thành vừa diễn ra, cho thấy 7 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 diễn biến rất nhanh và nghiêm trọng đã ảnh hưởng trên hầu hết các lĩnh vực.

Song các địa phương vẫn thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển KT-XH. Kinh tế vùng ĐBSCL tăng trên 1,7%.

Có 8/13 địa phương có mức tăng trưởng dương, trong đó có 5 địa phương trong vùng có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước là Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu và An Giang.

Giai đoạn 2016- 2020, cơ cấu kinh tế trong vùng chuyển dịch đúng hướng; tăng tỷ trọng công nghiệp- xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng trong nông nghiệp. GRDP bình quân đầu người tính đến năm 2020 đạt 59,21 triệu đồng/người, tăng gần 1,62 lần so với năm 2015 nhưng chỉ bằng khoảng 84% mức bình quân đầu người cả nước…

Bộ trưởng Kế hoạch- ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ĐBSCL cần tập trung ĐT giải quyết các điểm nghẽn là giao thông, các hồ chứa nước, trữ nước, khắc phục sạt bờ sông bờ biển.

Phát triển hành lang giao thông thành các hành lang KT để mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất mới để xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại, các khu công nghiệp, khu dân cư xung quanh tạo thành một động lực phát triển mới.

Thu hút ĐT có chọn lọc theo hướng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện môi trường và mang lại giá trị gia tăng cao.

Bộ Kế hoạch- ĐT cũng đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều phối vùng hoạt động thực chất, hiệu lực, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ để giải quyết căn cơ các vấn đề liên vùng như môi trường các lưu vực sông.

Cần ưu tiên các dự án lớn có tính lan tỏa cao, ưu tiên các dự án có tính liên kết vùng, kết nối được với giao thông hướng ngoại, mở rộng hiệu quả, kết hợp hài hòa sắp xếp lại dân cư.

Vĩnh Long kiến nghị không cắt vốn công trình

Về ĐT công, có thể thấy nhu cầu vốn ĐT trong giai đoạn tới các vùng đều tăng. ĐBSCL dự kiến nhu cầu nguồn vốn ĐT công giai đoạn 2021- 2025 là 415.117 tỷ đồng, gấp 1,95 lần so với số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2016- 2020.

Để cân đối được nguồn vốn, vùng này dự kiến tăng nguồn thu từ sử dụng đất là 28.900 tỷ đồng, từ xổ số kiến thiết là 96.308 tỷ đồng, cao gấp lần lượt 1,44 lần và 1,59 lần so với giai đoạn 2016- 2020.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các địa phương cần bám sát chỉ đạo, cần có tư duy không chỉ trông chờ vào ngân sách mà còn phải huy động nguồn lực đa dạng để đáp ứng vì nhu cầu phát triển rất lớn tại địa phương. Luật ĐT theo phương thức đối tác công tư (PPP) tạo hành lang pháp lý tương đối tốt để kêu gọi các nhà ĐT, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới.

Giai đoạn 2021- 2025, phấn đấu tăng trưởng GRDP vùng ĐBSCL đạt khoảng 8-8,5%; tổng thu ngân sách nhà nước dự kiến đạt trên 660 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 2- 3%/năm, đưa ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước. Tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ cao. Mạng lưới kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ, hạ tầng thủy lợi phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đề xuất về phát triển KT-XH trong giai đoạn tới, Bộ Kế hoạch- ĐT sớm có chỉ đạo, đánh giá tác động trong giai đoạn 2021 cũng như giai đoạn 2021- 2025.

Với một số dự án vốn Trung ương giải ngân thấp, tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch- ĐT không cắt vốn, có hướng điều chuyển để tỉnh có điều kiện tiếp tục triển khai thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, cho biết việc xây dựng kế hoạch của tỉnh luôn trên cơ sở bám sát đánh giá kết quả thực hiện của giai đoạn trước; tuy nhiên mặc dù đã có những dự báo cụ thể nhưng trước thay đổi và biến động nhanh về tình hình KT, chính trị cũng như khoa học- công nghệ đã tác động đến dự báo, gây khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển KT- XH của tỉnh.

Vì vậy, tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch- ĐT có hỗ trợ tỉnh trong dự báo tác động này để thực hiện hiệu quả hơn việc ĐT công giai đoạn tới. Tỉnh cũng đề xuất Bộ Kế hoạch- ĐT thống nhất cho tỉnh thực hiện điều chỉnh đối với các dự án thuộc các nguồn vốn khác nhau để sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tăng tỷ lệ giải ngân chung.

Bộ trưởng Kế hoạch- ĐT Nguyễn Chí Dũng lưu ý, vốn ODA là nguồn vốn vay với lãi suất cao nên cần lựa chọn các dự án thật sự có ý nghĩa và thiết thực cho địa phương; kiên quyết không vay vốn ODA để triển khai các dự án mà có thể xã hội hóa hoặc có thể vay vốn trong nước để triển khai thực hiện, hạn chế tối đa gánh nặng trả nợ cho các thế hệ sau này. Đồng thời, cần huy động đa dạng các nguồn lực cho ĐT phát triển và đảm bảo hài hòa giữa nguồn ngân sách trung ương ĐT trên địa bàn với nguồn lực của các địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG