Mang Thít

Xác định và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật, 16:27, Thứ Tư, 18/12/2019 (GMT+7)

Năm 2019, tình hình phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn huyện đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Qua đó, nhiều chỉ tiêu hoàn thành và vượt so với kế hoạch. Đồng thời, địa phương cũng đã xác định và định hướng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới…

Bộ mặt nông thôn Mang Thít ngày càng sáng- xanh- sạch- đẹp. Ảnh minh họa
Bộ mặt nông thôn Mang Thít ngày càng sáng- xanh- sạch- đẹp. Ảnh minh họa

Đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

Theo Huyện ủy Mang Thít, năm 2019, huyện đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu, đã thực hiện đạt và vượt 17/22 chỉ tiêu (trong đó lĩnh vực kinh tế- xã hội 19 chỉ tiêu, huyện thực hiện đạt, vượt 14 chỉ tiêu).

Nổi bật là tình hình sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ trên địa bàn vượt chỉ tiêu nghị quyết năm đề ra (100,18%), tăng 4,68% so năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa vượt kế hoạch (101,05%), tăng 9,67%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống vượt 100,16%, tăng 10,5%.

Trong năm qua, huyện cơ cấu lại mùa vụ theo hướng khuyến khích giảm sản xuất lúa, tăng diện tích trồng màu. Cây màu gieo trồng đạt trên 2.394ha, sản lượng đạt 47.114 tấn (tăng 1.575 tấn), phát triển mạnh ở các xã Long Mỹ, Chánh An, Mỹ An. Cây ăn trái, sản lượng thu hoạch 62.975 tấn, tăng 2.069 tấn.

Trong đó, nghề ươm giống cây ăn trái tiếp tục phát triển mạnh với 86,9ha (tăng 21,3ha), trong đó có 96,64ha trồng thanh long. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Minh Trang- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mang Thít, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện thực hiện vượt kế hoạch đề ra (101,31%).

Công tác quản lý, điều hành đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện và giải ngân vốn đúng tiến độ. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, xã Mỹ Phước đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao; thị trấn Cái Nhum qua đánh giá xếp loại cuối năm đã đạt tiêu chuẩn văn minh đô thị.

Bên cạnh đó, tình hình hộ dân sử dụng điện, nước, tình hình thu gom rác thải và xử lý rác thải được quan tâm. Tình hình phát triển y tế, giáo dục được giữ vững với nhiều chỉ tiêu trọng tâm đạt kết quả tốt.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Minh Trang, địa phương thực hiện tốt công tác xã hội hóa nguồn nhân lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội. Đáng chú ý là từ sự hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và vận động, hỗ trợ từ các tổ chức kinh tế, mạnh thường quân.

“Đặc biệt, công tác xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo luôn được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quan tâm thực hiện. Kết quả từ nguồn kinh phí trên 4,7 tỷ đồng đã cất mới và sửa chữa 119 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo. Ngoài ra, vận động thu quỹ Vì người nghèo được 4,386 tỷ đồng, đạt 190,6% chỉ tiêu tỉnh giao và quỹ An sinh xã hội đạt 26 tỷ đồng, đạt 130% kế hoạch. Đến cuối năm 2019, huyện có khả năng được tỉnh công nhận huyện không còn hộ nghèo khó khăn về nhà ở”- Bí thư Huyện ủy- Nguyễn Thị Minh Trang chia sẻ.

Định hướng phát triển kinh tế mũi nhọn

Có thể nói, năm 2019 là năm bản lề thành công trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2016- 2020). Theo đó, huyện sẽ tiếp tục có những giải pháp nhằm phát triển kinh tế- xã hội theo hướng bền vững.

Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện công tác đối thoại với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; qua đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở, doanh nghiệp. Tạo điều kiện về các nguồn vốn vay để doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Khuyến khích phát triển ngành nghề truyền thống theo hướng đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã hàng hóa, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Trang cho biết, huyện ưu tiên phát triển mạnh các ngành hàng, sản phẩm mới có triển vọng, như: phân bón, thức ăn chăn nuôi, chế biến thủy sản, nông sản thực phẩm, may mặc.

Phát triển du lịch dựa vào tiềm năng, lợi thế là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Ảnh TL
Phát triển du lịch dựa vào tiềm năng, lợi thế là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Ảnh TL

Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng nung, gốm mỹ nghệ bằng lò nung liên hoàn tiên tiến và vật liệu xây không nung ở các tuyến quy hoạch sản xuất gạch ngói của huyện.

“Đặc biệt là phát huy địa thế nằm dọc tuyến sông lớn có nhiều điều kiện để phát triển ngành đóng tàu, xà lan và phát huy lợi thế những kinh nghiệm sản xuất với đội ngũ công nhân lành nghề. Các doanh nghiệp có khả năng thiết kế và thi công đóng mới, sửa chữa nhiều loại phương tiện vận tải đường thủy có trọng tải đến vài ngàn tấn, xà lan mặt boong, phà các loại”- Bí thư Huyện ủy Mang Thít cho biết.

Trong khi đó, ở lĩnh vực nông nghiệp, sẽ cơ cấu lại mùa vụ theo hướng tiếp tục khuyến khích giảm mạnh diện tích lúa, tăng màu, cây ăn trái nhưng phải đúng quy hoạch. Đối với diện tích trồng lúa, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất tập trung cánh đồng lớn theo chính sách của tỉnh để giảm chi phí đầu vào, nâng cao lợi nhuận và thu nhập cho nông dân…

Nói về lợi thế trong nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT- Trương Tấn Được cho rằng: “Hiện trên địa bàn có trên 100 trang trại chăn nuôi theo quy mô lớn và đều có sự hợp tác, liên doanh với các tập đoàn đa quốc gia. Đây chính là xu thế cũng như định hướng tiềm năng phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn”- ông chia sẻ.

Bí thư Huyện ủy Mang Thít Nguyễn Thị Minh Trang cho biết, thời gian tới để khai thác tiềm năng du lịch, huyện sẽ triển khai các dự án hạ tầng phục vụ du lịch, khai thác có hiệu quả loại hình du lịch sông nước; phối hợp với các sở ngành tỉnh để lựa chọn, định hướng quy hoạch cụ thể (kinh Thầy Cai và kinh Cái Mới) để làm thí điểm phát triển du lịch, phát huy giá trị di sản văn hóa làng nghề gạch, ngói, gốm đỏ theo ý tưởng “Đề án Di sản đương đại huyện Mang Thít”…

 

Bài, ảnh: NGUYỄN DUY