Tạo khung pháp lý phát triển hợp tác xã nông nghiệp

Cập nhật, 15:24, Thứ Ba, 17/12/2019 (GMT+7)

Sự phát triển của hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác còn mang tính tự phát, tổ chức thiếu chặt chẽ nên gặp khó khăn trong giao dịch kinh tế, giải quyết, xử lý vấn đề tranh chấp; cán bộ HTX chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về quản lý kinh doanh, tuổi cao, thiếu nhạy bén trong hoạt động…

Đó là những tồn tại mà nhiều HTX đang gặp phải, được nhiều bộ- ngành, HTX nêu ra tại diễn đàn “Phát triển HTX nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu” trong khuôn khổ Festival Lúa gạo Việt Nam lần IV- Vĩnh Long năm 2019.

Tại Vĩnh Long, có nhiều HTX nông nghiệp tham gia phát triển ngành hàng chủ lực.
Tại Vĩnh Long, có nhiều HTX nông nghiệp tham gia phát triển ngành hàng chủ lực.

Thiếu nhiều quy định liên quan HTX

Theo Cục Kinh tế hợp tác- PTNT (Bộ Nông nghiệp- PTNT), đến cuối năm 2018 cả nước có hơn 13.800 HTX nông nghiệp. Bình quân mỗi tỉnh có 220 HTX. Trong đó, nhiều nhất là HTX chuyên lĩnh vực trồng trọt, tiếp đến là chăn nuôi và thủy sản.

Số lượng và chất lượng HTX ngày càng được nâng lên, cụ thể trong số đó có 55% HTX xếp loại khá tốt. Tuy nhiên, trình độ quản lý và chuyên môn của cán bộ HTX còn rất hạn chế, chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ còn cao (hơn 38%). Đa số cán bộ quản lý HTX tuổi đã cao, hoạt động chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thiếu nhạy bén trong sản xuất kinh doanh.

Có nhiều nguyên nhân như: Về nhận thức của các cấp, bộ phận lớn nông dân chưa đầy đủ; chưa hiểu đúng về bản chất, vai trò của HTX trong sản xuất hiện nay. Nguồn lực hỗ trợ cho HTX còn hạn chế, khó khăn.

Trong đó, khó khăn lớn nổi lên hiện nay là khung pháp lý về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Điển hình, trong nông nghiệp có khoảng 40.000 tổ hợp tác, tuy nhiên văn bản quy phạm pháp luật chính đang điều chỉnh vị trí pháp lý và hoạt động của các tổ hợp tác hiện là Bộ luật Dân sự và Nghị định 151/2007/NĐ-CP.

Luật HTX và các văn bản dưới luật không có quy định liên quan đến đối tượng tổ hợp tác này và cũng không có cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho tổ hợp tác. Ngoài ra, hiện vẫn còn thiếu và chưa cụ thể và rõ ràng đối với các quy định HTX có thể liên kết đầu tư, góp vốn, thành lập doanh nghiệp trong HTX… Từ đây, dẫn đến nhiều tồn tại, kiềm hãm sự phát triển của không ít HTX.

Ông Nguyễn Thành Một- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long cho rằng: HTX nông nghiệp là tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp- một thành phần kinh tế quan trọng trong các thành phần kinh tế ở nước ta.

Tại Vĩnh Long, HTX nông nghiệp tập hợp, thu hút một lực lượng lớn lao động tham gia vào quá trình sản xuất.

Đến cuối tháng 9/2019, có 93 HTX nông nghiệp và 1.400 tổ hợp tác thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản thu hút gần 70.000 thành viên, chiếm trên 15% lao động nông nghiệp ở nông thôn với trên 43.000ha đất nông nghiệp, chiếm 36% diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho HTX nông nghiệp cho thành viên HTX chưa nhiều, sự phối hợp triển khai thực hiện các chính sách của các ngành, các cấp trong thời gian qua còn chung chung, chưa phù hợp, phân tán ở nhiều văn bản, trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện thuộc nhiều cơ quan nên chồng chéo, chậm trễ, khó triển khai. HTX- đối tượng thụ hưởng chính sách thì “trông chờ” vào các chính sách của Nhà nước, nhất là HTX nông nghiệp.

Ông Lê Đức Thịnh- Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác- PTNT (Bộ Nông nghiệp- PTNT), cần quy định tiêu chuẩn cán bộ quản lý nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan thuộc ngành nông nghiệp- PTNT trong việc tham mưu hỗ trợ HTX nông nghiệp. Những chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn đang tồn tại để tổ chức hoạt động, chính sách nhằm khuyến khích nông dân tham gia HTX, tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến, sử dụng dịch vụ tập trung, hợp đồng liên kết; tham gia cung cấp dịch vụ công ích tại địa phương do HTX nông nghiệp thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của các thành viên và khách hàng không phải là thành viên HTX...

Cần nghị định riêng cho HTX nông nghiệp

Các HTX nông nghiệp, đặc biệt là HTX lúa gạo cần phải được tổ chức lại hoạt động sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm- là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra tại diễn đàn, đồng thời cho rằng HTX là giải pháp duy nhất để thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Riêng với ngành gạo, các đại biểu cho rằng, HTX phải giúp nông dân cùng nhau thay đổi phương thức sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu và đáp ứng tốt hơn những diễn biến khó lường của thị trường xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Đặc biệt, cần phải có một đội chuyên gia tư vấn về phát triển HTX và được rải đều ở các tỉnh.

Liên minh HTX Việt Nam đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HTX 2012 cho phù hợp thực tiễn hoạt động của các HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bộ Nông nghiệp- PTNT cũng đang đề nghị Chính phủ ban hành nghị định riêng về HTX nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thành Một, ảnh hưởng từ các chính sách đến HTX nông nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc ổn định chính trị, trật tự xã hội và phát triển kinh tế đối với tầng lớp nông dân. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách, quy định riêng mang tính đặc thù và nghị định riêng đối với HTX nông nghiệp.

Trong đó, quy định tiêu chuẩn cán bộ quản lý nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc tham mưu hỗ trợ HTX nông nghiệp, những chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn đang tồn tại để tổ chức các hoạt động, chính sách nhằm khuyến khích nông dân tham gia HTX, tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến, sử dụng dịch vụ tập trung, hợp đồng liên kết; tham gia cung cấp dịch vụ công ích tại địa phương do HTX nông nghiệp thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của các thành viên và khách hàng không phải là thành viên HTX.

Tại Vĩnh Long, có đến 68% số HTX nông nghiệp tham gia phát triển ngành hàng chủ lực, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh. HTX nông nghiệp còn là địa chỉ tin cậy của nông dân trong xây dựng, khảo nghiệm, trình diễn mô hình và ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, tổ chức chứng nhận quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP) góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nhanh và hiệu quả. (Mô hình cánh đồng mẫu lớn quy tụ 13.192 hộ tham gia với 171 tổ hợp tác và HTX hoạt động sản xuất trên 13.000ha, đã chứng nhận cho 136,65ha lúa sản xuất lúa theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Hiệu quả từ mô hình đã giảm 11,4% chi phí sản xuất, năng suất lúa bình quân, tăng hơn 6,6% và lợi nhuận bình quân cao hơn lợi nhuận bình quân ngoài mô hình 6,7 triệu đồng/ha.

Bài, ảnh: NHÓM PV