Cơ hội tốt: chọn Vĩnh Long là điểm đến đầu tư

Cập nhật, 12:47, Thứ Ba, 31/12/2019 (GMT+7)

Theo PGS. TS. Trần Kim Chung- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chính sự thay đổi của tỉnh Vĩnh Long trong “bối cảnh và tình hình mới” như hiện nay là cơ hội tốt để các nhà đầu tư chọn Vĩnh Long là điểm đến.

Tỉnh mong tiếp tục đón nhận thêm các dự án đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp...
Tỉnh mong tiếp tục đón nhận thêm các dự án đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp...

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, ĐBSCL hiện có 8 lợi thế quan trọng “theo đánh giá từ những doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế” như: khu vực kinh tế năng động nhất, tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, thị trường lớn cho sản xuất hàng hóa tiêu dùng, người dân chi tiêu cao nhất cả nước, lao động qua đào tạo nhiều và chi phí lao động thấp so nhiều vùng kinh tế khác, cơ sở hạ tầng đang hoàn thiện, sản xuất chế biến nông sản lớn nhất của cả nước, nhiều lĩnh vực đầu tư mới.

Là tỉnh nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL với những thuận lợi về vị trí địa lý, nhiều tiềm năng, thời gian qua, Vĩnh Long luôn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững; là nơi lựa chọn đáng tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Về tiềm năng kinh tế, năm 2018, Vĩnh Long có sản lượng gần 1 triệu tấn lúa, hơn 1 triệu tấn màu, 590 ngàn tấn trái cây (trong đó bưởi: 88 ngàn tấn/năm; cam sành: 118 ngàn tấn/năm; chôm chôm: 28 ngàn tấn/năm); đàn bò hàng chục hàng con, đàn heo hàng trăm ngàn con và đàn gia cầm hàng triệu con.

Riêng thủy sản là tiềm năng có thế mạnh thứ hai của tỉnh sau cây lúa. Sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác cả năm đạt hơn 120.000 tấn. Cùng với đó, tỉnh đã tập trung cơ cấu lại một cách thực chất các ngành công nghiệp theo Đề án cơ cấu lại ngành công thương tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, ưu tiên, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chủ đạo: thực phẩm và đồ uống; hóa chất, dược phẩm; dệt may, da giày và công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh, du lịch cũng là một trong những ngành kinh tế có nhiều tiềm năng của tỉnh, với những di tích văn hóa, lịch sử lâu đời và vẻ đẹp đặc trưng của vùng đồng bằng sông nước cùng với các chương trình du lịch mang nét độc đáo của vùng sông nước Cửu Long như du lịch làng nghề, du lịch trang trại, du lịch sinh thái miệt vườn, homestay...

Theo ông Nguyễn Phương Lam- Chủ tịch VCCI Cần Thơ, bối cảnh mới tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào Vĩnh Long. Đó là, cơ hội mới khi Việt Nam gia nhập CPTPP, EVFTA… Bên cạnh, ĐBSCL hiện là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, hạ tầng của vùng đang hoàn thiện, cao tốc nối TP Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng năm 2020, sân bay quốc tế Cần Thơ, cảng biển, logistic,… ông Nguyễn Phương Lam cho rằng, nằm kề TP Cần Thơ- là trung tâm ĐBSCL, có tốc độ phát triển nhanh cũng đang tạo ra một lợi thế lớn cho Vĩnh Long.

Vĩnh Long phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến nông sản để phát huy các lợi thế hiện có.
Vĩnh Long phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến nông sản để phát huy các lợi thế hiện có.

PGS.TS. Trần Kim Chung- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng xu hướng quốc tế, sự quan tâm của Trung ương, sự chuyển mình của các địa phương lân cận và chính sự thay đổi của tỉnh trong “bối cảnh và tình hình mới” như hiện nay là cơ hội tốt để các nhà đầu tư chọn Vĩnh Long là điểm đến.

Cụ thể, Vĩnh Long đang giai đoạn đầu của cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển hướng mạnh từ nông nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp. Bên cạnh, đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước (phát triển các sản phẩm lúa chất lượng cao, khoai lang, cây có múi; chăn nuôi heo, bò, cá tra quy mô lớn gắn kết với thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị bền vững).

Trong khi đó, công nghiệp chế biến nông sản là hướng đi mà Vĩnh Long đang rất ưu tiên vì đồng thời phát triển cả công nghiệp, nông nghiệp và hiện chưa phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh vùng ĐBSCL.

Theo đánh giá của VCCI về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), các năm qua, tỉnh Vĩnh Long liên tục đứng vị trí cao ở ĐBSCL và nằm trong tốp có môi trường đầu tư thông thoáng ở mức rất tốt của cả nước. 

Với tinh thần cầu thị và phương châm hành động nhất quán, xuyên suốt “Xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, phục vụ nhân dân, điều hành năng động, quản lý hiệu quả”, từ lãnh đạo tỉnh đến các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, điều hành sâu sát công tác cải cách thủ tục hành chính, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển.

Hy vọng trong thời gian tới, Vĩnh Long sẽ tiếp tục đón nhận thêm nhiều dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng các khu- cụm công nghiệp, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án công nghiệp chế biến nông sản nhằm sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ...

Bài, ảnh: NAM ANH