Long Hồ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo 3 khu vực

Cập nhật, 08:12, Thứ Tư, 14/08/2019 (GMT+7)

Theo UBND huyện Long Hồ, huyện có lợi thế là phát triển, sản xuất nông nghiệp được quanh năm. Trong đó, nuôi thủy sản và vùng cây ăn trái đặc sản ở 4 xã cù lao có tiềm năng lớn trong lĩnh vực khai thác du lịch sinh thái kết hợp phát triển kinh tế vườn.

Trong định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, toàn huyện có 3 khu vực chính. Cụ thể, khu vực 1: phát triển cây lúa tại 5 xã Long An, Phú Đức, Lộc Hòa, Hòa Phú và Thạnh Quới, theo hướng tập trung trồng lúa hàng hóa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao; ngoài ra, xã Hòa Phú và Lộc Hòa còn mở rộng thêm vườn dịch vụ cho khách nghỉ dừng chân.

Khu vực 2: phát triển cây màu tại 4 xã Tân Hạnh, Phước Hậu, Long Phước, Thanh Đức, sản xuất màu trên đất lúa theo hướng 2 vụ lúa- 1 vụ màu; 2 vụ màu- 1 vụ lúa. Xây dựng một số mô hình liên kết theo hướng cánh đồng mẫu đối với rau màu, chú trọng sản xuất các sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường. Tập trung phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại theo hướng công nghiệp có điều kiện kiểm soát, an toàn sinh học, có năng suất và chất lượng cao.

Khu vực 3: phát triển cây ăn trái và thủy sản tại 4 xã An Bình, Hòa Ninh, Bình Hòa Phước và Đồng Phú, theo hướng phát triển vườn cây ăn trái gắn kết du lịch sinh thái; phát triển thủy sản (nuôi cá lồng bè, thủy đặc sản, cá tra ao). Mở rộng nuôi các thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như tôm càng xanh, lươn, cá lóc, cá thát lát, cá chạch lấu...

Hiện toàn huyện có 6.400ha lúa, 7.144ha vườn, 4.518ha màu; diện tích nuôi thủy sản 488ha, nuôi cá lồng, bè 1.418 chiếc.

TRẦN PHƯỚC