Hợp tác sản xuất cải thiện cuộc sống

Cập nhật, 16:05, Thứ Năm, 28/03/2019 (GMT+7)

Tuy là việc làm lúc nhàn rỗi, nhưng tổ hợp tác thủ công mỹ nghệ của chị Mai Thị Chính (xã Thuận Thới- Trà Ôn) đã giúp nhiều phụ nữ vùng sâu vùng xa vượt qua khó khăn, vươn lên cải thiện đời sống gia đình.

Chị Mai Thị Chính bên sản phẩm gia công của tổ hợp tác.
Chị Mai Thị Chính bên sản phẩm gia công của tổ hợp tác.

Góp phần cải thiện thu nhập

Được thành lập vào đầu năm 2018, dù hoạt động chưa lâu nhưng tổ hợp tác đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Với 22 thành viên, chuyên gia công mặt hàng lục bình, hàng tháng cung cấp cho các công ty trên 1.000 sản phẩm các loại như sọt, khuôn, khai, mâm… để xuất khẩu ra nước ngoài, giải quyết được việc làm thêm cho chị em phụ nữ lúc nhàn rỗi.

Chị Mai Thị Chính- Tổ trưởng tổ hợp tác- cho biết: “Do chị em phụ nữ ngoài việc nhà không có việc làm khác để tăng thu nhập nên Hội Phụ nữ xã đề nghị với Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Ôn mở lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp cho chị em. Sau khi học xong, chị em có được tay nghề thì hội phụ nữ đề nghị với UBND xã thành lập tổ hợp tác sản xuất, ký hợp đồng với Công ty Hòa Phú giao nhận hàng để tổ hợp tác thực hiện gia công”. 

Làm gia công sản phẩm với giá 23.000 đ/bộ, thu nhập bình quân của thành viên từ 1- 2 triệu đồng/tháng. Tuy số tiền không nhiều nhưng đây là công việc lúc nông nhàn giúp các chị đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, góp phần cải thiện kinh tế gia đình rất tốt.

“Chỉ cần các chị chịu khó làm là có thể kiếm được tiền chi tiêu vì có hàng làm công việc này quanh năm. Ngoài việc phát triển kinh tế, tổ hợp tác còn là nơi gắn kết tình làng nghĩa xóm, tương trợ lẫn nhau cùng tiến bộ”- chị Mai Thị Chính chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Bé (ấp Giồng Gòn) là thành viên gắn bó từ ngày đầu tổ hợp tác thành lập. Không còn người thân, không ruộng đất, chị Bé sống trong căn nhà tình thương do xã hỗ trợ. Chị Bé cho biết, công việc đan lục bình gia công cho tổ hợp tác giúp tôi trang trải được cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, khác hẳn với thời không có việc làm, không nguồn thu nhập như trước đây.

Không chỉ giúp đỡ chị em phụ nữ tại xã, tổ hợp tác còn thu hút hội viên từ các xã lân cận. Với bà Nguyễn Thị Sáu (ấp Ông Tín, xã Trà Côn), đan lục bình là công việc đem lại thu nhập chính cho gia đình.

Con trai đi làm xa, bà Sáu ở nhà nuôi cháu nội ăn học, cuộc sống vô cùng khó khăn, túng thiếu. Vì thế, tuy mỗi tháng bà đan được khoảng 1 triệu đồng, nhưng nguồn thu nhập này cộng với chút tiền ít ỏi của con trai đã giúp bà cháu sống qua ngày và cháu cũng có thể đến trường.

Điểm tựa tin cậy

Bên cạnh tạo thu nhập, cải thiện cuộc sống cho hội viên phụ nữ, việc làm thêm giúp các chị tìm thấy niềm tin vào tương lai. Còn việc đảm bảo lợi ích, tạo sự an toàn cho các thành viên đã trở thành động lực để chị Mai Thị Chính quyết định thành lập tổ hợp tác thủ công mỹ nghệ.

Chị Chính kể lại, trước đây thấy chị em phụ nữ làm hàng gia công kiếm tiền cực khổ nhưng không có đầu mối uy tín, lâu lâu lại bị mối lái “giật” mà không có ai đứng ra giải quyết nên rất xót xa.

Được sự vận động tích cực từ phía Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã cũng như sự tin tưởng của chị em, chị Chính thành lập tổ hợp tác với mong muốn là điểm tựa tin cậy, là nơi đại diện cho lao động nữ nông thôn bảo vệ lợi ích cho các chị yên tâm lao động.

Là “người uy tín” được bầu làm tổ trưởng, chị Chính trực tiếp nhận sản phẩm từ các công ty và giao sản phẩm lại cho chị em thực hiện gia công, đồng thời cũng hướng dẫn luôn kỹ thuật đan. Không còn nơm nớp lo sợ “bị giật”, các thành viên tổ hợp tác đã được thanh toán tiền hàng nhanh chóng, đầy đủ.

Sản phẩm của Tổ hợp tác thủ công mỹ nghệ xã Thuận Thới trưng bày tại “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2019 do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Sản phẩm của Tổ hợp tác thủ công mỹ nghệ xã Thuận Thới trưng bày tại “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2019 do Hội LHPN tỉnh tổ chức.

Cô Nguyễn Ngọc Hương (ấp Vĩnh Thuận) cho biết: “Tui theo nghề đan lục bình này lâu lắm rồi. Nhưng từ ngày vô tổ hợp tác, tôi cùng mấy chị em an tâm hơn hẳn. Có tổ chức, có địa điểm tin cậy thì khác hẳn”.

Được đánh giá là một trong những thành viên “giỏi nghề” của tổ, với thời gian rảnh rỗi, mỗi một đợt hàng chị Hương làm được cả triệu đồng. “Giờ làm sản phẩm xong đem giao là có tiền liền, không còn sợ bị giật”- chị Hương vui vẻ cho biết.

Dù quy mô còn nhỏ, đơn giản, nhưng với tâm huyết giúp đỡ chị em phụ nữ cùng nhau vươn lên, chị Chính đã ấp ủ nhiều dự định tương lai cho tổ hợp tác. “Giờ còn gặp nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng đưa tổ hợp tác ra địa điểm thuận tiện giao thông hơn và từng bước nâng cao chất lượng tổ hợp tác.”- chị Chính chia sẻ.

Chị Mai Thị Trúc- Chủ tịch Hội LHPN xã Thuận Thới- cho biết: “Thấy chị em đan lục bình riêng lẻ gặp nhiều khó khăn, Hội LHPN xã đã hướng dẫn thành lập tổ hợp tác thủ công mỹ nghệ. Theo đó, vừa đảm bảo duy trì thu nhập từ nghề đan lục bình vừa bảo vệ lợi ích chính đáng cho chị em phụ nữ, tạo điểm tựa tin cậy cho họ an tâm làm nghề, đảm bảo đầu ra ổn định. Hướng tới, tổ hợp tác sẽ cố gắng vận động thu hút thêm thành viên”.

Bài, ảnh: YẾN- NGA