Kinh tế lúa gạo và biến đổi khí hậu ở ĐBSCL

Cập nhật, 09:13, Chủ Nhật, 30/12/2018 (GMT+7)

 

Gian hàng giới thiệu sản phẩm gạo nổi bật của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phước Thành IV (Vĩnh Long) tại Festival lúa gạo lần III- Long An 2018.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm gạo nổi bật của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phước Thành IV (Vĩnh Long) tại Festival lúa gạo lần III- Long An 2018.

“ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức: nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển dâng đã gia tăng trong nhiều năm qua và có sự biến động rất lớn. Đồng bằng có nguy cơ về xâm nhập mặn và ngập lũ ngày càng cao, bên cạnh đó, việc thiếu bùn cát không chỉ làm năng suất nông nghiệp suy giảm, sụt lún đất, còn gây xói lở bờ sông... “- đây là những thông tin được đề cập tại hội thảo “Xâm nhập mặn và khô hạn ở ĐBSCL: Thực trạng- giải pháp ứng phó- bảo vệ và phát triển hạt gạo Việt Nam” vừa tổ chức tại Long An. Theo đó, nhiều giải pháp về chuỗi giá trị theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)- liên kết bền vững đã được đặt ra.

Nguy cơ mất đến 50% sản lượng lúa hàng năm

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sánh- nguyên Viện trưởng, Viện Phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ): sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL đang đóng góp rất lớn đối với ngành nông nghiệp cả nước. Cụ thể là chiếm 40% GDP ngành nông nghiệp, 50% tổng sản lượng lúa quốc gia, 90% lúa xuất khẩu,…

Tuy nhiên, khu vực này đang chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH, phải đối mặt với nhiều thách thức như nguồn nước thay đổi, năng lực cạnh tranh thị trường chưa cao, việc khai thác và sử dụng tài nguyên trong sản xuất nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả…

Cũng do tác động của BĐKH, các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chịu các thiệt hại vật chất cụ thể như: chậm tiến độ thu mua, tốn chi phí phơi sấy, bảo quản, chi phí nâng nền, chất lượng gạo giảm sút.

Theo phác thảo kịch bản mới nhất của các chuyên gia về BĐKH của ĐBSCL, BĐKH không chỉ ảnh hưởng đến nông dân mà cả các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Theo đó, dưới tác động của BĐKH, thiệt hại của nông dân trong chuỗi giá trị lúa bao gồm các yếu tố như: nhiệt độ (nắng nóng, khô hạn), lũ, ngập úng, mưa dầm, trái vụ, xâm nhập mặn, gió, lốc xoáy, bão,…

Các yếu tố này làm tăng chi phí điều trị dịch hại, tăng chi phí bơm tưới, bảo dưỡng đê, bơm nước ra cứu lúa, chất lượng lúa bị giảm sút… đặc biệt do xâm nhập mặn, năng suất, sản lượng lúa có thể bị giảm từ 30- 50%.

Theo PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí- Trường ĐH Cần Thơ, tình trạng BĐKH đang có những tác động tiêu cực đến sự phát triển của ĐBSCL. Cụ thể, tình trạng nước biển dâng làm hạn chế diện tích sản xuất; chế độ từ các sông thay đổi dẫn đến tình trạng thiếu bùn cát, phù sa; nguy cơ xâm nhập mặn và mưa lũ ngày càng cao…

Những yếu tố này gây ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất nông nghiệp của nông dân, làm giảm năng suất canh tác. Vì vậy, cần có chiến lược thích ứng bền vững thông qua sự kết hợp của các giải pháp công trình và phi công trình. Trong đó, cần tập trung phát triển toàn diện về kinh tế- xã hội, môi trường; thực hiện cải thiện sinh kế cộng đồng địa phương; xác định rõ các lợi ích ngắn hạn và dài hạn.

Bảo vệ hạt gạo trước thách thức BĐKH

Theo các chuyên gia, sản lượng lúa tại ĐBSCL thời quan qua đã tăng năng suất do ứng dụng giống lúa mới, áp dụng khoa học kỹ thuật, hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư và năng lực, trình độ kỹ thuật canh tác của nông dân được nâng lên.

Tuy vậy, ngành sản xuất lúa gạo ĐBSCL cũng còn nhiều hạn chế như: quy mô của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhỏ, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo còn gặp khó khăn về vốn, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, trong khi trình độ công nghệ còn thấp.

Công tác nghiên cứu thị trường, quảng cáo, xây dựng thương hiệu chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức, tình trạng tranh mua tranh bán giữa các doanh nghiệp với nhau vẫn còn diễn ra.

Vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất và chế biến đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái tự nhiên và đời sống của người dân. Đặc biệt là những khó khăn, thách thức dưới tác động ngày càng mạnh mẽ của BĐKH đang ảnh hưởng lớn đến đồng bằng.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, để thích ứng hạn mặn, ngành lúa gạo cũng phải tập trung nâng cao năng suất, chất lượng lúa ở những diện tích trồng không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, đồng thời giảm diện tích hoặc thay thế cây lúa ở những vùng bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. Trong đó, việc thay các giống lúa thích ứng điều kiện hạn mặn và chuyển đổi cơ cấu mùa vụ phù hợp lại được đặt ra như giải pháp hàng đầu.

TS. Trần Ngọc Thạch- Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL- thông tin: “Ngoài những giống lúa chịu được mặn mà ngưỡng 2- 3‰ nông dân đang trồng phổ biến, Viện Lúa ĐBSCL cũng đang làm dự án cho sản xuất thử 2 giống có khả năng chống chịu tốt là OM8959 và OM1735”.

Bên cạnh đó, mô hình xen canh lúa- tôm đang được nhiều địa phương áp dụng hiệu quả trên những vùng đất nhiễm mặn.

TS. Trần Ngọc Thạch còn cho biết: “Hiện nay Viện được Bộ Khoa học- Công nghệ giao cho nhiệm vụ cấp Nhà nước để tuyển chọn các giống lúa có khả năng chống chịu mặn tốt phù hợp cho cơ cấu lúa- tôm. Dự kiến sẽ phát triển và nhân rộng vùng lúa- tôm ở khu vực ven biển trong thời gian tới đây”.

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh đưa ra 8 giải pháp nông nghiệp thông minh để phát triển sản xuất lúa gạo ứng phó BĐKH đó là các nhóm giải pháp về: thị trường, sản phẩm và lợi thế, thông minh về giống, kỹ thuật, tiết kiệm nước, công nghệ xanh, tổ chức sản xuất và lồng ghép chính sách.

Nhiều nông dân đã thẳng thắn cho rằng, điều bà con quan tâm nhất không chỉ là thay đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, giảm số vụ trong năm để tránh hạn mặn mà quan trọng là các chính sách phát triển ngành kinh tế lúa gạo phải đi liền với việc đảm bảo cung cầu, không để tình trạng chi phí vật tư quá cao, việc được mùa, mất giá, thương lái ép giá… để người trồng lúa yên tâm sống cùng BĐKH.

Vùng ĐBSCL có diện tích đất trồng lúa 1,85 triệu ha, chiếm khoảng 48,7% diện tích đất trồng lúa cả nước. Hàng năm, ĐBSCL đóng góp khoảng 27% GDP của cả nước, thu ngoại tệ khoảng 3 tỷ USD, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho cả nước, nâng cao đời sống vật chất, tạo cơ hội việc làm cho cư dân ở khu vực nông thôn.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN- LÝ AN