Nông sản và thách thức "4 không"

Cập nhật, 05:50, Thứ Ba, 13/11/2018 (GMT+7)

Mới đây, tại hội thảo “Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị gia tăng của nông sản chủ lực: nhìn từ thị trường đến sản xuất” tổ chức tại TP Cần Thơ, nhiều chuyên gia đã nhìn nhận, thẳng thắn mổ xẻ các cơ hội, thách thức của nông sản, đặc biệt là cây ăn trái vùng ĐBSCL.

Theo ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT), ĐBSCL có diện tích cây ăn trái lớn nhất nước nhưng xuất khẩu không nhiều bởi nhiều lý do, trong đó, có nguyên nhân từ nông dân “4 không”.

Khoai lang là nông sản quan trọng của tỉnh nhưng tình hình tiêu thụ đang gặp khó.
Khoai lang là nông sản quan trọng của tỉnh nhưng tình hình tiêu thụ đang gặp khó.

 Tại Vĩnh Long, hơn 1 tháng nay, nông dân vùng khoai Bình Tân lao đao vì khoai khó bán do bị “nghẽn” ở cửa khẩu (do là mặt hàng chưa có tên trong danh mục hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc).

Trong khi khoai được trồng chủ yếu của tỉnh là khoai lang tím Nhật (chiếm trên 80% diện tích), có thị trường chính tiêu thụ là Trung Quốc và từ trước đến nay được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch nên khi Trung Quốc ngừng mua dẫn đến tình trạng ùn ứ, giá rớt mạnh. Như cuối tháng 9/2018, khoai lang tím Nhật rớt giá chỉ còn 150.000 đ/tạ khiến nông dân lỗ nặng.

Cùng thời điểm này, cam sành rớt giá chỉ còn 5.000 đ/kg. Đầu tháng 10/2018, chúng tôi gặp anh Trương Bảo Quốc ở ấp Tân Quới Hưng (xã Trường An- TP Vĩnh Long).

Anh buồn rượi: “11 công cam ngoài vườn đã đến ngày thu hoạch, năng suất khoảng 4- 5 tấn/công, lái báo giá chỉ 5.000 đ/kg. Đây là mức giá tệ nhất từ hồi tôi bắt đầu trồng cam từ năm 2014 tới nay.

Thời điểm này năm ngoái giá cũng hơn 10.000 đ/kg”. Theo anh Quốc, nguyên nhân là do hiện có nhiều nơi trồng cam sành, “đụng” đợt thu hoạch rộ nên rớt giá.

Phân tích về thách thức của nông sản, ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, quy mô sản xuất nhỏ lẻ trong khi tác động của biến đổi khí hậu ngày nghiêm trọng.

Bên cạnh, tổ chức liên kết sản xuất còn hạn chế, chưa thực sự hiệu quả; chưa quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; chiến lược phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, hệ thống thông tin thị trường yếu, còn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Đồng thời, thiếu công nghệ và nhà máy chế biến sâu hiện đại...

Riêng về cây ăn trái, ông Lê Thanh Tùng thông tin, trong 10 năm gần đây, diện tích cây ăn trái cả nước tăng chậm (hơn 1%/năm) nhưng năng suất tăng xấp xỉ 5% và sản lượng tăng trưởng 7- 10%/năm.

Giá trị xuất khẩu trái cây tăng bình quân 35%/năm trong giai đoạn 2010- 2016. Việt Nam đang có những lợi thế rất lớn về xuất khẩu cây ăn trái như sản phẩm phong phú, đa dạng.

Đồng thời, có lực lượng nghiên cứu và hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng ra trái rải vụ, sản lượng sản xuất rải vụ cao.

Mặt khác, tiềm năng, dư địa để phát triển cây ăn trái xuất khẩu còn nhiều. Chẳng hạn, trái măng cụt hiện đang xuất khẩu rất tốt nhưng chưa được nông dân trồng nhiều.

Thu hoạch dưa hấu.Ảnh: TRẦN NHÀNH (TP Vĩnh Long)
Thu hoạch dưa hấu.Ảnh: TRẦN NHÀNH (TP Vĩnh Long)

Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Thanh Tùng, Việt Nam chưa đa dạng chủng loại trái cây xuất khẩu và hiện phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc (trên 70% giá trị xuất khẩu); thiếu tính ổn định về sản lượng và giá.

Tỷ lệ cây ăn trái xuất khẩu cả nước những năm gần đây là thanh long chiếm khoảng 60%, măng cụt 16%, vải 6%, chôm chôm 2%, chuối 1%, còn lại là các loại khác.

Trong khi đó, cơ cấu cây ăn trái của ĐBSCL so cả nước là: xoài 14%, chuối 13%, cam 9%, nhãn 8%, bưởi 8%, dứa 6%, thanh long 4%, quýt 3%, các loại khác 29%. Điều đó cho thấy, tuy ĐBSCL có diện tích cây ăn trái lớn nhất nước (khoảng 35% cả nước) nhưng tham gia xuất khẩu rất ít. Trong đó, cam chiếm đến 9% nhưng chưa xuất khẩu.

Cũng theo ông Lê Thanh Tùng, thách thức lớn của cây ăn trái là thách thức về “chất lượng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu”, sản xuất không ổn định do không theo đơn đặt hàng, hạn chế trong việc tiếp cận thị trường...

Ông chỉ ra hạn chế lớn nhất của nông dân là: không thích hợp tác, không áp dụng khoa học kỹ thuật hoàn toàn theo hướng dẫn của các nhà khoa học, không chịu tiếp cận thị trường và không tự tin trong sản xuất. Điều này khiến các sản phẩm nông sản không đáp ứng chất lượng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu...

Do đó, hơn ai hết, trước tiên, nông dân cần mạnh dạn nhìn nhận và khắc phục hạn chế của chính mình trước khi trông chờ vào các nguồn lực hỗ trợ khác.

Theo đó, cần ban hành chính sách hỗ trợ hạ tầng cơ sở, rà soát tổ chức liên kết rải vụ trái cây chủ lực trồng tập trung vùng Nam Bộ.

Đồng thời, liên kết “4 nhà”, khuyến khích liên kết với doanh nghiệp nhằm phát triển vùng nguyên liệu và cung cấp dịch vụ đầu ra cho sản xuất. Về chế biến, cần rà soát quy hoạch, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến quả tiên tiến, đồng bộ.

Đồng thời, hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí kho bãi, vận chuyển đối với trái cây tươi xuất khẩu qua đường hàng không; rà soát, hỗ trợ tối đa thủ tục, tối giản thời gian từ xử lý sau thu hoạch, đóng gói, kiểm tra vận chuyển rau quả tươi xuất khẩu bằng đường hàng không; tăng cường xúc tiến thương mại, tích cực đàm phán với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU