Nông nghiệp còn rất nhiều "đất" phát triển

Cập nhật, 09:28, Thứ Ba, 07/08/2018 (GMT+7)

Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (NN)” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, diễn ra hồi tuần trước tại Lâm Đồng.

Đây là sự kiện quan trọng trong bối cảnh ngành NN Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, hội nhập mạnh mẽ, nhiều dư địa phát triển nhưng cũng cho thấy còn không ít khó khăn, thách thức.

Một số doanh nghiệp Vĩnh Long đầu tư lĩnh vực NN đã xây dựng chuỗi liên kết với nông dân trong sản xuất, quản lý chất lượng, tiêu thụ nông sản.
Một số doanh nghiệp Vĩnh Long đầu tư lĩnh vực NN đã xây dựng chuỗi liên kết với nông dân trong sản xuất, quản lý chất lượng, tiêu thụ nông sản.

Đầu tư chưa tương xứng

Theo Bộ NN- PTNT, Việt Nam là nước có lợi thế cạnh tranh về phát triển NN nhiệt đới với điều kiện sinh thái đa dạng, số giờ nắng nhiều, nguồn nước dồi dào, nông dân có kỹ năng, cần cù chịu khó và giá ngày công lao động tương đối thấp.

NN Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là phát triển các sản phẩm chế biến, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao.

Cơ chế chính sách và khung pháp lý ngày càng được hoàn thiện, thu hút, tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào NN, nông thôn…

Báo cáo của Bộ NN- PTNT cũng cho thấy, giai đoạn 2005- 2016 số lượng các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực nông- lâm- thủy sản tăng từ 2.217 doanh nghiệp lên 4.400 doanh nghiệp, bình quân tăng 6,4%/năm.

Tính đến quý II/2018, có khoảng 7.600 doanh nghiệp NN. Bên cạnh sự tăng lên của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong NN, một số doanh nghiệp tập đoàn lớn ngoài lĩnh vực nông- lâm- thủy sản cũng đẩy mạnh đầu tư vào NN, như Vingroup, MaSan, Himlam, Viettel, FLC, Hoàng Anh Gia Lai, Pangroup,…

Những đơn vị này cũng áp dụng nhiều quy trình sản xuất hiện đại, áp dụng công nghệ mới và đã cho những kết quả ban đầu khá tốt.

Trong vòng 10 năm (2005-2015), tổng vốn đầu tư vào khu vực NN của doanh nghiệp tăng gấp 4 lần (từ mức 44.273,1 tỷ đồng lên mức 231.334 tỷ đồng).

Quy mô vốn bình quân trong các doanh nghiệp NN trong nước năm 2016 là 35,8 tỷ đồng/doanh nghiệp (vốn bình quân doanh nghiệp cả nước là 72,82 tỷ đồng/doanh nghiệp).

Mặc dù số lượng doanh nghiệp NN tăng lên, nhưng theo Bộ NN-PTNT, vẫn còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng trên 1%) trong tổng số các doanh nghiệp của cả nước.

Nếu tính thêm cả doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và doanh nghiệp thương mại các mặt hàng lương thực thực phẩm, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NN chiếm khoảng 8% trong tổng số doanh nghiệp cả nước.

Trong đó, tới trên 95% số doanh nghiệp NN có quy mô vừa và nhỏ cũng đang là thách thức lớn.

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu bình quân người lao động trong doanh nghiệp NN bằng khoảng 1/5 so với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác. Bên cạnh, năng lực liên kết hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị của doanh nghiệp NN còn hạn chế…

Mở cửa tiềm năng phát triển NN

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư- Nguyễn Chí Dũng cho biết: Đầu tư trong lĩnh vực NN thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của quốc gia và chưa thật sự bền vững, hiệu quả.

Cùng với công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực cũng được doanh nghiệp quan tâm đầu tư.
Cùng với công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực cũng được doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

NN Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là phát triển các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao.

Vì vậy, cần tập trung vào một số nhóm giải pháp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực từ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực NN.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất xây dựng và tổ chức thí điểm các mô hình tích tụ, tập trung đất NN phục vụ sản xuất NN hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa NN tại một số địa phương để ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp.

Phải thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh trong NN…

Bộ Tài nguyên- Môi trường cho rằng, chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất NN, đã được khẳng định trong các nghị quyết của Đảng và được cụ thể hóa trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo thực hiện với nhiều hình thức và cách làm phong phú, sáng tạo, đã mang lại những kết quả tích cực.

Chẳng hạn, đến hết năm 2016, cả nước có khoảng trên 500.000ha thực hiện theo hình thức cánh đồng lớn, trong đó có 337.400ha sản xuất lúa canh tác theo mô hình cánh đồng lớn, chủ yếu tập trung ở ĐBSCL (259.400ha).

Nhiều vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả hàng hóa tập trung quy mô lớn được duy trì, mở rộng: vùng cao su, cà phê, điều, hồ tiêu (Đông Nam Bộ và Tây Nguyên); vùng chè (trung du miền núi phía Bắc và Lâm Đồng); vùng cây ăn trái ở Nam bộ, thanh long ở Bình Thuận, vải thiều ở Bắc Giang...

Tuy nhiên, tỷ lệ diện tích cánh đồng lớn còn thấp, ngay kể cả ở ĐBSCL cũng chỉ đạt 11% tổng diện tích canh tác lúa của vùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến phát triển NN, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào NN, nông thôn.

Các doanh nghiệp là “trụ cột”, là “đầu tàu” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất NN theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt.

Doanh nghiệp còn là lực lượng thúc đẩy việc tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất NN quy mô lớn, cơ giới hóa sản xuất NN, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong NN hướng tới sản xuất các mặt hàng nông sản có chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn hơn, có khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Chúng ta tự hào đã có những doanh nghiệp hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, về lúa gạo, cà phê…”

Vĩnh Long cơ cấu lại ngành NN gắn thu hút đầu tư vào NN

Theo Đề án cơ cấu lại ngành NN được điều chỉnh, bổ sung năm 2017 và yêu cầu thực tiễn, ngành NN đã điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành NN tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

UBND tỉnh Vĩnh Long đánh giá doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NN còn rất ít, năng lực và tài chính hạn chế, do đó chưa tham gia sâu vào các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản của địa phương.

Lĩnh vực kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã hoạt động còn yếu, năng lực quản lý, điều hành còn hạn chế, do đó chưa phát huy được vai trò nòng cốt trong thực hiện cơ cấu lại NN.

Vì thế, một trong những định hướng của tỉnh là: ưu tiên đầu tư công trong NN để tạo điều kiện cho sản xuất hướng đến mục tiêu năng suất, chất lượng, hiệu quả và có giá trị gia tăng cao, cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung nguồn lực cho lĩnh vực này.

Cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị từng bước được hình thành, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Danh mục dự án mời gọi đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2017–2020.

Trong đó lĩnh vực NN- nông thôn có 13 dự án với tổng mức đầu tư ước khoảng 15.575 tỷ đồng, 4 dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm và sản xuất thiết bị cơ giới NN.

Bài, ảnh: AN HƯƠNG