Trải "thảm đỏ" đón nhà đầu tư

Cập nhật, 08:57, Chủ Nhật, 25/03/2018 (GMT+7)

Không chỉ là địa phương giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, Vĩnh Long còn được xem là gạch nối phát triển giao thương TP Hồ Chí Minh với các tỉnh- thành ở Tây Nam Bộ. Những chính sách thông thoáng cùng chủ trương dành những ưu đãi tốt nhất cho nhà đầu tư, Vĩnh Long đã và đang thực sự trải “thảm đỏ” đón đầu tư.

Lợi thế đường thủy, đường bộ cùng hệ thống cảng biển thuận lợi cho trung chuyển hàng hóa.
Lợi thế đường thủy, đường bộ cùng hệ thống cảng biển thuận lợi cho trung chuyển hàng hóa.

Cam kết cao nhất với nhà đầu tư

Nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường Vĩnh Long thường đặc biệt quan tâm về chính sách ưu đãi. Điều này, ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định: Đến với Vĩnh Long, các nhà đầu tư sẽ tận dụng được các ưu thế của địa phương, hỗ trợ ưu đãi đầu tư riêng mà tỉnh đang triển khai thực hiện;

về môi trường pháp lý và cung cấp nhanh chóng, kịp thời các thông tin về quy hoạch, doanh mục các dự án đầu tư, số liệu cần thiết khác theo yêu cầu trong phạm vi pháp luật cho phép.

Nghị quyết 97 quy định chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh đối với từng dự án, theo lĩnh vực, địa bàn đầu tư đã được HĐND tỉnh Vĩnh Long ban hành, có hiệu lực từ năm 2018. Ông Đặng Quang Tấn- Phó trưởng Ban Quản lý Các khu công nghiệp- cho rằng chính sách ưu đãi trong nghị định này là “không thể tốt hơn”.

Cụ thể, hỗ trợ 80% chi phí lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư theo quy định, với mức hỗ trợ tối đa không quá 1 tỷ đồng/dự án. Hỗ trợ 20% trên tổng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, nhưng tối đa không quá 5 tỷ đồng/dự án. 

Hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng nhà máy xử lý nước thải đạt cột A theo tiêu chuẩn hiện hành, không quá 5 tỷ đồng/dự án. Hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay vốn để đầu tư tài sản cố định từ các ngân hàng thương mại hoặc từ Quỹ đầu tư Phát triển của tỉnh trong 3 năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động.

Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông đến hàng rào doanh nghiệp, đối với các dự án đầu tư thuộc danh mục được ban hành và phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh.

Tỉnh Vĩnh Long luôn tạo sự thông thoáng, minh bạch và thuận lợi cho các nhà đầu tư. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời tiếp xúc doanh nghiệp đến từ Hà Lan.
Tỉnh Vĩnh Long luôn tạo sự thông thoáng, minh bạch và thuận lợi cho các nhà đầu tư. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời tiếp xúc doanh nghiệp đến từ Hà Lan.

Một lợi thế không nhỏ, mà theo ông Đặng Quang Tấn là Vĩnh Long nằm ở vùng trung tâm ĐBSCL, giao thông thuận lợi cho cả đường bộ và đường thủy.

Cả tỉnh có 20 chi nhánh ngân hàng; nhiều trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề, tạo nguồn lao động dồi dào, chi phí lao động thấp- là nhân tố hấp dẫn mà phần lớn nhà đầu tư quan tâm.

Năm 2018, dự kiến thu hút đầu tư khoảng 150 triệu USD (năm 2016 là 140 triệu USD). Theo đó, Ban Quản lý Các khu công nghiệp đã tích cực tạo quỹ đất sạch, hạ tầng hoàn chỉnh, giới thiệu ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư.

Bên cạnh, là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh... đã góp phần tăng niềm tin của doanh nghiệp vào sự đồng hành của chính quyền.

Hạ tầng sẵn sàng

Theo ông Đặng Quang Tấn, hệ thống kết cấu hạ tầng tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú giai đoạn 1 và 2, KCN Bình Minh với tổng diện tích 415,93ha, trong đó đất công nghiệp là 306,9ha đã cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước và đặc biệt là hệ thống thu gom rác thải.

KCN Hòa Phú hiện lắp đặt toàn bộ hệ thống nước sạch kéo đến cổng doanh nghiệp với lưu lượng 8.000m3/ngày.

Nhà máy xử lý nước thải KCN Hòa Phú công suất 4.000m3/ngày đêm, chuẩn bị nâng cấp lên 6.900 m3/ngày đêm. Nhà máy xử lý nước thải KCN Bình Minh, công suất 2.000 m3/ngày đêm, trạm biến áp công suất 40.000KVA nhưng mới sử dụng 25.000KVA nên hoàn toàn đảm bảo cung cấp liên tục.

Hệ thống hạ tầng hoàn thiện đã góp phần tăng hiệu quả thu hút đầu tư. Nếu như 2005 chỉ có 5 doanh nghiệp đầu tư vào các tuyến- KCN, với số vốn đầu tư đăng ký chỉ 118 tỷ đồng và 10 triệu USD, thì đến nay đã thu hút 48 dự án, trong đó có 20 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký trên 4.000 tỷ đồng và 439,41 triệu USD.

Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn đầu KCN hoạt động chỉ 267,19 tỷ đồng, đến 2017 là trên 12.000 tỷ; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 8,03 triệu USD, đến năm 2017 nâng lên là 362,90 triệu USD.

Nguồn lao động Vĩnh Long khá dồi dào, có tay nghề.
Nguồn lao động Vĩnh Long khá dồi dào, có tay nghề.

Ông Jen YI Fan- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH BoHsing (KCN Hòa Phú) cho biết, công ty hoạt động từnăm 2009 và nhận được sự quan tâm, tư vấn giúp đỡ nhiệt tình về các thủ tục, giấy tờ.

Ông nói: “Khi đầu tư, chúng tôi được hưởng ưu đãi 3 năm miễn thuế và giảm 50% trong 7 năm tiếp theo. Hy vọng nhiều nhà đầu tư đến Vĩnh Long cũng giống như doanh nghiệp chúng tôi”.

Thu hút đầu tư, quy hoạch phải đi trước- ông Đặng Quang Tấn cho biết- và sẽ quan tâm đến công tác phát triển các KCN mới để tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư. Trong đó, đến năm 2020 Chính phủ đã chấp thuận ưu tiên thành lập 3 KCN, gồm: KCN Đông Bình, Bình Tân và Định An với tổng diện tích 950ha.

Ông Đặng Quang Tấn cho biết đơn vị “sẽ làm hết mình” với mục tiêu tạo thông thoáng, minh bạch và thuận lợi; phát huy cơ chế một cửa liên thông trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt là tiếp nhận hồ sơ, đề nghị cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư qua mạng điện tử, nhằm rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp.

Với bộ máy điều hành năng động, với cam kết cao nhất với nhà đầu tư, tin rằng Vĩnh Long tiếp tục là miền đất lành cho doanh nghiệp, hợp tác lâu dài và phát triển bền vững.

KCN Hòa Phú và KCN Bình Minh còn khoảng 90ha đất công nghiệp, đã cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng, sẵn sàng cho đầu tư.

 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH