Vĩnh Long - Năng động đón đầu tư

Cập nhật, 14:18, Thứ Tư, 14/02/2018 (GMT+7)

Bỏ lại những năm dài với một ngành công nghiệp khá mờ nhạt, Vĩnh Long đang làm tất cả để bứt phá trở thành một tỉnh mạnh về công nghiệp- dịch vụ. Vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, tỉnh Vĩnh Long đã và đang là điểm đến đầy triển vọng cho các nhà đầu tư.

“Bản đồ” đầu tư mở rộng

Nhà máy cung cấp nước sạch trong Khu công nghiệp Bình Minh.
Nhà máy cung cấp nước sạch trong Khu công nghiệp Bình Minh.

Hoạt động xúc tiến đầu tư trong những năm qua vẫn giữ vững nhịp độ, kết quả huy động vốn đầu tư phát triển xã hội trong toàn tỉnh tăng trưởng khá cao.

Lấy mốc thời gian từ năm 2005, khi một số khu- tuyến công nghiệp trên địa bàn đi vào hoạt động đến nay, sẽ thấy những đóng góp đáng kể phát triển lĩnh vực này.

Nếu năm 2005, chỉ có 5 doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp, với vốn đầu tư là 118 tỷ đồng và 10 triệu USD, thì đến nay đã có 48 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 16 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3.600 tỷ đồng và trên 314 triệu USD.

Riêng năm 2017, thông qua các hoạt động đã tiếp xúc, làm việc với 48 lượt nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có 26 lượt nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu.

Kết quả có 9 dự án được cấp giấy chứng nhận và 3 dự án chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký 1.163,8 tỷ đồng và 55,31 triệu USD, trong đó, có 3 dự án FDI.

Dự án được cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư nhiều hơn so năm trước, một vài dự án có vốn đầu tư lớn, triển khai nhanh. Điều đó cho thấy Vĩnh Long rất chú trọng đến việc cải thiện môi trường đầu tư, lấy cải cách thủ tục hành chính làm thước đo tính minh bạch của chính quyền.

Theo ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư, năm 2017 là năm “gặt hái” trong thu hút đầu tư với số dự án được cấp chủ trương, giấy chứng nhận tăng khá.

Trong đó, một vài dự án triển khai nhanh, có vốn đầu tư cao, như: Trung tâm Thương mại- Dịch vụ- Nhà ở của Tập đoàn Vincom với số vốn đăng ký khoảng 287 tỷ đồng; dự án Nhà máy Capsule III nâng vốn từ 150 lên 375 tỷ đồng,...

Qua đó, còn đẩy nhanh phát triển hạ tầng kỹ thuật- xã hội như: giao thông, chợ, bệnh viện, trường học, cùng một số dịch vụ bưu chính viễn thông, ngân hàng, nhà cho thuê, nhất là tại các khu- tuyến công nghiệp, tạo nên những vùng kinh tế năng động, đời sống và thu nhập một bộ phận dân cư ổn định và phát triển.

Tạo lòng tin từ “một cửa, một dấu”

Vĩnh Long thu hút dự án đầu tư phù hợp, khai thác hiệu quả nguyên liệu địa phương.
Vĩnh Long thu hút dự án đầu tư phù hợp, khai thác hiệu quả nguyên liệu địa phương.

Những năm gần đây, Vĩnh Long luôn đứng trong tốp khá, tốt về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong cả nước.

Đây là chỉ số đánh giá chất lượng công tác điều hành quản lý kinh tế của địa phương bằng tiếng nói trực tiếp và khách quan của hàng ngàn doanh nghiệp trên cả nước.

Điều này càng chứng minh, vì sao trong điều kiện đất chật người đông, “tấc đất tấc vàng”, chi phí bồi hoàn giải tỏa cao nhưng những năm gần đây luôn tạo quỹ đất sạch, thu hút được nhà đầu tư. Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp “để mắt” tới Vĩnh Long, do môi trường đầu tư cởi mở và thân thiện.

Ông Lê Quang Trung- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- cho rằng đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp là chìa khóa, gỡ “nút thắt” giải quyết bức xúc của doanh nghiệp.

Đồng thời, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung vào cải cách hành chính, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, gây cản trở, phiền hà cho nhà đầu tư là yếu tố then chốt.

Nhà đầu tư đến chỉ cần “một cửa, một dấu” đồng thời duy trì thời gian xử lý hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp mới bình quân 1,51 ngày và xử lý hồ sơ đăng ký thay đổi thực hiện trong 1,29 ngày- như đã làm thực sự làm hài lòng doanh nghiệp, tạo “cú hích” thu hút mạnh mẽ.

Xác định quy hoạch phải đi trước một bước để thu hút đầu tư, do đó hiện tỉnh đã hoàn thiện quy hoạch thuộc các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội 10 năm tới, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- kỹ thuật.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất vẫn là cơ chế, chính sách về đất đai, xây dựng còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ; ngân sách tỉnh còn hạn hẹp nên chưa đáp ứng được kinh phí đầu tư hạ tầng cho phát triển các quy hoạch.

Mặt khác, nguồn nhân lực qua đào tạo vẫn rất thấp, hầu hết cơ sở tuyển dụng phải đào tạo lại. Đây là những việc “tỉnh đã nhìn thấy” và đang tìm cách tháo gỡ.

Đến năm 2020, Vĩnh Long phấn đấu phát triển đạt mức khá ở khu vực ĐBSCL, ưu tiên hàng đầu của tỉnh là xây dựng danh mục các dự án mời gọi đầu tư phù hợp điều kiện của tỉnh, xu hướng đầu tư mới và mang tính khả thi cao.

Với bộ máy điều hành năng động cùng với môi trường thông thoáng, hấp dẫn và tiềm năng còn nhiều, tin rằng Vĩnh Long sẽ thành công, tiếp tục là miền đất lành cho các dự án đầu tư lớn vì mục tiêu hợp tác lâu dài và phát triển bền vững.

 Bài, ảnh: HOÀNG MINH