Chủ động nguồn vốn cho đầu tư phát triển

Cập nhật, 13:11, Thứ Ba, 30/01/2018 (GMT+7)

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Vĩnh Long, năm 2017, hoạt động tín dụng tăng trưởng khá, góp phần chủ động nguồn vốn vay đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, chất lượng tín dụng đảm bảo và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp…

Các ngân hàng thương mại đẩy mạnh phát triển mạng lưới về nông thôn.
Các ngân hàng thương mại đẩy mạnh phát triển mạng lưới về nông thôn.

Tháo gỡ khó khăn cho khách hàng

Ông Nguyễn Trọng Nghiệp- Giám đốc NHNN chi nhánh Vĩnh Long- cho biết trong năm 2017, mặc dù đối mặt với những khó khăn chung của nền kinh tế nhưng hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả nhất định.

Đó là tỷ giá, lãi suất huy động ổn định, lãi suất cho vay giảm hỗ trợ tích cực cho khách hàng vay vốn. Nguồn vốn huy động duy trì tăng trưởng khá và ổn định, nhất là tiền gửi tiết kiệm trên địa bàn giúp tỉnh Vĩnh Long chủ động nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế- xã hội.

Đáng chú ý, dư nợ tăng trưởng vượt và cao hơn tốc độ tăng trưởng vốn huy động, từng bước giảm dần chênh lệch với số dư huy động vốn.

Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khu vực nông nghiệp nông thôn, vốn lưu động các doanh nghiệp…

Cụ thể, lãi suất cho vay ổn định và giảm nhẹ với đối tượng khách hàng có tình hình tài chính tốt, minh bạch, ở các gói tín dụng cụ thể, lãi suất dưới 6%/năm.

Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên phổ biến từ 6- 6,5%/năm. Các lĩnh vực không thuộc đối tượng ưu tiên lãi suất cho vay ngắn hạn 7- 10%/năm, trung- dài hạn 9- 11%/năm.

Trong năm 2017, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, lãi suất huy động thực dương. Đến 31/12/2017, số dư nguồn vốn huy động đạt 29.683 tỷ đồng, tăng 3.238 tỷ (+12,24%) so với đầu năm, trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 14,75%.

Trong khi đó, dư nợ cho vay đạt 22.664 tỷ đồng, tăng 3.537 tỷ (+18,49%) so với đầu năm. Dư nợ cho vay tập trung các lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và UBND tỉnh.

Chẳng hạn, cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thông theo Nghị định 55 của Chính phủ, dư nợ cho vay đạt 11.236 tỷ, tăng 24,41% so với đầu năm.

Cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên lãi suất không quá 6,5%, trong năm có 60.218 khách hàng vay, doanh số cho vay 13.925 tỷ, trong đó có 2.136 doanh nghiệp. Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 4.570 tỷ, với 1.010 doanh nghiệp còn dư nợ…

Các NH còn thực hiện cho vay lĩnh vực nông nghiệp sách với 2 dự án, dư nợ cho vay 121,5 tỷ; cho vay doanh nghiệp khởi nghiệp, mới thành lập, dư nợ cho vay đạt 330 tỷ với 29 khách hàng.

Ngoài ra, còn cho vay thu mua lương thực, hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp…

Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, tăng trưởng dư nợ trung- dài hạn cao hơn so với ngắn hạn cũng đã giúp các doanh nghiệp có vốn đầu tư tăng năng lực sản xuất.

Tuy nhiên, theo NHNN chi nhánh Vĩnh Long, hoạt động tín dụng vẫn còn một số hạn chế như việc triển khai thực hiện một số chính sách tín dụng còn gặp khó.

Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp nhưng chưa bền vững. Một số chi nhánh NH có chênh lệch giữ số dư huy động và vốn lớn hơn nhiều so với dư nợ cho vay…

Cần giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn

Ghi nhận những nỗ lực của ngành NH trong việc thực hiện tốt các chính sách tín dụng, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… góp phần quan trọng vào phát triển ổn định kinh tế- xã hội của tỉnh.

Đồng thời, ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- lưu ý ngành NH cần quan tâm kéo giảm chênh lệch giữa số dư huy động so với dư nợ cho vay.

“Đây là vấn đề ảnh hưởng đến nền kinh tế, khi hàng năm một nguồn vốn lớn chảy ra ngoài tỉnh, dẫn đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh hạn chế.

Ngành NH cần quan tâm để doanh nghiệp và người dân tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng”- ông Lê Quang Trung nhấn mạnh.

Ông Lê Quang Trung cũng lưu ý ngành NH cần thực hiện tốt giải pháp kéo giảm nợ xấu ngay từ đầu năm, quan tâm công tác thẩm định, kiểm tra giám sát quá trình cho vay, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng…

Việc tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên.

Ngành NH cùng với việc bám sát các chỉ tiêu kế hoạch phát triển của tỉnh năm 2018 để cung ứng đầy đủ vốn cho nhu cầu phát triển kinh tế, ông Lê Quang Trung cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác phối hợp qua việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xử lý, thu hồi nợ xấu, tăng cường tuyên truyền các cơ chế chính sách, sản phẩm dịch vụ NH…

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng,
dịch vụ NH.

Phát triển mạng lưới NH về phục vụ nông nghiệp, nông thôn

Trong năm 2017, có 6 phòng giao dịch các NHTM khai trương hoạt động, trong đó có 5/6 phòng giao dịch hoạt động tại các huyện. Đến nay, toàn tỉnh có 104 điểm giao dịch đang hoạt động với 20 chi nhánh cấp 1, 9 chi nhánh loại 3, 70 phòng giao dịch và 5 quỹ tín dụng nhân dân. Hiện có 69 điểm giao dịch NH hoạt động tại địa bàn huyện.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC