Những "điểm sáng" trong bối cảnh kinh tế khó khăn

Cập nhật, 06:12, Thứ Năm, 02/11/2017 (GMT+7)

Qua khảo sát, giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết tại huyện Bình Tân, đồng chí Nguyễn Bách Khoa- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- cho rằng đã tìm thấy nhiều “điểm sáng” trong bối cảnh kinh tế khó khăn khi huyện vẫn còn nhiều chỉ tiêu kinh tế chưa đạt.

Tuy đây không phải là những mô hình lớn nhưng “sáng” ở tinh thần quyết tìm ra giải pháp, hướng đi trong phát triển kinh tế.

Đoàn khảo sát của Tỉnh ủy tìm hiểu việc cải tiến máy vun giồng khoai lang của ông Hải.
Đoàn khảo sát của Tỉnh ủy tìm hiểu việc cải tiến máy vun giồng khoai lang của ông Hải.

Nhiều điểm sáng làm kinh tế

Qua khảo sát DNTN Phước Lộc Hải (ấp Mỹ Thạnh B, xã Mỹ Thuận) cho thấy, tinh thần vươn lên của ông chủ Trần Văn Hải là rất lớn.

Từ một cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, cách nay 1 năm, ông Hải đầu tư máy sản xuất gạch lót vỉa hè và mới đây là đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung (trị giá 1 tỷ đồng, trong đó Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ trên 160 triệu đồng).

Nhờ làm tận gốc, bán tận ngọn, ông Hải thu lời cao hơn. Qua đó còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Hiện, ông Hải đang nghiên cứu cải tiến máy vun giồng khoai lang và máy thu hoạch khoai lang (do Sở Khoa học- Công nghệ, Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh hỗ trợ) cho phù hợp với tình hình sản xuất địa phương.

Vượt qua khó khăn ban đầu do tâm lý người dân vẫn còn chuộng sản xuất giống lúa IR50404 cho năng suất cao (6,5 tấn/ha) nhưng chất lượng thấp, với sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, Tổ Nhân giống lúa ấp Kinh Mới (xã Mỹ Thuận) đã từng bước chuyển sang trồng giống OM5451 cho năng suất vượt trội từ 7,5- 9 tấn/ha với chất lượng thơm ngon hơn, được thương lái ưa chuộng, giá bán lúa giống cao hơn 10.000 đ/giạ, giá lúa thịt cũng cao hơn 1.000- 2.000 đ/giạ.

“Mỗi vụ, tổ viên lời từ 2- 3 triệu đồng/công. Từ 5 thành viên tham gia với 7ha, đến nay có 22 thành viên với 30ha”- anh Nguyễn Quốc Việt- Tổ trưởng Tổ Nhân giống lúa ấp Kinh Mới khoe.

Với tuổi đời khá trẻ, anh Nguyễn Thành Long (33 tuổi) đã là chủ trang trại nuôi gà đẻ trứng thương phẩm trên 10.000 con tại ấp Mỹ Thạnh A (xã Mỹ Thuận).

Chuồng được làm bằng sắt khiến độ bám phân ít, dễ thu gom trứng, trứng lại sạch, ít nứt bể nên được thị trường ưa chuộng.

Việc đầu tư máng ăn, máng uống cũng giúp anh tiết kiệm chi phí vì gà ăn đúng khẩu phần, đúng nhu cầu. Nhờ đầu tư bài bản, nắm vững kỹ thuật, anh Long thu lời vài trăm triệu đồng/năm.

Vượt qua khó khăn, anh Trung (giữa) đã thành công trong việc phát triển mô hình trồng nấm bào ngư xám.
Vượt qua khó khăn, anh Trung (giữa) đã thành công trong việc phát triển mô hình trồng nấm bào ngư xám.

Sau thua lỗ 300 triệu đồng do môi trường sản xuất phôi nấm bào ngư xám không thích hợp, anh Phan Khắc Trung- chủ cơ sở Trường Phát (ấp Tân Phước, xã Tân Bình) vẫn không nản lòng, tiếp tục nghiên cứu thay đổi điều kiện sản xuất và tìm ra nguyên lý trồng nấm đạt chất lượng, hiệu quả, được thị trường ưa chuộng.

Hiện, cơ sở xuất bán mỗi tháng được từ 3- 3,2 tấn/tháng, giá 32.000- 35.000 đ/kg, lời khoảng 70 triệu đồng/tháng.

Dồn sức cho các chỉ tiêu chưa đạt

Năm 2017, Huyện ủy Bình Tân ước thực hiện đạt 13/22 chỉ tiêu nghị quyết. Có nhiều chỉ tiêu liên quan đến kinh tế chưa đạt như: giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản (97,8%); giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (98,9%); tổng mức bán lẻ hàng hóa theo giá hiện hành (99,6%); doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống (98,9%); thu nhập bình quân đầu người (92,7%).

Theo đồng chí Nguyễn Bách Khoa, đây là những mô hình đáng quý, cần được nhân rộng trước bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Trong triển khai thực hiện Nghị quyết năm 2017, Huyện ủy cần quan tâm đến phát triển kinh tế tư nhân.

Hiện, việc trồng cây gì, nuôi con gì vẫn đang là câu hỏi khó và chính doanh nghiệp sẽ giúp gỡ những khó khăn mà nông dân không thể “tự bơi” đi tìm thị trường tiêu thụ.

Bình Tân đang có lợi thế lớn về phát triển nông nghiệp cùng nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào.

Nếu được phát triển trên nền tảng sẵn có, gắn với đầu tư nhà máy chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ sẽ thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển.

Vấn đề được ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh- quan tâm là cần phát huy vai trò của các đoàn thể gắn với các phong trào làm kinh tế có hiệu quả; đồng thời đưa cán bộ giỏi vào tham gia các mô hình, hỗ trợ nâng cao trình độ quản lý của người dân, nhằm đạt mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng dân cư.

Ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- đề nghị huyện dồn sức thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết chưa đạt, trong đó đặc biệt quan tâm đến các chỉ tiêu kinh tế. Cần thu hút đầu tư công nghiệp- thương mại- dịch vụ để nâng cao đời sống người dân;

tiếp tục nhân rộng và phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả; trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp cần phát huy cây trồng vật nuôi phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng; đồng thời, có sự quan tâm đầu tư đúng mức, chuyển dịch đúng hướng để người dân an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết huyện ủy đề ra.

Ông Đặng Văn Chính- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bình Tân: Năm 2017, giá trị sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp giảm so cùng kỳ do nông dân sản xuất màu liên tục nên năng suất giảm, đất có hiện tượng bạc màu;

việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp còn nhiều khó khăn do người sản xuất chạy theo thị trường, làm ảnh hưởng đến việc quy hoạch sản xuất và định hướng phát triển;

các mặt hàng nông sản không có đầu ra ổn định; khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản chưa được ký kết. Huyện ủy kiến nghị tỉnh hỗ trợ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản;

phân tích thổ nhưỡng để xác định sự bạc màu của đất; phục tráng hoặc nhân giống mới với 2 loại màu chủ lực là khoai lang và hành lá.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI