Thạnh Quới- "điểm sáng" huy động sức dân

Cập nhật, 06:28, Thứ Bảy, 18/02/2017 (GMT+7)

Là xã thuần nông, đời sống người dân còn khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp hoặc làm công nhân tại khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, xã Thạnh Quới (Long Hồ) đã thành công trong việc vận động nhân dân đồng lòng hiến đất, góp công góp của xây dựng giao thông nông thôn, trở thành “điểm sáng” trong huy động sức dân.

Nhờ làm tốt công tác huy động sức dân cùng sự đối ứng của Nhà nước mà nhiều tuyến đường ở xã Thạnh Quới được nhựa hóa.
Nhờ làm tốt công tác huy động sức dân cùng sự đối ứng của Nhà nước mà nhiều tuyến đường ở xã Thạnh Quới được nhựa hóa.

Niềm vui trên con đường mới

Những ngày đầu năm, chúng tôi có dịp trở về xã Thạnh Quới, nhìn thấy diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi với những con đường được tráng nhựa phẳng lỳ, đời sống người dân ngày càng phát triển bởi việc đi lại, vận chuyển tiêu thụ hàng hóa nông sản khá dễ dàng.

Trên tuyến đường Ba Phụng (ấp Thạnh Lợi) vừa được đầu tư nhựa hóa dài 1km, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Nguyễn Văn Tuyền.

Tuyến đường Ba Phụng được tráng nhựa, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện.
Tuyến đường Ba Phụng được tráng nhựa, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện.

Vừa ngồi làm lọp bắt rắn, anh Tuyền nói: “Năm nay người dân mình ăn tết thấy rất sung vì đã có đường nhựa mới để đi, chứ trước đây con đường này sình lầy dữ lắm, mùa nước nổi ngập lênh láng. Tội nhất là mấy đứa nhỏ phải lội bì bõm đi học”.

Gần đó, bà Đặng Thị Ngữ vừa giữ 2 đứa cháu nhỏ, vừa tiếp chuyện: “Các con tui đều đi làm ở KCN Hòa Phú. Khi con đường này được đầu tư, tụi nó vui không tả xiết vì không còn cảnh mắc lầy, qua lại bằng xuồng như trước nữa. Nhìn bà con tới lui thăm viếng chúc tết nhau cũng thấy vui vẻ hẳn”.

“Con đường này dân mình mong mỏi đã lâu rồi và chúng tôi cũng đã kiến nghị thông qua các cuộc họp dân. Đến cuối năm vừa qua thì được đầu tư hoàn thành, dân mình ai cũng phấn khởi”- anh Trần Văn Thông nói.

Hỏi về chuyện đóng góp làm đường, anh Thông cho biết: Mỗi năm, UBND xã đều có gửi thư ngỏ vận động nhân dân đóng góp 50.000 đ/công ruộng, vườn. Riêng đối với những nơi được đầu tư xây đường thì góp 100.000 đ/công. Nhà tui có 9 công đất, nên góp 900.000đ, tuy có hơi “ngán” nhưng việc gì có lợi cho dân thì dân đồng tình thôi.

Chị Trương Thị Trinh tiếp lời: “Nhà tui có 3 công đất, tuy còn nhiều khó khăn nhưng tui vẫn sẵn lòng đóng góp để dân mình có đường đi”.

Còn bà Huỳnh Thị Quý thì nói, trước khi Nhà nước đầu tư con đường này, mỗi năm người dân trong ấp đều bán đồng cho vịt chạy, cộng với mỗi người hùn 200.000- 300.000 đồng để đổ cát đá đi tạm, nhưng qua một thời gian thì đâu lại vào đấy.

 Riêng năm nay, dân mình ăn tết vui hơn hẳn vì đã có đường mới được tráng nhựa thẳng băng, không còn sình lầy, xe chạy thoải mái.

Ông Đặng Văn Tuấn

 

“Nhìn chung, nguồn lực trong dân có giới hạn, đường nào chúng tôi cũng muốn đầu tư, muốn làm cho dân nhưng tiền thì không đủ. Cũng nhờ có huyện đầu tư đối ứng nên xã mới làm “nước rút” kịp thời đáp ứng nhu cầu của dân. Về phía nhân dân, hầu hết đều thấy đó là trách nhiệm của mình nên sẵn lòng đóng góp, cùng Nhà nước xây dựng giao thông nông thôn.

“Điểm sáng” huy động sức dân

Ông Nguyễn Đăng Khoa- Chủ tịch UBND xã cho biết: Việc huy động sức dân được duy trì từ năm 2009 đến nay với số tiền vận động từ 600 triệu đồng/năm trở lên, cộng với nguồn vốn đối ứng của huyện mà mỗi năm có từ 2km đường trở lên được đầu tư xây mới.

Cứ mỗi mùa lúa, UBND xã đều có gửi thư ngỏ đến từng hộ dân để công khai mức đóng góp và giúp dân biết được mình đã đóng góp bao nhiêu. Nhờ duy trì nhiều năm nên cũng đã trở thành thói quen và dân không còn “ngán ngại” trong việc đóng góp cùng Nhà nước xây giao thông nông thôn.

“Năm nào huyện cũng đối ứng cho xã Thạnh Quới xây đường giao thông “muốn xỉu” luôn”- đây là cách nói vui của ông Nguyễn Văn Hoặc- Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy, bởi trước đây khi còn là Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, ông phụ trách chỉ đạo xã Thạnh Quới.

Theo ông, đây là địa phương có phong trào huy động sức dân rất tốt, mỗi năm đều vận động đầu tư ít nhất 1km đường giao thông, về phía huyện thì đối ứng tương đương.

Ông Hồ Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Hồ nhận định: Xã Thạnh Quới là một trong những điểm sáng trong huy động sức dân và giữ vững nhiều năm liền. Từ thành công của Thạnh Quới, gần đây một số địa phương cũng đã bắt đầu phát huy phong trào này.

Theo ông Đặng Văn Tuấn- Phó Chủ tịch UBND xã, trước đây, địa phương vận động nhân dân đóng góp để làm đường đan (bề ngang 1,6m), nhưng khi đường xuống cấp rất khó sửa chữa, nên những năm gần đây, xã chuyển sang đầu tư nhựa hóa các tuyến đường (bề ngang 2m) và làm theo hình thức cuốn chiếu xoay vòng, đối với những nơi bức xúc thì ưu tiên làm trước.

Nói về việc hiến đất, ông Đặng Văn Tuấn cho biết thêm, từ năm 2012 khi thực hiện dự án VLAP, xã đã họp toàn dân thông báo tuyến đường nào được quy hoạch đầu tư trong thời gian tới. Trước khi công trình thi công thì dân có thể tận dụng để sản xuất, nhưng khi tiến hành thi công thì giao đất lại.

Mặc dù có những hộ phải hiến đất theo dây xuôi đến vài công đất nhưng dân vẫn hiểu và đồng tình. Nhờ vậy mà khi làm công trình, xã không phải mất thời gian vận động nhân dân hiến đất nữa.

 

Nhiều năm liên tục, xã Thạnh Quới nhận được bằng khen của UBND tỉnh và giấy khen của Sở Giao thông Vận tải tỉnh. Năm 2016, toàn xã có 8 công trình được đầu tư (xây phòng học, bờ kè, nạo vét, nâng cấp kinh, láng nhựa đường) với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng, trong đó có 4 công trình do nhân dân đóng góp 817 triệu đồng. Năm 2017, xã dự kiến sẽ xây dựng 3km đường giao thông (trong đó huyện đối ứng 1,5km). Dự kiến đến năm 2019, xã sẽ cơ bản nhựa hóa các tuyến đường liên xóm, liên ấp.

  • ™Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI