Blog thị trường

Nhìn thị trường qua... sạp thịt heo

Cập nhật, 14:32, Thứ Sáu, 03/11/2017 (GMT+7)

Dù đã qua thời điểm “giải cứu” nhưng những sạp thịt heo tự phát vẫn còn nhiều. Điều đó cho thấy ngành sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thịt heo vẫn còn bấp bênh.

Thời điểm khó khăn nhất, đi đâu cũng gặp những điểm bán thịt heo tự phát. Heo tới lứa phải xuất chuồng nhưng thương lái không tới cân, buộc lòng phải mổ heo mình nuôi và bán từng ký.

Thường cái gì rẻ thì người tiêu dùng sẽ vui. Nhưng trong trường hợp này, người mua thịt heo “một trăm ngàn ba ký” mà muốn rớt nước mắt. Bởi vì người mua cũng đồng cảm với người chăn nuôi- người bán “giá rẻ như vầy làm sao mà có lời?”

Tuy vậy, sạp thịt heo tự phát không phải là giải pháp tốt cho người chăn nuôi tiêu thụ hàng hóa mình làm ra. Bởi thực tế sau thời gian “ủng hộ” và giá thịt heo không còn chênh lệch nhiều, người mua đã quay lại quầy hàng ở chợ vì tin cậy chất lượng, giá cả hợp lý, nhiều lựa chọn

“Buôn có bạn, bán có phường” là vì vậy. Người chăn nuôi dù bán thịt heo có nguồn gốc (heo nuôi nhà), cũng khó đáp ứng đủ điều kiện như những người buôn bán chuyên nghiệp.

Đồng thời khó có thể nắm rõ những thay đổi của giá cả thị trường, nên rủi ro hơn trong buôn bán.

Trong khi đó, ngành chức năng cũng rất khó quản lý về giá cả, chất lượng hàng hóa do các sạp bán hàng phân tán.

Trong khi đây là một trong những ngành hàng thực phẩm tươi sống cần có sự quản lý chặt chẽ về chất lượng, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Cho nên, việc “tự sản tự tiêu” là không mong muốn của người chăn nuôi. Điều họ trông đợi nhất ở các ngành quản lý là cần có giải pháp quản lý quy hoạch sản xuất, đầu ra hữu hiệu để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, còn người chăn nuôi yên tâm tái đàn và đầu tư chất lượng.

Bido2_40.com