Kết nối phố

Cần "cơ chế đặc thù" cho cổ thụ

Cập nhật, 14:13, Thứ Tư, 25/10/2017 (GMT+7)

Mùa mưa bão về, đó là lúc những câu chuyện về cổ thụ ngã gây ảnh hưởng tài sản, tính mạng con người lại râm ran. Đặc biệt khi những vụ đổ ngã này xảy ra ở đô thị- do thiệt hại thường rất lớn.

Người dân hoang mang trước những thông tin như: cổ thụ ngã đè nhà 3 tầng, nhiều người tháo chạy trong đêm mưa; cổ thụ ngã đè một bác sĩ bị thương nặng; cổ thụ ngã đè chết 1 trẻ em trong cơn giông…

Cổ thụ vốn được con người rất quý, thậm chí gọi là “cụ”. Bởi lẽ, cổ thụ không chỉ đơn thuần là cây xanh có tuổi thọ cao, tỏa bóng mát, cung cấp oxy…

Mà với bề dày tuổi tác “xuyên không gian, thời gian”, góp mặt ở những địa điểm khác nhau, cổ thụ còn là những “chứng nhân lịch sử”.

Nghiên cứu cổ thụ- nghĩa là lần giở biết bao câu chuyện giá trị về vùng đất, con người, lịch sử và văn hóa… Những giá trị ấy theo thời gian đã được khẳng định, nhìn nhận, bảo tồn.

Nói chung, cổ thụ trong lòng mọi người vốn là hình ảnh đẹp, thiêng liêng, không tì vết. Cho đến một ngày, cổ thụ bất ngờ rơi cành, gãy thân hay bật gốc, kéo theo những thiệt hại về người, về của.

Mưa bão về, người ta ngại đi ngang các tuyến đường có cây cổ thụ. Người trước nay sống gần cổ thụ, từng tự hào- càng run sợ. Phải chăng, đã đến lúc cần cái nhìn, ứng xử khác hơn đối với cây cổ thụ?

Thật ra, cây cũng như người, tuổi thọ tùy thuộc nhiều yếu tố như: điều kiện sức khỏe, thể chất, ảnh hưởng của thiên tai…

Riêng với cổ thụ, để hạn chế đổ ngã bất ngờ, cần “cơ chế đặc thù”: chế độ chăm sóc, bảo dưỡng đặc biệt; tầm soát “sức khỏe” định kỳ; đánh giá khả năng chống chịu giông gió thường xuyên, đặc biệt trước mùa mưa bão… để có cách ứng xử phù hợp.

Đồng thời, cần nghiên cứu xác định danh mục, mô hình cây xanh, cây cổ thụ an toàn, phù hợp cho từng đô thị. Thiết nghĩ, sẽ không còn lo lắng, bất an nếu không có yếu tố “bất ngờ” mà hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của con người.

NAM ANH