Góc nhìn

Điệp khúc "giải cứu"!

Cập nhật, 05:05, Thứ Ba, 09/05/2017 (GMT+7)

Hết dưa hấu, chuối, hành tím,… rồi giờ đây tới thịt heo lại cần được “giải cứu” trước cảnh rớt giá ê chề. Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc “giải cứu” thịt heo lần này là lớn nhất trong lịch sử, được nhiều người hưởng ứng, lan tỏa khắp xã hội những ngày qua.

Khác với trước đây, lần này cả Chính phủ cũng phải vào cuộc với những chỉ đạo khẩn cấp và cụ thể- cho thấy tính chất quan trọng của sự việc.

Điều này, không chỉ giúp người dân tiêu thụ được nông sản tồn đọng mà còn tạo sức ép để bộ ngành liên quan đẩy mạnh tìm giải pháp lâu dài.

Tuy vậy, ở góc độ khác, trong khi có ít nhất 3 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khóc ròng bởi heo rớt giá, thì tại các chợ giá thịt bán lẻ vẫn ở mức cao.

Trung bình giá 1kg heo hơi, thương lái mua trên dưới 20.000đ, nhưng đến chợ đã lên 70.000- 80.000đ. Điều bất hợp lý này còn xảy ra ngay cả thịt heo bình ổn ở những thành phố lớn, cho thấy mặt quản lý thị trường thịt heo đang bị bỏ ngỏ.

Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc không thể trông chờ mãi vào sự “giải cứu”. Nhất là khi các mặt hàng nông sản cứ lặp đi, lặp lại, thậm chí đã trở thành “căn bệnh” nan y tái diễn. Giải cứu, tiêu thụ nông sản ế không phải là giúp nông dân bán một cách cấp thời, tùy hứng như đang làm.

Đó cũng không chỉ là chuyện của người nông dân, của từng doanh nghiệp hay một ngành hàng đơn lẻ mà câu chuyện của một nền kinh tế.

Đã đến lúc phải có một hệ thống giải pháp mang tính tổng thể, từ việc thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp, từ khâu dự báo thị trường, quy hoạch đến sản xuất… Đó mới là giải pháp căn cơ để hạn chế tình trạng dư thừa nông sản nằm ngoài tầm kiểm soát như lâu nay.

HOÀNG MINH