Rộng cửa bán nông sản cho thị trường TP Hồ Chí Minh

Cập nhật, 04:30, Thứ Sáu, 21/04/2017 (GMT+7)

“Ước mỗi năm chúng tôi cần khoảng 10.000 tấn rau củ quả, cho ra thị trường khoảng 25.000 tấn thịt tươi sống nên cần khoảng 18.000 con bò,15.000 heo giết mổ…

Đến cuối năm nay, dự kiến sẽ phát triển mới khoảng 55 cửa hàng nên rất cần nguồn cung, nhất là các tỉnh có thế mạnh nông sản như ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long”- Ông Nguyễn Phúc Khoa- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA- TP Hồ Chí Minh) cho biết như vậy tại tọa đàm kết nối cung- cầu giữa các cơ sở sản xuất Vĩnh Long với doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh, vào chiều 19/4/2017.

Vĩnh Long có rất nhiều thế mạnh về sản xuất hàng hóa, nông sản. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất bún bánh phở Ba Khánh.
Vĩnh Long có rất nhiều thế mạnh về sản xuất hàng hóa, nông sản. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất bún bánh phở Ba Khánh.

Cần nông sản đồng bằng

Ông Hồ Trung Nghĩa- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương Vĩnh Long) thông tin: Vĩnh Long rất có thế mạnh về nông sản. Diện tích trồng màu trên 44.000ha, sản lượng hàng năm trên 850.000 tấn; thủy sản, chủ yếu cá tra nuôi thâm canh 420ha và trên 670 lồng bè nuôi cá.

Trái cây khoảng 49.000ha, với nhiều loại đặc sản như: bưởi Năm Roi, xà lách xoong (Bình Minh), khoai lang (Bình Tân), cam sành Tam Bình, chôm chôm (Long Hồ),… Hiện có nhiều hợp tác xã quan tâm sản xuất an toàn có chứng nhận, chất lượng ngon nhưng phần lớn đầu ra vẫn bấp bênh, chưa ổn định.

Ông Nguyễn Phúc Khoa cho biết, SATRA vừa là nhà bán lẻ, sản xuất, phân phối nông sản với hơn 50 công ty thành viên, trong đó có nhiều chi nhánh tại ĐBSCL. “Các đơn vị chúng tôi cần nguồn nông sản chủ yếu cho chế biến.

Đến cuối năm nay, dự kiến sẽ phát triển thêm 55 cửa hàng nên rất cần nguồn cung, nhất là các tỉnh có thế mạnh nông sản như ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long”- ông cho biết thêm. Chợ Bình Điền cũng là thành viên của SATRA và nơi tiêu thụ lượng nông sản rất lớn từ nhiều tỉnh- thành.

Nhưng nông sản Vĩnh Long thì hiện rất ít. Phó tổng Giám đốc SATRA phân tích: Giá trị giao dịch chợ này khoảng 100 tỷ đồng mỗi đêm thì giá trị nông sản từ Vĩnh Long chỉ chiếm 3,5% là khoảng 1,6 tỷ đồng, chủ yếu là cá tra- 42 tấn mỗi đêm, chiếm 3,7%; trái cây 10 tấn, chiếm 4,5% và khoảng 17 tấn rau củ quả, chủ yếu củ sắn, khoai lang.

“Vĩnh Long có rất nhiều nông sản ngon như bưởi Năm Roi, cam sành, khoai lang, nhưng tôi không hiểu vì sao mà sản lượng về chợ này ít đến như vậy?”- ông nêu vấn đề rồi quay sang nhờ ông Stan Asin- Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền giải thích. Ông Stan Asin cho rằng, nguyên nhân bởi khả năng cung ứng nông sản từ Vĩnh Long không ổn định.

“Bưởi Năm Roi của tỉnh về chợ này nhiều nhưng thường vào cuối năm, còn ngày thường thì rất ít. Khoai lang cũng vậy và dân chợ này rất ưa chuộng khoai lang ruột đỏ ở Đông Nam Bộ nhưng Vĩnh Long chỉ có khoai ruột tím.

Riêng rau lá nhu cầu cao nhưng tỉnh không có lợi thế bằng Long An, Tây Ninh do đường vận chuyển xa, chi phí cao”. Ông khuyến cáo bà con cần liên kết lại với nhau để có sản lượng lớn, khi đó sẽ tạo lòng tin mua bán thuận lợi hơn.

Trong khi đó, quan ngại độ tin cậy của các hợp tác nông sản Vĩnh Long, ông Đoàn Văn Nam- Phó Giám đốc Công ty Phát triển kinh tế duyên hải (COFIDEC) nói thẳng:

“Cái dở của bà con xứ mình là chạy theo giá cả mà sẵn sàng hủy bỏ hợp đồng. Mới đây chúng tôi ký hợp đồng mua đậu bắp ở huyện Bình Tân, tới thu hoạch thì có 2- 3 công ty cho giá cao hơn. Vậy là bà con hủy hợp đồng nên năm nay chúng tôi tạm dừng ký tiếp.”

 

Có khoảng 18 DN là thành viên của SATRA như: Cửa hàng Satrafoods, Công ty APT, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền… đến tọa đàm, có 14 hợp đồng ghi nhớ được ký kết. Nhiều DN còn cam kết sẽ liên hệ với cơ sở Vĩnh Long, mong muốn tìm nguồn cung ổn định, hợp tác lâu dài.

Sản phẩm phải đạt quy chuẩn

Nông sản muốn vào được hệ thống SATRA phải đảm bảo an toàn, có giấy chứng nhận và nhiều yêu cầu khác do hệ thống này quy định. Đây cũng là vấn đề mà tại buổi tọa đàm 2 bên đặt ra và tỏ rõ lo ngại.

Bởi, phía Vĩnh Long hiện có nhiều cơ sở đạt chứng nhận sản xuất an toàn nhưng quy mô quá nhỏ, trong khi phía các DN thành viên SATRA thì cần phải vừa an toàn nhưng sản lượng cũng phải đáp ứng.

Cụ thể, theo Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) Nguyễn Đăng Phú, trung bình mỗi ngày công ty này giết mổ 1.500 con heo, 50- 60 bò để sản xuất xúc xích và thịt đóng hộp.

Tuy nhiên, với sản lượng heo Vĩnh Long hơn 350.000 con, bò 72.800 con thì cũng không có khả năng cung ứng.

“Heo và bò khi vào hệ thống phải có chứng nhận an toàn nuôi, trong khi hiện phần lớn tại tỉnh nuôi nhỏ lẻ, nông hộ nên rất khó.”- ông cho biết thêm- để đáp ứng nguồn hàng, hiện VISSAN phải nhập giống heo từ Hoa Kỳ về nuôi và liên kết để có nguồn cung ổn định. Tuy vậy, hiện ngoài 50 tập đoàn, phía công ty vẫn mong muốn liên kết thêm.

 

Các doanh nghiệp Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh thảo luận ký kết hợp đồng ghi nhớ.
Các doanh nghiệp Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh thảo luận ký kết hợp đồng ghi nhớ.

 

“Tới đây sẽ dời lò giết mổ từ thành phố về Long An nên rất cần nguồn nguyên liệu từ các tỉnh miền Tây, trong đó Tiền Giang và Vĩnh Long là vệ tinh quan trọng mà chúng tôi hướng tới”- ông Nguyễn Đăng Phú cho biết.

Trong khi đó, nhằm tạo chuỗi hệ thống cửa hàng hoàn chỉnh ở các tỉnh miền Tây, giảm chi phí vận chuyển, ông Nguyễn Phúc Khoa kiến nghị lãnh đạo tỉnh xem xét tạo quỹ đất để công ty mở cửa hàng Satrafoods tại Vĩnh Long vào cuối năm nay, sau khi 10 cửa hàng tương tự đã đưa vào hoạt động tại Cần Thơ và Bến Tre.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trần Hoàng Tựu đồng ý kiến nghị này và hứa sẽ hỗ trợ. Ông còn cho biết, Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh có truyền thống mua bán, nhất là hàng nông sản nên cần phát huy, mong muốn những hợp đồng ghi nhớ phải đi vào thực chất và sở ngành liên quan giám sát hoạt động này.

Đối với các hợp tác xã, ông lưu ý cần hướng sản xuất sạch, chú trọng cải tiến mẫu mã bao bì; các DN, trung tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá để hàng nông sản tỉnh nhà có được thị trường tiêu thụ tốt hơn.

 

Nhiều DN TP Hồ Chí Minh đánh giá Vĩnh Long có nhiều cơ sở sản xuất có chất lượng, tạo được uy tín trong làm ăn. Cụ thể, như Cơ sở bún bánh phở Ba Khánh (Trường An) đã có thị trường khá lâu năm tại một số cửa hàng thuộc SATRA cũng như chợ Bình Điền và được người tiêu dùng ưa chuộng. Tại tọa đàm, đại diện Công ty CP VISSAN cho biết sẽ liên hệ phía đơn vị này để hợp đồng đưa bún bánh phở xâm nhập sâu hơn vào thị trường thành phố.

™Bài, ảnh: HOÀNG MINH