Thí điểm mô hình chợ an toàn thực phẩm

Sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao

Cập nhật, 14:21, Thứ Tư, 29/03/2017 (GMT+7)

Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh, mô hình chợ an toàn thực phẩm sẽ tạo lòng tin cho người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm, hàng hóa an toàn, chất lượng, đồng thời tiểu thương sẽ mua bán thuận tiện hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Và hơn hết, ý thức chấp hành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) sẽ ngày càng được nâng cao.

Chợ Phước Thọ là mô hình chợ an toàn thực phẩm đầu tiên của tỉnh.
Chợ Phước Thọ là mô hình chợ an toàn thực phẩm đầu tiên của tỉnh.

Mô hình thiết thực

Toàn tỉnh hiện có 115 chợ, với khoảng 8.000 tiểu thương kinh doanh hàng thực phẩm. Tuy nhiên, đa số tiểu thương chưa được xác nhận kiến thức về ATTP, đa số các chợ chưa được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị cần thiết đảm bảo VSATTP; khu giết mổ gia cầm và khu bán hàng thực phẩm bố trí chưa phù hợp...

Trong khi đó, người tiêu dùng đã có ý thức cảnh giác khi mua thực phẩm tại chợ nhưng chưa có cơ sở để nhận biết thực phẩm an toàn hay không an toàn; đa số người tiêu dùng biết nguy cơ không đảm bảo ATTP bán tại chợ nhưng vẫn mua dùng do thói quen hoặc do không có điều kiện để mua những thực phẩm an toàn.

Do đó, kế hoạch đến năm 2020, tỉnh sẽ phấn đấu xây dựng 95 điểm bán đạt tiêu chí VSATTP tại các chợ hạng 1, hạng 2, gắn kết với điểm bán tự hào hàng Việt Nam; khuyến khích xây dựng các điểm bán thực phẩm đạt tiêu chí ATTP tại các chợ hạng 3 trên địa bàn; từng bước xây dựng mô hình chợ đảm bảo VSATTP tại các huyện- thị- thành. Qua đó, đáp ứng nhu cầu thiết thực về ATTP cho người tiêu dùng.

Cụ thể: TP Vĩnh Long 30 điểm, Long Hồ 10 điểm, Mang Thít 5 điểm, Vũng Liêm 5 điểm, Tam Bình 15 điểm, Trà Ôn 20 điểm, Bình Minh 5 điểm, Bình Tân 5 điểm. Trước hết, tỉnh đã chọn chợ Phước Thọ (Phường 8- TP Vĩnh Long) để xây dựng “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo VSATTP”.

Theo Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương), mô hình sẽ dần thay đổi nhận thức, thói quen của tiểu thương lẫn người tiêu dùng.

Cụ thể, tiểu thương sẽ ý thức hơn trong việc kinh doanh thực phẩm sạch, lựa chọn nguồn hàng, cách thức bảo quản... còn người tiêu dùng sẽ có cơ hội mua hàng hóa chất lượng, đảm bảo vệ sinh.

Ông Nguyễn Đỗ Hoàng Thy- Phó Phòng Thương mại (Sở Công thương) cho hay, dự kiến tháng 7/2017, mô hình chợ bảo đảm VSATTP Phước Thọ sẽ đi vào hoạt động. Đây là mô hình thí điểm đầu tiên của tỉnh, sau đó sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình chợ đến các địa bàn trong tỉnh.

Tiểu thương trông chờ

Người tiêu dùng mong muốn và có nhu cầu lựa chọn thực phẩm an toàn.
Người tiêu dùng mong muốn và có nhu cầu lựa chọn thực phẩm an toàn.

Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường phối hợp Phòng Thương mại tổ chức triển khai văn bản quy phạm pháp luật về ATTP và hướng dẫn tạm thời xây dựng chợ ATTP cho các tiểu thương chợ Phước Thọ.

Có rất nhiều tiểu thương đến dự và đặc biệt, đều vui mừng, trông chờ mô hình chợ sớm được đưa vào hoạt động.

Cô Ba Hương nói cô bán ở chợ này hơn 30 năm rồi, lúc đầu chỉ là chợ chồm hổm, sau này mới được vô nhà lồng.

Tuy nhiên, khu vực phía chợ cá còn khá ẩm thấp, nên sau khi xây lại, có quầy, sạp hẳn hoi, phân chia khu vực bán rõ ràng, chợ sạch sẽ, thoáng mát, người mua cũng thích hơn. Tiểu thương rất phấn khởi và trông chờ chợ sớm hoàn thành.

Chăm chú nghe hướng dẫn về quy định các sản phẩm vào chợ phải có giấy chứng nhận đảm bảo VSATTP, có nguồn gốc rõ ràng, chị Tươi- bán hột vịt, mắm ở chợ- nói: “Với nhiều tiêu chí cần thực hiện như thịt phải được lấy từ lò giết mổ; rau, củ, quả lấy từ các điểm sản xuất rau an toàn, rau sạch... mô hình này sẽ góp phần giữ VSATTP ở chợ. Qua đó, tiểu thương sẽ có lợi lớn, người dân biết họ sẽ tìm đến chợ để mua”.

Ông Trần Quốc Linh- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, cho biết hiện nay vấn đề VSATTP đang là vấn đề nóng và được đặt lên hàng đầu. Khi triển khai, mô hình này được xem là niềm vinh dự cho chợ Phước Thọ, bởi khi đó chợ sẽ được tiếng tốt, kinh doanh sẽ thuận lợi hơn.

Có thể thấy, xây dựng mô hình chợ thí điểm đảm bảo VSATTP là một chủ trương đúng đắn, thiết thực đảm bảo sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu văn minh thương mại, thuận tiện cho quá trình mua, bán góp phần tăng cường hiệu quả kinh tế, xã hội của chợ, nâng cao hiểu biết và ý thức thực hiện ATTP của đơn vị quản lý chợ và các tiểu thương.

Tuy nhiên, để mô hình thật sự đem lại hiệu quả kinh tế cao rất cần sự đồng lòng chung sức của cả ngành chức năng lẫn tiểu thương và người tiêu dùng.

Với vốn đầu tư 600 triệu đồng, mục tiêu được đề ra khi mô hình chợ thí điểm đi vào hoạt động là sẽ làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do ngộ độc thực phẩm gây ra trong quá trình kinh doanh thực phẩm tại chợ. Đồng thời, phấn đấu có 100% người kinh doanh thực phẩm và 100% người thực hiện công tác quản lý chợ trong dự án có hiểu biết đúng và thực hành đúng về VSATTP. Bên cạnh đó, các quầy kinh doanh thực phẩm trong chợ thuộc dự án được xây dựng, nâng cấp đúng chuẩn theo quy định về VSATTP.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN