Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư, khai thác công trình giao thông theo hình thức BOT

Cập nhật, 07:09, Thứ Bảy, 25/03/2017 (GMT+7)

Theo TTXVN, ngày 24/3/2017, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên làm Trưởng đoàn, đã làm việc với tỉnh Long An về thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT trên địa bàn.

Địa bàn tỉnh Long An hiện có 2 dự án giao thông được đầu tư theo hình thức BOT là dự án cầu Mỹ Lợi nối liền hai tỉnh Long An và Tiền Giang và dự án đường DT 830. Trong đó, dự án cầu Mỹ Lợi có tổng mức hơn 1.400 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng.

Dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng và tiến hành thu phí từ tháng 11/2015. Tuy nhiên, hiện nay, nhà đầu tư của dự án là Công ty CP Đầu tư cầu Mỹ Lợi đang gặp rất nhiều khó khăn do lưu lượng xe cộ qua lại thực tế chỉ đạt khoảng 60% so với số liệu tính toán trong phương án tài chính.

Sau hơn một năm tiến hành thu phí, doanh thu của dự án không đủ bù đắp chi phí lãi vay ngân hàng. Do đó, đại diện nhà đầu tư kiến nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh lại phương án tài chính, điều chỉnh hợp đồng cho phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời Nhà nước cần có các chính sách thiết thực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tỉnh Long An kiến nghị Chính phủ và các cơ quan Trung ương tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BOT, nhất là việc phân chia rủi ro, trách nhiệm của các bên liên quan, cơ chế quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Tỉnh Long An kiến nghị Trung ương có chủ trương mở rộng đường Quốc lộ 62 theo hình thức BOT. Đây là tuyến đường quan trọng kết nối trực tiếp với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên ghi nhận những kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Long An và các nhà đầu tư để chuyển đến Quốc hội và các cơ quan liên quan xem xét.

Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, các dự án đầu tư theo hình thức BOT có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay, một số dự án đang gặp nhiều khó khăn do lưu lượng giao thông qua lại ít, nguồn thu không đủ bù lãi vay ngân hàng. Do đó, Nhà nước cần có chính sách tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư để thu hút đầu tư BOT vào các dự án hạ tầng khác, nhất là ở các vùng có điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Đối với dự án QL 62, tỉnh Long An cần có sự tính toán kỹ về các điều kiện như khả năng thu hồi vốn, mức thu phí, thời gian hoàn vốn… để đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi của nhà đầu tư và lợi ích của nhân dân.

PV