Hướng đến ngành thương mại văn minh, hiện đại

Cập nhật, 06:15, Thứ Năm, 09/02/2017 (GMT+7)

Đến năm 2020, Vĩnh Long sẽ đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng phát triển ngành thương mại. Tỉnh cũng đã đề ra các nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch, với mục tiêu chung, đưa ngành thương mại tỉnh phát triển hướng văn minh, hiện đại.

Một góc chợ Cái Vồn (TX Bình Minh). Theo quy hoạch đến năm 2020, chợ này đạt hạng
Một góc chợ Cái Vồn (TX Bình Minh). Theo quy hoạch đến năm 2020, chợ này đạt hạng

Dịch chuyển hướng hiện đại

Sở Công thương vừa công bố quy hoạch phát triển thương mại tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, dựa vào tiềm năng thế mạnh.

Cụ thể, Vĩnh Long là tỉnh trung tâm ĐBSCL, giữa 2 trung tâm kinh tế lớn là TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Điều này rất thuận lợi phát triển thương mại, trung chuyển mua bán hàng hóa, nhất là nông- thủy sản vốn là thế mạnh của tỉnh đi TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông và ngược lại.

Theo Sở Công thương, hệ thống thương mại ngoài nhà nước trên địa bàn thời gian qua có bước phát triển về phạm vi, không gian và quy mô.

Toàn tỉnh hiện có 1.805 doanh nghiệp, trong đó 22 doanh nghiệp nhà nước, 1.772 doanh nghiệp ngoài nhà nước và 11 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Số cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp là khoảng 66.933 cơ sở.

Điều này góp phần không nhỏ trong việc cung ứng hàng hóa tới tay người tiêu dùng ở các ấp, xã và nhất là thị trường vùng sâu.

Hệ thống chợ cũng được xem là loại hình thương mại phổ biến và quan trọng nhất trong hoạt động cung ứng và tiêu thụ hàng hóa cho người dân, nhất là khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, trong tổng số 115 chợ toàn tỉnh hiện có thì đa phần là chợ hạng III, hình thành lâu đời nên cơ sở hạ tầng xuống cấp; chợ tạm, chợ ven lộ gây mất an toàn giao thông.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Vinh- Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển (Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh)- Chủ nhiệm đề tài: “Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” chỉ ra hạn chế trong phát triển thương mại của tỉnh do hệ thống giao thông chưa hoàn thiện, kho, cảng chưa được phát huy.

Mặc dù chính sách phát triển thương mại thời gian qua được chú ý nhưng còn chung chung, tổng thể; ý thức và hiểu biết của người dân về thương mại và thương mại hóa cho sản phẩm còn thấp… phần nào làm cản trở sự phát triển ngành cả phương diện cung và cầu của thị trường.

Theo quy hoạch đến năm 2020, sẽ cải tạo chợ Vĩnh Long, hình thức quản lý, văn hóa kinh doanh trở thành trung tâm thương mại hàng đầu của tỉnh.
Theo quy hoạch đến năm 2020, sẽ cải tạo chợ Vĩnh Long, hình thức quản lý, văn hóa kinh doanh trở thành trung tâm thương mại hàng đầu của tỉnh.

Từ đó, PGS. TS Nguyễn Ngọc Vinh cho rằng, với lợi thế vị trí, đất đai và truyền thống nông nghiệp, tỉnh cần phát triển mạnh các sản phẩm nông sản, nhóm ngành công nghiệp chế biến nông- thủy sản, với lợi thế chuyên môn hóa cao.

Từ phát triển mang tính định hướng, hướng tới phục vụ tiêu dùng trong tỉnh, thương mại trong nước và xuất khẩu.

Thu hút mọi nguồn lực

Trong khi ngân sách tỉnh không thể đầu tư toàn bộ hạ tầng hệ thống thương mại, nhất là khi ngành thương mại địa phương đang dịch chuyển theo xu hướng hiện đại hóa thì việc huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại đang là giải pháp khả thi. 

Không chỉ thuận lợi giao thông đường bộ, hệ thống giao thông thủy cũng là một lợi thế trong vận chuyển hàng hóa của Vĩnh Long. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Không chỉ thuận lợi giao thông đường bộ, hệ thống giao thông thủy cũng là một lợi thế trong vận chuyển hàng hóa của Vĩnh Long. Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Trong vài năm gần đây, sự ra đời của các trung tâm thương mại, siêu thị có vốn xã hội hóa lớn như: Co.opmart, Vincome center… không chỉ khẳng định phát triển mạnh của hệ thống thương mại hiện đại mà còn chứng tỏ khả năng thu hút xã hội hóa trong lĩnh vực này rất cao. 

Việc đầu tư xây dựng, quản lý chợ cũng đang được thực hiện. Theo quy hoạch, đến năm 2020, sẽ có 8 trung tâm thương mại, xây mới 3 siêu thị, 116 chợ, thành lập 3 chợ nông sản.

Trên cơ sở hình thành các trung tâm, vùng kinh tế và hành lang kinh tế, sẽ tiến tới hình thành 5 trung tâm kinh tế thương mại lớn của tỉnh là TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, Trà Ôn, Tam Bình và Vũng Liêm; đồng thời hình thành các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại khu, tuyến dân cư.

Các giải pháp thực hiện quy hoạch được đặt ra là: phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu; hoạt động nội thương; phát triển nguồn hàng cung ứng cho thị trường; phát triển hợp tác quốc tế khu vực địa phương, nguồn nhân lực...

PGS. TS Nguyễn Ngọc Vinh cho rằng, để phát triển thương mại theo hướng văn minh, tỉnh cũng cần tạo môi trường bình đẳng, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đồng thời tạo thuận lợi về thủ tục đầu tư cũng như các vấn đề liên quan khác.

Theo đó, các yếu tố môi trường, ứng dụng thương mại điện tử; áp dụng đồng bộ các giải pháp để phát huy nội lực, kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài đẩy mạnh hiện đại hóa trong lĩnh vực thương mại cũng cần được tính đến.

Mục tiêu giai đoạn 2016- 2020, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành thương mại là 7,8%, tốc độ tăng bình quân GRDP ngành thương mại là 17,2%, tốc độ tăng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ là 11,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đến năm 2020 là 43.840 tỷ đồng, đến năm 2030 là 102.795 tỷ đồng.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH