Xây dựng thương hiệu cho vùng trái cây

Cập nhật, 15:56, Thứ Ba, 06/12/2016 (GMT+7)

Nhiều khả năng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ lần đầu tiên vượt ngành lúa gạo trong năm 2016, riêng mặt hàng trái cây cũng là năm được giá ở thị trường nội địa.

Đó là nỗ lực của ngành nông nghiệp và nông dân trong việc tạo niềm tin của khách hàng đối với trái cây Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Nhiều địa phương đã chú ý xây dựng thương hiệu cho vùng trái cây với những cách làm hay.

Mở cửa thị trường tiềm năng

Vú sữa Lò Rèn Phong Điền cũng đang sản xuất theo quy trình an toàn và chuẩn bị đăng ký chứng nhận VietGAP.
Vú sữa Lò Rèn Phong Điền cũng đang sản xuất theo quy trình an toàn và chuẩn bị đăng ký chứng nhận VietGAP.

Theo ông Nguyễn Minh Tiền- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), hiện nay huyện tập trung phát triển 3 loại trái cây chính là: xoài, chanh, ổi.

Trong đó, xoài có diện tích lớn nhất với 3.700ha, sản lượng hàng năm trên 30.000 tấn và áp dụng kỹ thuật rải vụ cho trái quanh năm. Xoài cát Hòa Lộc, cát Chu được chứng nhận nhãn hiệu xoài Cao Lãnh, đây là yếu tố quan trọng giúp trái xoài chinh phục người tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Cây chanh hiện có 800ha, tiềm năng thị trường rất lớn. Trước kia, nếu chỉ tiêu thụ chanh ở nội địa thì thời gian gần đây được các nhà phân phối lớn trong và ngoài nước chú ý.

Chẳng hạn, Công ty In Jae (Hàn Quốc) đã đạt được thỏa thuận liên kết tiêu thụ chanh tươi với Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ chanh Cao Lãnh. Tập đoàn Vingroup đã ký hợp đồng nguyên tắc đưa chanh vào hệ thống siêu thị…

Hiện xoài Cao Lãnh có 90ha được nhà vườn sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP và “các thị trường đều đòi hỏi trái cây phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy diện tích sản xuất theo quy trình được chứng nhận còn khiêm tốn, nhưng hầu hết nhà vườn đã ý thức sản xuất an toàn”- ông Nguyễn Minh Tiền nói.

Từ hơn 10 năm qua, ngành nông nghiệp đã bắt tay cùng nông dân ứng dụng các biện pháp sản xuất an toàn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… để nâng chất lượng sản phẩm, mẫu mã đẹp hơn.

Tương tự, vùng trái cây Phong Điền (TP Cần Thơ) hiện có 6.500ha và dự kiến sẽ tăng lên 8.000ha vào năm 2020.

Ông Trần Thái Nghiêm- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Phong Điền, cho hay huyện xác định cây ăn trái chủ lực là: dâu Hạ Châu, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng,... Xây dựng vùng sản xuất tập trung, mỗi mùa đều có mùa trái cây.

Đến nay trái cây của huyện chưa được chứng nhận VietGAP hay GlobalGAP, nhưng theo ông từ nhiều năm qua ngành nông nghiệp đã khuyến cáo và cùng nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, nâng cao nhận thức cho nông dân.

Bên cạnh đó, nhiều nhà vườn còn nắm bắt nhu cầu của du khách gắn với du lịch sinh thái, “xuất khẩu” trái cây ngay tại vườn.

Anh Phan Thanh Trung- Phó Trạm Khuyến nông Phong Điền cũng cho rằng: “Chúng tôi đang thực hiện theo hướng VietGAP một số vườn cây ăn trái, thường xuyên tập huấn kỹ thuật và rút kinh nghiệm để nhân rộng sản xuất an toàn.

Hiện khoảng 30% nông dân áp dụng giải pháp này và tuân thủ thời gian cách ly. Nhiều hộ mới xịt thuốc kêu hái trái bán giá cao nhất định không hái, nên trái cây tự tin bước ra thị trường”.

Quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm

Anh Trung hướng dẫn kỹ thuật và thường xuyên trao đổi rút kinh nghiệm sản xuất với nhà vườn.
Anh Trung hướng dẫn kỹ thuật và thường xuyên trao đổi rút kinh nghiệm sản xuất với nhà vườn.

Với thương hiệu trái cây Phong Điền, theo ông Trần Thái Nghiêm, nhiều doanh nghiệp đã đặt vấn đề liên kết tiêu thụ trái cây. Mặc dù chất lượng trái cây của huyện “được khách hàng ưa chuộng, bán được giá cao”, nhưng tới đây cũng phải áp dụng theo quy trình an toàn để được cấp “visa” ra thị trường.

Đồng thời, đưa ra những khuyến cáo về việc mở rộng diện tích để tránh thừa hàng dội chợ. Nếu như năm 2004 diện tích trồng dâu Hạ Châu chỉ 28ha thì đến 2013 tăng lên 600ha, vú sữa đến nay đã có 1.038ha và cũng khuyến cáo không mở rộng.

Ông Trần Thái Nghiêm cho rằng: “Quan điểm của huyện không phải loại cây nào đang được giá cao là mở rộng diện tích, mà phải dựa trên nhu cầu của thị trường.

Vì thế, ngành nông nghiệp cùng nông dân thử nghiệm giống mới, xác định tiềm năng về thị trường, chất lượng sản phẩm và tính thích nghi thổ nhưỡng, điều kiện canh tác… Khi giống cây mới đáp ứng được các yêu cầu này thì sẽ ưu tiên phát triển”.

Ngoài thị trường tiêu thụ nội địa, theo ông Tiền, xoài Cao Lãnh đã “xuất ngoại” sang New Zealand, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Nhiều đối tác từ Nga, Ba Lan đang tìm hiểu đặc điểm trái cây Đồng Tháp để đầu tư. Huyện cũng đang đăng ký xuất khẩu thêm ở các nước EU, Mỹ, Nhật.

Các thị trường nước ngoài đòi hỏi chất lượng rất cao. Yêu cầu họ đặt ra là sản phẩm phải đảm bảo sản xuất theo quy trình VietGAP, mẫu mã và chất lượng phải đồng nhất. Sau khi thu hoạch, chanh phải được sơ chế, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

Theo ông Nguyễn Văn Đúng- Phó Giám đốc Hợp ta1x xã Xoài Mỹ Sương, ngoài việc sản xuất đúng kỹ thuật, bắt buộc phải bao trái, khi thu hoạch xoài cũng phải được sơ chế qua nước nóng 45 độ giúp bảo quản được lâu hơn và vỏ xoài đẹp.

Đến nay, ông Nguyễn Minh Tiền cho biết: “Hơn 90% nhà vườn áp dụng bao trái. Trái cây được bao sẽ đẹp hơn và cho lợi nhuận cao hơn”.

Thay đổi tập quán sản xuất, theo ông “đó là quá trình trần ai”. “Lúc đầu người dân không chịu hợp tác, phun thuốc vô tội vạ. Chúng tôi vận động, tuyên truyền hoài hoài, hạn chế phân thuốc để an toàn cho người tiêu dùng, bao trái để xoài có da mịn, láng bóng”.

“Bây giờ trồng xoài biểu nông dân đừng bao trái là họ cự liền. Bởi thực tế, trái cây được bao trái giá luôn cao hơn 2.000- 3.000 đ/kg so với không bao trái. Khi có sản phẩm chất lượng rồi thì trái cây được nhiều đối tác, doanh nghiệp tìm tới”- ông Nguyễn Minh Tiền đúc kết như vậy.

Hiện Phong Điền đang phát triển nhiều giống cây ăn trái mới thích nghi điều kiện thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế cao. Chẳng hạn, mô hình trồng cam mật không hạt của anh Phạm Văn Đảo (ấp Tân Nhơn, xã Tân Thới) là sự “bắt tay” của nhà vườn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng mới và ngành nông nghiệp chuyển giao khoa học kỹ thuật. Vườn cam hơn 2 năm đã cho những trái ngọt đầu tiên. Cam mật không hạt có ưu điểm nước nhiều, dễ lột vỏ… Hiện được bán với giá 60.000 đ/kg.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY