Gạo Việt đang bị cạnh tranh thị phần khốc liệt

Cập nhật, 17:08, Thứ Hai, 10/10/2016 (GMT+7)

Tại Hội thảo “Phát triển thị trường nông sản sạch và Nông sản an toàn hữu cơ” do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng gạo Việt đang bị các đối thủ mạnh cạnh tranh thị phần khốc liệt.

Cụ thể, báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 9 tháng đầu năm 2016, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 3,76 triệu tấn, thu về 1,69 tỷ USD. So với cùng kỳ, gạo xuất khẩu đã giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị.

Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 6 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Thị trường gạo trong nước lại phải đối mặt với nguy cơ mất sân nhà vì gạo ngoại đang có xu hướng xâm lấn.

Các thương hiệu gạo Sóc Miên, Sa Mơ, Móng Chim… nhập từ Campuchia hay các thương hiệu gạo Thái Lan cũng được nhập về ồ ạt, bán lẻ tràn lan.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, gạo Việt khó khăn là do sản xuất vẫn theo lối mòn, sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ manh mún, thiếu cánh đồng mẫu lớn dẫn đến chất lượng hạt gạo Việt làm ra không đồng đều.

Do đó, gạo Việt cần phải chú trọng đến chất lượng, giá thành và đặc biệt là khâu an toàn thực phẩm. Bởi, xu hướng tiêu dùng hiện nay của người dân là ăn ít nhưng phải ngon và an toàn.

LÝ AN