"Cú hích" trợ giúp nông dân vươn lên

Cập nhật, 07:28, Thứ Sáu, 14/10/2016 (GMT+7)

 

Cán bộ các cấp hội đến tham quan mô hình nuôi bò sinh sản của anh Bảy (bìa phải).
Cán bộ các cấp hội đến tham quan mô hình nuôi bò sinh sản của anh Bảy (bìa phải).

Với việc cung cấp vốn ban đầu cho nông dân có điều kiện sản xuất, để duy trì và phát triển các mô hình làm ăn, những năm qua, nguồn vốn “Quỹ hỗ trợ nông dân” đã góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương và thực sự là “điểm tựa” giúp nhiều hội viên vươn lên.

Hoàn vốn sẽ lãi thêm mấy con bò

Nhận vốn từ “Quỹ hỗ trợ nông dân” được 20 triệu đồng cộng với tiền tích lũy của gia đình, anh Thái Văn Bảy (ấp Phú Tân, xã Phú Thịnh- Tam Bình) đã mua con bò cái giống Pháp trị giá 29 triệu đồng. Qua 2 năm, bò đã đẻ đợt đầu (bán được 13 triệu đồng) và đang mang thai con nghé. Anh Bảy dự kiến: “Sau khi hoàn vốn, tui còn dư con bò mẹ và con nghé”.

Sau khi nhận vốn, anh Thái Văn Được (cùng ngụ ấp Phú Tân) cũng đã tìm mua con nghé giống Pháp vì bò không kén cỏ và bán có giá trị hơn các giống khác. Đến nay, bò đang mang thai hơn 7 tháng, anh dự kiến “sau 3 năm hoàn vốn sẽ lời được 3 bò con”.

Để có nguồn thức ăn cho đàn bò, anh Được tận dụng 1,5 công đất ruộng cùng đất bờ bao, bờ kinh để trồng cỏ cho bò ăn. Anh làm bài toán nhẩm, 1,5 công ruộng trồng lúa sẽ lời 7- 8 triệu đồng/năm, trong 3 năm lời tối đa 24 triệu đồng.

Trong khi nuôi bò sẽ đẻ 3 con và bán được ít nhất cũng 45 triệu đồng. Bên cạnh, với diện tích đất trồng cỏ như trên là đã có thể nuôi được đàn bò 4 con. Nếu được chăm sóc và phát triển tốt, mỗi con bò cái có thể sinh từ 7- 10 con nghé.

Ngoài nguồn lợi nhuận từ chăn nuôi bò sinh sản, anh Được còn tận dụng phân bò phơi bán lấy tiền để đầu tư cho mấy công ruộng và bón phân trồng cỏ. Anh nói: “Sắp tới, tui sẽ làm hầm biogas để tạo năng lượng thắp sáng, chạy máy phát điện; còn chất cặn thải dùng để bón cho cây trồng, hạn chế sử dụng phân hóa học.

Đây là một trong những giải pháp nhằm quản lý chất thải chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Còn nhiều trăn trở

Những năm qua, anh Được cũng như nhiều nông dân luôn trăn trở về việc làm ruộng khá bấp bênh, đầu tư chi phí cao, giá vật tư tăng vọt, tới vụ thì bị thương lái ép giá.

Theo anh Được, trung bình, vụ lúa Đông Xuân, nông dân lời khoảng 2 triệu đồng/công, các vụ còn lại chỉ lời khoảng 1 triệu đồng/công/vụ. Trong chăn nuôi, anh cũng lo lắng giá cả không ổn định. Trước đây, con nghé có giá khoảng 20 triệu đồng/con, nay chỉ còn 14- 15 triệu đồng/con.

Anh Được mong muốn sau khi hoàn vốn sẽ được hội hỗ trợ tiếp để đầu tư nhân rộng đàn bò.
Anh Được mong muốn sau khi hoàn vốn sẽ được hội hỗ trợ tiếp để đầu tư nhân rộng đàn bò.

Anh Bảy cũng cho rằng: Giá bò hiện đang bị sụt, dạo trước con bò cái của tui nuôi có người kêu mua 55 triệu đồng, giờ chỉ còn khoảng 30 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thành Công- Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Phú Thịnh là xã thuần nông với hơn 3.200 hộ dân, diện tích đất nông nghiệp là 1.900ha. Như vậy, bình quân mỗi hộ chưa đến 6 công đất, diện tích nuôi trồng manh mún, nhỏ lẻ nên đời sống còn nhiều
khó khăn.

Trước đây, hội đã giải ngân nguồn vốn “Quỹ hỗ trợ nông dân” 50 triệu đồng giúp cho 3 hộ đầu tư nuôi heo, nhưng giá cả bấp bênh. Sau khi hoàn vốn, hội viên đã đề nghị chuyển đổi sang chăn nuôi bò. Đợt giải ngân vừa rồi, hội đã hỗ trợ cho 5 hộ nhận vốn với 100 triệu đồng. Tuy giá bò đang giảm, nhưng vẫn đảm bảo cho nông dân có lời.

Thực tại, nguồn vốn “Quỹ hỗ trợ nông dân” có giới hạn nên chỉ giải quyết phần nào đó cho nông dân và nhu cầu thì rất nhiều. Hiện, ấp Phú Tân có 25 hộ nuôi 61 con bò. Dự kiến, đến cuối tháng 10, hội sẽ thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò, nhằm đảm bảo đầu ra cho nông dân và tạo điều kiện để các tổ viên tiếp cận nguồn vốn vay.

Ông Nguyễn Văn Năm- Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Đầu năm đến nay, hội đã vận động “Quỹ hỗ trợ nông dân” được 63 triệu đồng, đạt hơn 60% so chỉ tiêu. Bên cạnh, nguồn ngân sách huyện còn cấp vốn 50 triệu đồng.

Hội đã giải ngân trên 90 triệu đồng hỗ trợ cho 5 hộ dân chăn nuôi dê ở xã Ngãi Tứ. Trong quá trình triển khai dự án, đều có tổ chức các lớp tập huấn nhằm hướng dẫn nông dân làm ăn có hiệu quả.

Nguồn quỹ đã giúp cho hội viên xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hợp tác, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tạo ra sản phẩm hàng hóa nông sản có chất lượng và hiệu quả hơn.

 

Năm 2012 đến nay, từ nguồn vốn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ủy thác, ngân sách nhà nước và nguồn vận động của các cấp hội trên 16 tỷ đồng, đã giải ngân 71 dự án, với trên 800 hộ tham gia, giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động có việc làm. Đến nay, đã tổng kết 36 dự án, dự kiến lợi nhuận chăn nuôi trên 6 tỷ đồng, các dự án trồng cây kiểng, cải tạo vườn kém hiệu quả trồng cây đặc sản đang cho hiệu quả tốt.

 

  • ™Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI