Người tiêu dùng chuộng thực phẩm quê

Cập nhật, 15:45, Thứ Tư, 18/05/2016 (GMT+7)

Trước tình trạng thực phẩm bẩn vây quanh, gây hoang mang cho người tiêu dùng, thì các loại thực phẩm mang cái mác nhà quê, lại được rất nhiều người tiêu dùng “săn đón” nhiệt tình. Bởi họ cho rằng đây là những thực phẩm có nguồn gốc và đặc biệt… rất sạch.

Người dân tìm đến chợ chồm hổm với mong muốn mua được thực phẩm quê chính hiệu.
Người dân tìm đến chợ chồm hổm với mong muốn mua được thực phẩm quê chính hiệu.

“Ăn đồ đồng cho nó lành”

Chị Lan Anh (Phường 4, TP Vĩnh Long) phấn khởi cho hay, “quê tôi ở Trà Ôn, mỗi lần về quê là tôi “khệ nệ” đủ thứ mua được từ nhà lên để vô tủ lạnh ăn dần.

Nào đủ đủ, rau tạp tàng, cá lóc, cá rô, cá lòng tong,…tươi roi rối, chả bù cho mấy thứ rau, cá mua có “bộ mã đẹp” nhưng toàn phân thuốc, hóa chất”.

Còn một số người nội trợ khác lại tìm về các chợ chồm hổm, chợ tự phát ở ven đường nông thôn hoặc chợ tại các khu dân cư thay vì đi các chợ lớn ở thành phố.

“Nhà ở xã Tân Hạnh đi chợ Phường 8, chợ thành phố cũng được nhưng tôi thích đi mấy cái chợ chồm hổm. Chợ đó toàn bán toàn đồ đồng, cá rau gì cũng tươi ngon lắm, ăn đồ đồng cho nó lành, giờ cái gì cũng phân thuốc, sợ quá trời”- anh Văn Thanh giải thích.

Để đáp ứng nhu cầu “ham” đồ quê của nhiều người dân thành thị, các trang bán đồ “miệt vườn” qua mạng cũng thi nhau ra đời.

Chị Hồng Hân vốn là dân huyện Vũng Liêm, đã sống và làm việc ở TP.HCM 10 năm nay. Theo chị thì người thành thị vốn trân trọng đồ quê bởi nó sạch và mang hương vị quê nhà. Vậy nên, cũng như bao người xa quê khác, mỗi lần về thăm quê là chị cũng tranh thủ mua cây trái, cá đồng lên Sài Gòn, vừa ăn mà cũng là để tặng.

“Về quê được thì mua hàng quê, không thì tôi phải tìm mấy nơi bán hàng quen mua hộ. Dạo gần đây, con gái tôi hay lên mạng đặt mua đồ đồng giao tận nhà".

Nếu có thời gian để đến các khu chợ “chồm hổm” vào buổi sáng sớm thì mới hiểu hết được nhu cầu sử dụng thực phẩm quê, thực phẩm sạch là rất lớn. Để mua được thực phẩm tại các khu chợ nói trên, nhiều người phải đi chợ từ rất sớm, bởi chợ được nhóm từ khuya và kết thúc tầm 7h sáng.

Tình trạng thực phẩm khó phân biệt được chất lượng, xuất xứ thì tâm lý người dân thích chọn đồ quê là khách quan và tất yếu.
Tình trạng thực phẩm khó phân biệt được chất lượng, xuất xứ thì tâm lý người dân thích chọn đồ quê là khách quan và tất yếu.

Hay dạo quanh thị trường bán hàng  online sẽ thấy không khí mua “đồ đồng” cũng sôi động không kém. Giá của các mặt hàng được cho là đồng quê được bán với giá cũng khá cao.

 “Đồ quê” thật giả lẫn lộn

Mặc dù không thể khẳng định các loại thực phẩm miệt quê có thật sự sạch hay không nhưng ít nhiều các sản phẩm của các hộ nông dân nuôi trồng trực tiếp tới tay người tiêu dùng cũng đã tạo được niềm tin về độ sạch, an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, chính vì xu hướng chuộng đồ quê với mong muốn được sử dụng thực phẩm sạch mà không ít người tiêu dùng đã rơi vài bẫy của các “gian thương”.

Chị Tường Vi, xã Tân Hạnh cho hay, chị đã mua nhầm cá lóc nuôi mà người bán giới thiệu đó là cá đồng với giá mắc hơn 40 ngàn đồng so với giá thị trường. “Thấy con cá nhỏ nhắn, đúng như lời bà bán hàng bảo “cá mùa này nhỏ nhỏ chứ ngon lắm, không có nhiều đâu”.

Vậy là tôi tin, mua hết mấy kg, đến khi về làm ra ăn mới biết đó là cá nuôi bởi có mùi rất tanh, thịt nhão”- chị Vi bức xúc nói.

Người nội trợ cần tìm hiểu kỹ khi chọn mua “đồ đồng” cho bữa cơm gia đình trước những nguy cơ mua nhầm đồ giả mạo với giá đắc đỏ (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa).
Người nội trợ cần tìm hiểu kỹ khi chọn mua “đồ đồng” cho bữa cơm gia đình trước những nguy cơ mua nhầm đồ giả mạo với giá đắc đỏ (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Người mua trực tiếp còn bị gạt huống hồ người tiêu dùng mua hàng qua mạng. Anh Hồng Quân (Phường 8) cũng rơi vào tình huống dở khóc, dở cười: “Có lần tôi lên mạng đặt mua thịt trâu gác bếp về làm mồi nhắm đãi bạn bè, đến khi nhận hàng mới tá hỏa vì thịt trâu bóc mùi”.

Biết tâm lý người tiêu dùng hiện đang chuộng đồ quê, nhiều “gian thương” đã giở nhiều trò mánh lới, biến hàng chợ thành đồ quê.

Ví dụ: muốn có trứng gà quê thì bôi thêm ít phân gà rồi phủ trấu lên; để cá nuôi thành cá đồng thì bắt cá bán lúc còn nhỏ; hoặc tìm về một vườn trái cây nào đó rồi chụp lấy năm bảy kiểu ảnh đang thu hoạch, sau đó tung lên mạng bảo là trái cây vườn nhà ngon bổ rẻ, không phân thuốc,…

Thậm chí có ông nông dân chiều chiều xách trúm đi đặt, 3 giờ sáng thức dậy mang theo vài kg lươn đã mua từ trước, rồi bỏ vào ống trúm lừa bán cho người dân nói là lươn đồng. Người dân thấy lươn đổ ra từ trúm, nên đâu nghĩ mình bị người bán lừa…

Trước tình trạng thực phẩm khó phân biệt được chất lượng, xuất xứ thì tâm lý người dân thích chọn đồ quê là khách quan và tất yếu. Tuy nhiên, cũng từ nhu cầu này đã vô tình tạo ra một số đầu nậu gom hàng trôi nổi rồi gắn mác hàng quê bán giá cao gấp đôi.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên vào cuộc, không chỉ kiểm soát hàng hóa trên thị trường mà còn kiểm soát cả hoạt động buôn bán, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm với các mặt hàng buôn bán qua mạng./.

Bài, ảnh: Ngọc Liễu