Kết nối phố

Quản lý từ chợ đầu mối

Cập nhật, 06:40, Thứ Tư, 16/12/2015 (GMT+7)

Ở các đô thị, thành phố lớn thì chợ cũng “lớn theo”- đó là các chợ đầu mối. Song song, các vựa, kho hàng, đại lý cấp 1 cũng tập trung rất nhiều ở khu vực đô thị. Từ đây, hàng hóa tỏa về các chợ kế cận, vùng nông thôn.

Hiện tại, ở khu vực chợ lớn có khá nhiều nhà vựa trái cây, rau củ nhận từ các nơi về, như nho, táo, lê, quýt; củ hành, tỏi, gừng, cà chua, củ cải đỏ,… một số được cho là hàng Đà Lạt, số khác gọi là hàng Hà Nội, hàng Lạng Sơn,… nhưng thực chất chúng đến từ đâu thì người tiêu dùng không thể nào xác định được. Hầu hết các loại thủy- hải sản, nhất là tôm tép, mực, cá biển,… cũng về chợ đầu mối mỗi ngày với số lượng khá lớn, và để giữ tươi lâu, không loại trừ cách sử dụng các hóa chất cấm để bảo quản.

Trong khi đó, thông tin về nhiều loại hoa quả nhập từ Trung Quốc với dư lượng chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng ở nhiều tỉnh- thành trên cả nước.

Càng đáng lo ngại hơn, những hóa chất kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc, đường hóa học... cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn. Có thể dễ dàng mua được các hóa chất tạo màu hoa quả, tạo mùi thịt bò, thịt heo,… với giá rất rẻ.

Do đó, trong tình hình rất phức tạp của việc mua bán, vận chuyển chất cấm, thực phẩm bẩn như hiện nay, công tác kiểm tra kiểm soát, siết chặt quản lý tại các địa bàn này là vô cùng cần thiết.

Thiết nghĩ đối với các hộ kinh doanh tại chợ đầu mối, các nhà vựa, các cơ sở kinh doanh hóa chất thực phẩm, rất cần phải có sổ ghi chép hàng hóa về nguồn gốc, số lượng nhập hàng ngày. Theo đó, ngành chức năng sẽ quản lý và kiểm tra khi cần thiết, nhất là có thể truy nguyên nguồn gốc. Như vậy, người kinh doanh ở đầu mối cũng có trách nhiệm hơn với hàng hóa của mình.

NGUYÊN CHƯƠNG