Vốn ngân hàng "chọn" doanh nghiệp có nhu cầu thật

Cập nhật, 05:16, Thứ Ba, 15/12/2015 (GMT+7)

Theo giám đốc một số chi nhánh ngân hàng (NH) tại Vĩnh Long, nguồn vốn NH hiện không khó tiếp cận đối với các doanh nghiệp (DN) có tình hình tài chính tốt, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, đồng thời, vốn NH kịp thời tìm đến “địa chỉ” có nhu cầu thật sự.

Nguồn vốn tín dụng ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Nguồn vốn tín dụng ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất kinh doanh.

Đáp ứng các nhu cầu vốn của DN

Theo đánh giá của NH Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND giảm mạnh trong năm 2015. So với năm 2011, lãi suất huy động giảm 6- 8,5%/năm tùy theo kỳ hạn, lãi suất cho vay giảm 8- 10%/năm tùy đối tượng, trong đó lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm nhanh hơn lãi suất huy động vốn và về mức thấp hơn lãi suất của giai đoạn 2005- 2006.

Tốc độ tăng bình quân của huy động vốn trên địa bàn trong giai đoạn 2012- 2015 ước đạt 16,21%/năm. Cùng với đó, tín dụng trên địa bàn tăng trưởng khoảng 6,35%, đẩy mạnh cho vay sản xuất kinh doanh và các nhu cầu vốn khác.

Đến cuối tháng 11/2015, số dư nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 21.410 tỷ đồng, tăng 14,36% so với số đầu năm. Trong đó tiền gửi dân cư đạt 14.800 tỷ đồng, chiếm trên 69% trên tổng số dư nguồn vốn huy động, tăng 18,59% so với số đầu năm.

Hiện LienVietPostBank có nhiều gói tín dụng cho vay sản xuất kinh doanh đa dạng với nhiều hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh, xuất khẩu… Theo ông Phan Thanh Hải, sắp tới NH sẽ đẩy mạnh triển khai Dự án tài trợ DN nhỏ và vừa giai đoạn III (SMEFP III).

Do mặt bằng lãi suất huy động ổn định và lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, lãi suất huy động thực dương nên huy động vốn tăng trưởng khá. Dự báo đến cuối năm, tổng số dư nguồn vốn huy động tăng 15,38% so với năm trước. Tương tự, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn ước tính đến cuối năm đạt 16.400 tỷ đồng, tăng 9,08% so với số đầu năm. Dự báo đến cuối năm, dư nợ cho vay tăng 10,41% so với năm trước.

Cũng theo chi nhánh NH Nhà nước, trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, các NH đã giảm lãi suất các khoản cho vay cũ có mức lãi suất cao về mức lãi suất hiện hành, cơ cấu lại nợ nhằm giúp DN giảm áp lực trả nợ NH và không phải chịu lãi suất quá hạn để hỗ trợ DN tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh… Từ đó, giúp nhiều DN dần ổn định, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một vài số liệu cho thấy, đối với cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, có 1.859 lượt DN được vay vốn ưu đãi với doanh số 16.650 tỷ đồng. Có 3 DN được hưởng lợi từ chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở, như DNTN Hoàng Hảo được NH ký hợp đồng cho vay 15 tỷ đồng thực hiện dự án nhà ở, DN vay thực tế 12,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đã có 102 khách hàng cá nhân vay mua nhà dự án của DNTN Hoàng Hảo, giải ngân 26 tỷ đồng; 27 khách hàng mua nhà của Hoàng Quân Mê Kông- Vĩnh Long đã giải ngân 8,8 tỷ đồng; 5 khách hàng mua nhà của DN Hoàng Quân Mê Kông- Cần Thơ đã giải ngân 0,8 tỷ đồng và 19 khách hàng mua nhà của Công ty CP Địa ốc Vĩnh Long đã giải ngân 10,7 tỷ đồng…

Mặc dù ngành NH đã có nhiều giải pháp gia tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn, nhưng cũng còn khá nhiều DN, nhất là DN hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, nuôi và chế biến thủy sản, sản xuất gạch, gốm, chế biến lương thực… vẫn chưa hết khó khăn.

Nguyên nhân do trước đây những DN này mở rộng sản xuất vượt quá tầm kiểm soát, đầu tư vào các lĩnh vực không chuyên sâu… dẫn đến mất khả năng thanh toán, thua lỗ, mặc dù NH đã cơ cấu lại nợ, đầu tư thêm vốn, giảm lãi suất cho vay.

Vốn NH “chọn” nhu cầu thật

Các ngân hàng cho biết hiện đang thiếu dự án, phương án sản xuất kinh doanh để cho vay.
Các ngân hàng cho biết hiện đang thiếu dự án, phương án sản xuất kinh doanh để cho vay.

Nói về khó khăn của ngành NH, một giám đốc chi nhánh NHTM cổ phần cho rằng, một số DN khó khăn thật, nhưng cũng có một số DN thiếu hợp tác, thiếu thiện chí với NH trong thanh toán các khoản nợ, lợi dụng tình hình khó khăn của nền kinh tế để trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, dù có điều kiện vẫn không trả nợ NH.

“Một DN có chi nhánh chế biến thủy sản ở Vĩnh Long nợ NH gần 200 triệu, nhưng lại đầu tư dự án lớn ở tỉnh khác, chứng tỏ DN không phải không có khả năng giải quyết nợ xấu”- giám đốc chi nhánh NH này cho biết.

Khi đặt vấn đề các giải pháp giúp DN tiếp cận vốn, nhiều lãnh đạo NH cho rằng, quan trọng nhất là khả năng hấp thụ vốn của DN để tăng năng lực sản xuất, nhưng hiện DN đầu tư công nghệ, phát triển kinh tế trang trại… chưa có nên rất khó phát triển dư nợ tín dụng.

Thật sự, NH đang rất thiếu dự án, phương án sản xuất kinh doanh, dự án vay liên kết thực hiện chuỗi sản phẩm hiệu quả, khả thi và khách hàng đủ điều kiện để cho vay. “Chúng tôi sẵn sàng cho vay lãi suất rất thấp, nếu DN có dự án đầu tư liên kết theo chuỗi”- một giám đốc NH nói, nhưng thực tế, ví dụ như việc liên kết trong cánh đồng mẫu lớn vẫn chưa có DN nào thực hiện được.

“NH không xem xét cho vay đối với DN tình hình tài chính không rõ ràng, phương án sản xuất kinh doanh không khả thi”- ông Phan Thanh Hải- Giám đốc LienVietPostBank chi nhánh Vĩnh Long cho biết như vậy. NH đã có sự thay đổi về quản trị, thực hiện giải ngân tập trung theo quy trình chung của hệ thống và dưới sự quản lý, giám sát của NH Nhà nước.

Vì thế, ông cho rằng, quy trình thẩm định cho vay, giám sát các khoản vay chặt chẽ hơn. Hiện một số DN có định hướng phát triển, tình hình tài chính tốt các NH “xếp hàng” để được phục vụ, còn ngược lại DN có “la làng” thì NH cũng không cho vay được.

Thực tế, lãnh đạo một số DN cho rằng với mức lãi suất cho vay trung, dài hạn trên dưới 10%/năm hiện nay là không đáng lo, quyết định vẫn là đầu ra của hàng hóa sản phẩm. Nguồn vốn đang chọn “địa chỉ” có nhu cầu sản xuất kinh doanh thật và các NH cũng có nhiều gói cho vay lãi suất ưu đãi đối với các DN có tình hình tài chính lành mạnh. Nói như ông Phan Thanh Hải: “NH luôn hỗ trợ DN hết mình, vì giúp DN khỏe mạnh thì NH cũng dễ thở hơn”.

Ông Phan Duy Phúc- Giám đốc Vietcombank chi nhánh Vĩnh Long: Khả năng hấp thụ vốn của DN còn ít

Hiện Vietcombank có gói tín dụng dành cho DN nhỏ và vừa nhân dịp tết, khách hàng có nhu cầu vay vốn từ 1- 3 tháng mức lãi suất thấp nhất là 5,5%/năm, kỳ hạn từ trên 3 tháng đến 6 tháng, mức lãi suất 5,9%/năm.

Đối với DN có phương án tốt, sản phẩm đầu ra ổn định thì NH hỗ trợ tối đa để DN tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Còn với DN “ốm yếu” NH vẫn phải đắn đo. NH hiện đang mạnh dạn “bơm” vốn ra thị trường, nhưng khả năng hấp thụ vốn của DN còn ít.

 

Bài, ảnh: LÝ AN