XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÙNG ĐBSCL

Để trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư

Cập nhật, 07:21, Thứ Ba, 26/11/2013 (GMT+7)


Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long gặp gỡ, trao đổi với các đại biểu trong và ngoài nước bên lề hội nghị.

Kinh tế vùng liên tục tăng trưởng 2 con số, nhiều năm hơn gấp 2 lần tăng trưởng bình quân cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, từ xuất phát điểm thấp, đã có bước phát triển quan trọng, làm thay đổi diện mạo của vùng và tạo ra môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, hấp dẫn hơn.
 
Tuy nhiên, vùng đất ĐBSCL vẫn chưa phát triển tương xứng tiềm năng. ĐBSCL có phát triển nhưng chưa bền vững, sức cạnh tranh thấp, yếu tố rủi ro còn cao, nhà đầu tư vẫn còn dè dặt chưa “mặn mà” với vùng đất này.

Mở ra một cơ hội mới

Ông Nguyễn Phong Quang- Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ Tây Nam Bộ, Trưởng BCĐ MDEC- Vĩnh Long 2013- cho rằng: Một trong những nguyên nhân làm cho kinh tế- xã hội của vùng có nhiều khởi sắc, đó chính là được sự quan tâm của Trung ương, sự nỗ lực của các địa phương trong vùng, biết nắm bắt, tranh thủ huy động mọi nguồn lực xã hội, kêu gọi, thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế... từ đó đã đạt được nhiều hiệu quả tốt.

Từ năm 2007 đến nay, toàn vùng đã thu hút được khoảng 635 dự án đăng ký đầu tư, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho khoảng 554 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư gần 300.000 tỷ đồng và 81 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 5 tỷ USD. Năm 2013, ĐBSCL tiếp tục kêu gọi cho 138 dự án.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phong Quang đánh giá “số lượng các dự án đầu tư tăng lên qua các năm, nhưng chất lượng, hiệu quả đầu tư vẫn còn hạn chế; cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư; khả năng tiếp cận với tiến bộ khoa học- kỹ thuật còn yếu; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao”.

Trong khi đó, tình trạng phổ biến hiện nay của khu vực ĐBSCL là những dự án đã có chủ trương đầu tư, kể cả dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng nhà đầu tư không thể triển khai hoặc chậm triển khai, do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, có trường hợp nhà đầu tư không được giao đất để thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến đầu tư của vùng vẫn còn nhiều bất cập, dàn trải; trong tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, mang nặng tính hình thức, sự liên kết giữa các ngành, các cấp thiếu chặt chẽ. Các dự án kêu gọi đầu tư chưa hướng vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm.

Trước thực trạng này, cần đặt ra yêu cầu phải được đổi mới cơ bản, lấy hiệu quả làm tiêu chí, bảo đảm tập trung thống nhất trong việc quản lý các hoạt động, chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.
 
Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, cần có chiến lược thu hút đầu tư lâu dài, hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển nhanh và bền vững. Đây là những vấn đề đã được nêu tại hội nghị Xúc tiến đầu tư ĐBSCL năm 2013 ngày hôm qua (25/11).
 
Tại hội nghị này, lãnh đạo các tỉnh- thành vùng ĐBSCL, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng đánh giá lại kết quả hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực trong thời gian qua, trao đổi bàn biện pháp tháo gỡ những khó khăn, để từ đó hợp tác đầu tư đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Phong Quang cho rằng, Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL sẽ mở ra một cơ hội mới để giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của vùng; tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận các dự án trọng điểm, tìm hiểu các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư.

Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp như cho chính mình

Nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư là mục tiêu quan trọng của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong thời gian qua. Ví dụ, tỉnh Kiên Giang cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư theo quy trình một cửa, một cửa liên thông trên các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, môi trường…

Và xem đây là nhân tố quyết định đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tỉnh Đồng Tháp với phương châm nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp”. Các cấp lãnh đạo tỉnh không ngừng nỗ lực để tạo ra môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Diệp- Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng BTC MDEC- Vĩnh Long 2013- khẳng định cam kết:
 
“Chính quyền các cấp luôn thể hiện sự đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực hết sức để tạo một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, an toàn và tin cậy cho các nhà đầu tư, luôn đặt doanh nghiệp vào vị trí quan trọng của sự phát triển. Thành công của các doanh nghiệp tại Vĩnh Long chính là sự thành công của tỉnh Vĩnh Long trong giai đoạn hiện nay”.


Gian hàng mini giới thiệu xúc tiến đầu tư của Vĩnh Long.

Ghi nhận những nỗ lực, năng động, linh hoạt của các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá: “Các địa phương trong vùng đã nắm bắt, tranh thủ các nguồn lực, sáng tạo trong thu hút và kêu gọi đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận, tìm hiểu và đi đến quyết định đầu tư với 802 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 11 tỷ USD tính đến cuối tháng 9/2013, vốn ODA đạt khoảng 20 tỷ USD trong 20 năm qua”.
 
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng sự phát triển của các tỉnh ĐBSCL trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực của vùng.

Để góp phần khắc phục những hạn chế, cũng như để công tác xúc tiến đầu tư sớm đi vào thực tiễn bằng những dự án cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần quan tâm: đa dạng hóa các hình thức kêu gọi, xúc tiến đầu tư và cụ thể hóa từng lĩnh vực bằng quyết tâm chính trị cao nhất.

Khẩn trương tiến hành rà soát quy hoạch và sớm triển khai những dự án đã kêu gọi và được cấp phép đầu tư xây dựng. Vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực phù hợp tiềm năng, thế mạnh từng địa phương.

Đặc biệt, thu hút đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp phụ trợ, công nghệ sinh học, công nghiệp chế biến, sản xuất nông sản nhằm tăng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp phục vụ xuất khẩu, song song với thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đánh giá cao tinh thần của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã không ngại khó khăn, luôn sát cánh tìm những giải pháp để đưa ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững.

Đồng thời, đề nghị các bộ ngành Trung ương, địa phương quan tâm, lắng nghe nhiều hơn nữa đến các ý kiến, kiến nghị để cụ thể hóa thành cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Cần coi giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư như giải quyết khó khăn cho chính mình, coi sự thành công của các doanh nghiệp, nhà đầu tư là sự thành công của chính mình.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh:


Để Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư, Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ luôn quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường đối thoại, tạo điều kiện thuận lợi cũng như bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- HOÀNG MINH