MDEC - Vĩnh Long 2013

Quảng bá hình ảnh mới Tây Nam Bộ

Cập nhật, 07:03, Thứ Ba, 26/11/2013 (GMT+7)

Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC) lần thứ 7 năm 2013 đã chính thức khai mạc vào tối 25-11, tại tỉnh Vĩnh Long (MDEC-Vĩnh Long 2013).
 
Đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương đến dự.

Hướng đến nền kinh tế xanh

Lần đầu tiên tại diễn đàn này, mục tiêu “hướng đến nền kinh tế xanh” được đặt ra như một yêu cầu bức thiết đối với sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

“MDEC-Vĩnh Long 2013 có chủ đề ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh, trước hết là nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về phát triển kinh tế bền vững; ra sức thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên” - ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Trưởng ban Chỉ đạo MDEC-Vĩnh Long 2013 nói.

MDEC – Vĩnh Long 2013 hướng đến nền kinh tế xanh.

Tầm quan trọng của vấn đề đã được đề cao khi tại diễn đàn, một loạt các hoạt động lớn như: Hội thảo liên kết phát triển đô thị vùng, hội thảo phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, triển lãm, hội chợ… đặt dưới sự chủ trì của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ luôn là cầu nối liên kết các tỉnh trong vùng thực hiện việc phát triển nền kinh tế bền vững.

Theo ông Nguyễn Phong Quang, sau diễn đàn này Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung phát triển công nghiệp ít chất thải, thân thiện với môi trường; ưu tiên áp dụng công nghệ sạch trong công nghiệp, phát triển du lịch gắn với bảo vệ hệ sinh thái ĐBSCL.

Khẳng định vai trò nhà đầu tư

Không chỉ là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản của cả nước, ĐBSCL còn được xác định là vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu; nơi có tiềm năng, thế mạnh phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp thực phẩm, phát triển du lịch và là vùng sản xuất lương thực trọng điểm quốc gia.

Bên cạnh đó, được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ về công tác quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đã tạo được bước đột phá về phát triển kinh tế-xã hội cho ĐBSCL với mức tăng trưởng 12% mỗi năm. Tuy nhiên, sự phát triển của ĐBSCL vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực của mình, vì vậy cần phải tiếp tục thu hút các nhà đầu tư.

Ông Lâm Hoàng Sa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết:

“Để nâng cao hiệu quả mời gọi đầu tư trên địa bàn, tỉnh Kiên Giang đã triển khai thực hiện các giải pháp hoàn thiện về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; cải cách thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng... Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước vào tỉnh Kiên Giang kinh doanh, làm ăn lâu dài”.

Có nhà máy đặt tại tỉnh Vĩnh Long trị giá 12 triệu USD, ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc Công ty TNHH De Heus (Hà Lan) tâm đắc:

“Tỉnh Vĩnh Long có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài như chúng tôi được đầu tư thuận lợi. UBND tỉnh hỗ trợ tích cực về vị trí đất cũng như về mặt thủ tục hành chính đã giúp chúng tôi giảm bớt khó khăn ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án. Chính vì những lý do đó mà chúng tôi quyết định sẽ đầu tư thêm một nhà máy nữa tại Vĩnh Long trong năm 2014, với số vốn dự kiến 15 triệu USD”.

Điện gió, ngành công nghiệp năng lượng mới của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sự cam kết của chính quyền các địa phương với doanh nghiệp, nhà đầu tư đã tạo lòng tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chính vì thế mà ngay tại hội nghị xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL ngày 25-11, đã có 26 hợp đồng tín dụng, chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư được ký kết; các tỉnh, thành phố cũng đã đưa ra 138 dự án trọng điểm với tổng số vốn hơn 410.000 tỷ đồng và 1,9 tỷ USD để kêu gọi đầu tư.

Đẩy mạnh công tác an sinh xã hội

An sinh xã hội được xác định là một trong ba mục tiêu quan trọng của MDEC-Vĩnh Long 2013. Thông qua diễn đàn, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các địa phương huy động nguồn lực cho công tác an sinh xã hội.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong giai đoạn 2008-2013, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng hỗ trợ an sinh xã hội cho vùng ĐBSCL hơn 1.800 tỷ đồng. Nguồn vốn này được đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn, nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và cấp phát học bổng cho học sinh, sinh viên tại 13 tỉnh, thành phố trong khu vực.

Tính đến cuối năm 2012, ĐBSCL còn khoảng 142.000 hộ nghèo và 286.000 hộ cận nghèo. Kết quả giảm nghèo của toàn khu vực tuy có chuyển biến tích cực nhưng chưa bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao, nguy cơ phát sinh hộ nghèo lớn. Vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, nhân sự kiện MDEC-Vĩnh Long 2013, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các địa phương đã vận động được hơn 650 tỷ đồng; riêng ngành ngân hàng ủng hộ 518 tỷ đồng. Sự đóng góp tích cực của ngành ngân hàng đã góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo ở ĐBSCL...

Theo QĐND Online