Ngư dân ngày càng yên tâm vươn khơi, bám biển

Cập nhật, 06:47, Thứ Ba, 23/04/2013 (GMT+7)

Với sự phát triển đáng kể về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, Trường Sa đang ngày càng trở thành “điểm tựa” vững chắc để ngư dân yên tâm bám biển, vươn khơi...

Hiệu quả các công trình trên đảo

Đầu tháng Tư, Đoàn công tác Cục Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam và Vùng CSB 2, đến thăm xã đảo Song Tử Tây. Xuồng của đoàn  được tiếp cận đảo theo luồng vào âu tàu. Cửa luồng rộng và có mốc chỉ giới, nên chiếc xuồng tiếp cận đảo dễ dàng hơn nhiều so trước kia.
 
Trong âu tàu, những chiếc tàu, thuyền của ngư dân đang neo đậu để tiếp nhiên liệu và khắc phục sự cố sau những ngày vươn khơi, đánh bắt hải sản.

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, cho biết: “Từ khi âu tàu hoàn thành đưa vào hoạt động, số lượng tàu, thuyền của ngư dân ra vào đảo tăng lên đáng kể”. Âu tàu Song Tử Tây được xây dựng kiên cố, thuận lợi nên các loại tàu, thuyền cỡ vừa và nhỏ đều có thể ra, vào bất cứ lúc nào.

Âu tàu có thể bảo đảm cho hàng chục tàu, thuyền đánh cá của ngư dân vào tránh gió bão và tham gia các dịch vụ trên biển. Theo Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên phó đảo Song Tử Tây, việc xây dựng âu tàu ở xã đảo Song Tử Tây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển vùng Đông Bắc quần đảo Trường Sa.


 

Tàu thuyền của ngư dân neo đậu tại âu tàu đảo Song Tử Tây.

Tại Trạm xăng dầu của xã đảo Song Tử Tây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Liêm, chủ tàu BĐ-96286TS, trú ở Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) đang tiếp nhiên liệu cho tàu.

Anh Liêm phấn khởi chia sẻ: “Từ khi đảo xây dựng âu tàu và đưa vào hoạt động, ngư dân chúng tôi rất yên tâm khi ra Trường Sa đánh bắt hải sản”. Qua trò chuyện tôi được biết, trung tuần tháng 8-2012, khi đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa, do bị ảnh hưởng cơn bão số 5, tàu của anh Liêm gặp sự cố vỡ bánh lái, phải nhờ giúp đỡ.

Nhận được thông tin, tàu SAR 431 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam cơ động đến lai dắt tàu BĐ-96286TS vào âu tàu đảo Song Tử Tây an toàn. Các thuyền viên tàu BĐ-96286TS được quân y trên đảo chăm sóc, điều trị, nên sức khỏe nhanh chóng bình phục.
 
Tàu còn được các nhân viên Đội dịch vụ hậu cần nghề cá Công ty 128 hải quân thay thế bánh lái và khắc phục một số hỏng hóc, sau đó tàu tiếp tục hành trình về đất liền an toàn.

Theo Thiếu tá Lê Đăng Định, Đội trưởng Đội Dịch vụ hậu cần nghề cá thuộc Công ty 128, trong năm 2012 và quý I năm 2013, Công ty 128 đã sửa chữa miễn công cho 42 lượt tàu cá bị hỏng với 167 ngày công, cấp bán nhiên liệu kịp thời cho 111 tàu cá, cấp hơn 210.000m3 nước ngọt cho các tàu của ngư dân.
 
Cùng với việc bảo đảm tốt các nhu cầu về nhiên liệu, ngư cụ trên biển, bộ đội đảo Song Tử Tây còn thường xuyên cung ứng lương thực, thực phẩm cho ngư dân khi tàu thuyền gặp tai nạn, sự cố.

Tiếp sức ngư dân vươn khơi

Những năm gần đây, việc bám biển, vươn khơi của các ngư dân được Nhà nước quan tâm, khuyến khích. Việc bảo đảm an toàn cho mỗi chuyến ra khơi, có sự hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển... Giữa biển khơi muôn trùng sóng gió, rủi ro, hiểm nguy do tai nạn lao động, bão gió, hết nhiên liệu... rất dễ xảy ra.

Do vậy, những âu tàu, trạm xăng dầu, trang thiết bị y tế và thuốc men ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa rất cần thiết đối với người dân sống trên đảo và ngư dân đi biển. Điều mà nhiều ngư dân trước đây vẫn canh cánh lo khi ra vùng biển Trường Sa đánh bắt hải sản, nay đã được giải tỏa khi ngày càng có nhiều công trình dân sinh như đường, điện, trường, trạm, âu tàu... trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa được nâng cấp, xây mới, đưa vào sử dụng có hiệu quả.

Các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn Đông... được trồng nhiều loại cây chắn sóng, đầu tư xây dựng, nâng cấp thềm đảo, bờ kè. Cơ sở hạ tầng trên đảo được xây dựng cơ bản và có âu tàu, giúp ngư dân không bị động khi có giông bão.

Tại đảo Sơn Ca, chúng tôi gặp anh Phan Quyết Công Minh, chủ tàu KH-98299TS, ở TP Nha Trang (Khánh Hòa). Anh lên đảo xin xác nhận của chỉ huy và vào Trạm xá đảo Sơn Ca xin một số loại thuốc điều trị các bệnh thường gặp.

Cầm gói thuốc trên tay, anh bộc bạch: “Đây là lần thứ hai tôi ra đánh bắt hải sản ở khu vực quần đảo Trường Sa. Lần nào ra đây tàu chúng tôi cũng ghé vào các đảo để lấy chứng thực và tiếp nhiên liệu. Khi có thuyền viên trên tàu bị ốm đau, quân y nhiệt tình giúp khám bệnh, cấp thuốc; có khó khăn gì đều được bộ đội trên đảo giúp đỡ, tạo điều kiện hết mức. Ra đây đánh bắt hải sản, chúng tôi rất an tâm; đặc biệt, sự hỗ trợ của trên cho các tàu ra khơi đánh bắt hải sản ở Trường Sa giúp ngư dân giảm bớt khó khăn về chi phí nhiên liệu. 


 

Cán bộ Vùng CSB 2 (Cục CSB Việt Nam) phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho ngư dân trên vùng biển Trường Sa.

Anh Bùi Hữu Trung, thuyền viên tàu QNg-96048TS, ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) phấn khởi cho biết: “Chúng tôi làm ăn ngoài khơi xa, có lực lượng Cảnh sát biển tuần tra, thực thi pháp luật trên biển, chúng tôi không còn lo lắng nữa. Những chủ trương, chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn đối với ngư dân của Đảng, Nhà nước, cũng như sự hiện diện thường xuyên của lực lượng thực thi pháp luật trên biển giúp các ngư dân thêm yên tâm bám biển, bám ngư trường truyền thống".

Tìm hiểu chúng tôi được biết, để giảm rủi ro, tai nạn trên biển, các ngư dân rất cần được trang bị kiến thức về Luật Biển Việt Nam, về kỹ năng xử lý tình huống tai nạn, cấp cứu trên biển.

Thực tế, không ít trường hợp các thuyền viên do chủ quan, khi bị đau ốm nhẹ, không dùng thuốc kịp thời, đến khi bệnh nặng lại phải cơ động rất xa, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu quả mỗi chuyến ra khơi. Thêm nữa, khá nhiều tàu đi đánh cá xa bờ còn giữ bí mật vị trí đánh bắt, nên khi tai nạn, sự cố xảy ra rất khó xử lý, khắc phục.

Để tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi ngư dân gặp bão gió, tai nạn trên vùng biển Trường Sa, cấp ủy, chính quyền các địa phương, các lực lượng và cơ quan chức năng cần thường xuyên tuyên truyền sâu rộng về Luật Biển Việt Nam, về chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển…; tổ chức tập huấn các kỹ năng xử lý tình huống trên biển cho ngư dân.

Khi có sự cố, tai nạn xảy ra, rất cần sự liên lạc, hợp tác kịp thời, chặt chẽ của các ngư dân. Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi gặp bất trắc trên biển, các tàu thuyền đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân cần tăng cường liên kết hoạt động theo tổ, nhóm để kịp thời hỗ trợ cho nhau trước khi lực lượng chức năng đến ứng cứu. 

Theo QĐND Online