Tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường

Cập nhật, 07:00, Thứ Bảy, 30/03/2013 (GMT+7)

Nhiều tháng nay, tình trạng tồn đọng đường với số lượng lớn đã khiến giá đường tụt giảm, người trồng mía chán nản, doanh nghiệp thua lỗ... Ðể giải bài toán khó cho ngành mía đường hiện nay, rất cần các ngành chức năng khẩn trương chỉ đạo, tạo cơ chế chính sách phù hợp, linh hoạt, giúp ngành mía đường thoát khỏi bế tắc.

Nông dân không còn muốn trồng mía

Trên cánh đồng mía xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), anh Nguyễn Văn Bình cho biết, toàn xã có khoảng 166 ha mía đến kỳ thu hoạch, nhưng phần nửa trong số này chưa xin được phiếu đốn của Nhà máy đường Phổ Phong, nhiều ruộng mía trổ bông và hàng trăm tấn mía đã thu hoạch đang phơi nắng cả tuần.

Còn tại xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, sản lượng mía khoảng tám nghìn tấn, Nhà máy đường Phổ Phong mới mua 7.200 tấn mía, còn lại khoảng 800 tấn đã chín khô.

Một số hộ dân ở thôn 1, quyết định đốt đồng mía, trong khi một số hộ khác cố chờ bán. Trung bình, mỗi tấn mía tại ruộng có giá 900.000 đồng/10 CCS (chữ đường), tuy nhiên, khi mía bị chín khô thì phía nhà máy lại trừ 6% tạp chất khiến người trồng mía thêm thiệt hại.

Tại Nhà máy đường An Khê (tỉnh Gia Lai), mặc dù đã cố gắng tiêu thụ nhanh mía cho nông dân, nhưng cũng không tránh khỏi cảnh nhiều cánh đồng mía chín khô chờ ngoài ruộng, khiến người trồng mía ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Mộ Ðức, Ðức Phổ... lo lắng do nhiều ruộng mía bị chết ngọn, trổ cờ hàng loạt.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi đến ấp 6, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (Hậu Giang), bà Trần Thị Tám cho biết, đã nhiều năm gắn bó với cây mía, nhưng vụ mía vừa rồi bị lỗ nặng, nên giờ đây không muốn trồng mía nữa. Vụ mía vừa rồi gia đình bà lỗ gần 30 triệu đồng, cho nên gần hai ha đất mía đã chuyển sang trồng lúa.

Theo bà Tám, giá mía bây giờ quá bấp bênh, đến khi thu hoạch tìm nhân công đã khó, thương lái lại càng khó hơn. Tự chở ra nhà máy thì bị "om" ba đến bốn ngày mới được đến lượt cân để bán. Ðể càng lâu mía càng mất chữ đường, kéo theo mất giá... thiệt thòi luôn thuộc về nông dân. Mấy năm nay, lợi nhuận thu được từ cây mía quá ít.

Vì thế, bà con đang có xu hướng chuyển đổi mạnh từ đất mía sang các loại cây trồng khác. Theo ngành nông nghiệp tỉnh, vụ mía vừa rồi tuy không bị ảnh hưởng bởi ngập lũ như vụ trước, nhưng người trồng mía thu lời rất thấp, thậm chí thua lỗ. Nông dân bắt đầu mất niềm tin vào cây mía vì giá bấp bênh. Ðã có khoảng 800 ha chuyển từ đất mía sang các loại cây trồng khác.

Tại tỉnh Sóc Trăng, theo kế hoạch, năm 2013 tỉnh sản xuất 11.800 ha mía, nhưng thực tế chỉ trồng được 9.200 ha. Nhiều nông dân bỏ mía, chuyển sang trồng lúa, cây ăn trái...

Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, giá mía niên vụ 2012 - 2013 bình quân từ 750 đến 800 đồng/kg. Với mức giá thấp như vậy, nhìn chung nông dân trồng mía không có lời. Muốn có lời, mía phải đạt năng suất 120 tấn/ha và 10 chữ đường trở lên, còn dưới mức này thì không đủ bù chi phí.

Những năm gần đây, Sóc Trăng giảm hàng nghìn ha đất mía. Huyện có diện tích giảm nhiều nhất là Mỹ Tú, khoảng 800 ha.

Ông Nguyễn Văn Bé ở thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung than thở: Giá mía năm nay thấp quá. Nông dân bỏ công sức quần quật suốt mùa vụ, từ đào đất lên liếp, đánh lá mía, bón phân đến thu hoạch cộng thêm mọi chi phí đều tăng mạnh, chi phí sản xuất lên cả chục triệu đồng, nhưng giá mía chỉ có 600 - 700 nghìn đồng/tấn thì đâu có lời.

Vì không biết trồng cây gì ở đất cù lao này, nên nông dân cố bám cây mía. Nếu giá mía cứ tiếp tục tụt dốc, nông dân chắc cũng bỏ cây mía.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi về việc tháo gỡ khó khăn cho người trồng mía, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Quách Văn Nam cho biết, ngành đang tiếp tục tìm các giải pháp giữ ổn định diện tích mía, giúp nông dân hạ giá thành sản xuất, bảo đảm sản xuất có lời.

Theo đó, tập trung đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi giống mía mới giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng; quy hoạch lại vùng mía nguyên liệu. Những vùng vận chuyển, sản xuất không thuận lợi thì mạnh dạn chuyển sang cây trồng khác; xây dựng cánh đồng mẫu để cơ giới hóa trong sản xuất mía, giảm chi phí đầu tư; vận động nông dân liên kết sản xuất theo mô hình hợp tác, phát triển kinh tế tập thể để nông dân từng bước chủ động trong khâu tiêu thụ.

Doanh nghiệp mía đường thua lỗ

Cùng chung hoàn cảnh với người trồng mía, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà máy đường cũng đối mặt với muôn vàn khó khăn, vì phải cạnh tranh gay gắt với đường nhập khẩu, nhất là đường nhập lậu từ Thái-lan tràn vào, bán với giá rất thấp.

Giám đốc Nhà máy đường Phổ Phong (tỉnh Quảng Ngãi) Trần Văn Lợi cho biết, đến giữa tháng 5 tới, nhà máy sẽ thu mua toàn bộ mía cho nông dân. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết nắng nóng đã làm nhiều cánh đồng mía chín rộ, nhà máy không thể tiêu thụ hết mía cho nên nông dân rất bức xúc.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đường Quảng Ngãi Nguyễn Hữu Tiến cho biết, hiện công ty còn tồn kho 26.700 tấn đường RS. Dự kiến từ nay đến cuối vụ ép mía, hai nhà máy đường của công ty sẽ sản xuất hơn 20 nghìn tấn.

Lượng đường tồn kho vẫn liên tục tăng cao và mức độ tiêu thụ đường trên thị trường miền trung nói riêng và cả nước nói chung đang gặp khó khăn, trong khi đó giá đường luôn biến động. Trong tháng 3 này, công ty bán ra với giá dao động từ 13.300 đồng đến 13.800 đồng/kg đường RS, giảm ba nghìn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Ðánh giá về vụ ép mía vừa qua, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) Nguyễn Hoàng Ngoan bức xúc: Khó khăn lớn nhất mà Casuco gặp phải trong vụ mía vừa qua là tình trạng đường nhập lậu ngày càng nhiều, khiến giá đường trong nước liên tục sụt giảm. Trong khi đó, công ty vẫn phải giữ giá thu mua mía nguyên liệu trong dân ở mức cao.

Cụ thể, đối với Nhà máy đường Phụng Hiệp là 1.020 đồng/kg mía 10CCS tại cầu cảng nhà máy; còn Xí nghiệp đường Vị Thanh là 1.045 đồng/kg mía 10CCS tại cầu cảng xí nghiệp. Casuco giữ giá thu mua cao, nhằm bảo đảm lợi nhuận cho người trồng mía, đồng thời tạo điều kiện cho bà con có vốn để tiếp tục tái sản xuất vụ sau.

Nhưng với áp lực giá đường sụt giảm, lượng đường tồn kho hàng chục nghìn tấn, chỉ tính trong quý IV-2012, công ty đã lỗ khoảng 10 tỷ đồng. Gần đây, chờ mãi mới có chủ trương cho xuất khẩu đường qua đường tiểu ngạch, giá đường thế giới tăng, cùng với tình trạng đường nhập lậu đang dần được kiểm soát, cho nên giá đường nhích lên 14.200 đồng/kg (tăng từ 300 đến 400 đồng/kg so với trước đó). Nhưng với giá đường hiện tại cũng chỉ bảo đảm công ty đủ trả lương cho công nhân...

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Sóc Trăng Cổ Trí Dũng cho biết, từ đầu vụ đến nay đường sản xuất ra rất khó tiêu thụ.

Gần đây, giá mới nhích lên đôi chút, tăng từ 100 đến 200 đồng/kg, nhưng tại nhà máy vẫn còn tồn kho khoảng 4.000 tấn đường. Ðể giảm bớt khó khăn, công ty cắt giảm quỹ lương, sắp xếp, bố trí lại nhân sự để giảm giá thành sản xuất. Giá đường xuống thấp, giá mía cũng không thể cao được. Công ty thường xuyên sản xuất trong tình trạng bị lỗ.

Cần những giải pháp quyết liệt

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến cuối tháng 3-2013, lượng đường tồn kho tại các nhà máy lên đến 486.848 tấn (kể cả đường thô); còn tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội là 23.661 tấn.

Như vậy, tổng lượng đường tồn kho hiện lên đến hơn 500 nghìn tấn, lớn nhất từ trước đến nay. Trước thực trạng khó khăn của ngành mía đường, Hiệp hội đã thông báo cho các hội viên xuất khẩu theo chỉ đạo của Bộ Công thương. Việc thực hiện xuất khẩu theo giải pháp này đang bắt đầu tại tỉnh Lào Cai để sớm giải quyết áp lực tồn kho.

Việc Bộ Công thương cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu góp phần đẩy giá đường trong nước tăng nhẹ. Tuy nhiên, Hiệp hội yêu cầu các nhà máy đường áp dụng giá mía theo khuyến cáo, kêu gọi người trồng mía cải thiện năng suất và chất lượng mía với sự hỗ trợ của các nhà máy đường trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan giải quyết kịp thời các vấn đề tác động thuộc về chính sách như: xuất nhập khẩu, cơ chế tồn trữ để bình ổn giá, chống buôn lậu và gian lận thương mại, chính sách khuyến nông đối với người trồng mía.

Theo NDĐT