Vì sao tượng thần ở Hy Lạp thường khỏa thân?

Cập nhật, 06:47, Chủ Nhật, 14/11/2021 (GMT+7)

(VLO) Nhiều bức tượng điêu khắc ở Hy Lạp chọn cách khỏa thân, thậm chí không ngại để lộ những bộ phận nhạy cảm nhưng vẫn rất phổ biến, không trở nên dung tục.

Người Hy Lạp cổ đại từ lâu đã nổi tiếng với việc đã tạo ra, cũng như phổ thông hóa những khái niệm hiện đại về cơ thể con người. Nổi bật trong đó là ý tưởng và triết lý về cái đẹp của mỗi con người hay các vị thần được thể hiện qua những bức tượng khỏa thân.

Tượng thần Aphrodite- nữ thần của tình yêu và sắc đẹp.
Tượng thần Aphrodite- nữ thần của tình yêu và sắc đẹp.

Vì sao khỏa thân là trung tâm nghệ thuật của Hy Lạp?

Khỏa thân trong nghệ thuật Hy Lạp là một chuẩn mực đến mức người ta thậm chí có thể kết luận nhầm rằng con người thời đó thường trong tình trạng... không mặc quần áo.

Theo các nhà sử học, khỏa thân ở Hy Lạp từng được coi là đại diện cho sức mạnh, hoặc có tính chất anh hùng. Chính bởi vậy mà nhân vật được chọn thường là các vị thần, vận động viên thể thao, hoặc những người nổi tiếng, có địa vị xã hội. Đây là một quan niệm đóng vai trò quan trọng và giải thích lý do tại sao nghệ thuật này ở Hy Lạp vẫn rất phổ biến, mà không trở nên dung tục.

Cụ thể, đối với người Hy Lạp, khỏa thân được coi là dấu hiệu của phẩm hạnh đạo đức, vẻ đẹp vượt thời gian và chủ nghĩa anh hùng thay vì là dấu hiệu của sự yếu đuối, xấu hổ, hoặc bị sỉ nhục như ở một số quốc gia khác.

Với ý nghĩa này, các nhà điêu khắc bắt đầu tạo ra các tác phẩm của họ nhằm lột tả được những giá trị tích cực như thần thái, sức mạnh, sự chiến thắng và lòng trắc ẩn một cách đầy nghệ thuật.

Bên cạnh đó, những chi tiết nhỏ được sử dụng để tô điểm cho cơ thể con người, chẳng hạn như mảnh quần áo, đồ trang sức, hình xăm và các đồ trang trí khác, được thực hiện một cách tương đối “tiết kiệm”, vì tạc người hoặc thần trong ảnh khỏa thân được coi là thể hiện giá trị trung thực của nhân vật.

Mối liên hệ giữa nghệ thuật và khoa học

Tác phẩm điêu khắc nổi tiếng “Discobolus” ở Bảo tàng khảo cổ học Roma (Italy).
Tác phẩm điêu khắc nổi tiếng “Discobolus” ở Bảo tàng khảo cổ học Roma (Italy).

Để có được những tác phẩm tuyệt mỹ, các nghệ sĩ điêu khắc buộc phải quan sát rất kỹ cơ thể con người, để hiểu nó trông như thế nào và chuyển động như thế nào. Thậm chí có những người mẫu được tuyển chọn để khỏa thân và tạo dáng để các nghệ sĩ nghiên cứu từng chi tiết và các hình thái cơ thể khác nhau.

Vào thời điểm đó ở Hy Lạp, không hề có sự phân chia giữa nghệ thuật và khoa học. Thay vào đó, đây được xem như một chủ đề linh hoạt, mà hầu hết các nhà triết học, vật lý học và nghệ sĩ đường phố đã liên tục chuyển đổi, giao thoa giữa chúng trong quá trình khám phá những ý tưởng.

Các nghệ sĩ và nhà khoa học thậm chí phải mổ xẻ xác người chết để tìm hiểu thành phần và cách thức hoạt động của cơ thể, chi tiết tới mức như nhóm cơ nào được sử dụng khi nắm chặt tay, dây thần kinh nào nhô ra ngoài, ngón giữa dài hơn ngón trỏ ra sao...

Tất cả những chi tiết nhỏ này đều đòi hỏi nhiều nghiên cứu và mổ xẻ trước đó, nhằm đảm bảo tác phẩm điêu khắc chạm tới ngưỡng hoàn mỹ. Bởi sự khác biệt rất nhỏ giữa 95- 100% đôi khi cũng đủ tạo nên một đối lập rất lớn trong mắt người xem.

Những người nghệ sĩ hiểu rằng nếu như chỉ một bộ phận hoặc một phần của mảnh ghép không đúng tỷ lệ, nó có thể làm hỏng cả một tuyệt tác.

Nhờ những nỗ lực này, ngày nay chúng ta mới được chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc chính xác tuyệt đối về mặt giải phẫu, khi từng múi cơ, lọn tóc, độ dài ngắn các khớp... tất cả đều được tái hiện với độ chính xác cao.

Những nỗ lực và nghiên cứu khoa học cần thiết để tạo ra những bức tượng và tác phẩm hoàn mỹ cũng đã mang lại cho các nghệ sĩ sự thừa nhận và địa vị cao hơn so với trước đây, thậm chí ngang hàng với tầng lớp trí thức và triết gia ở Hy Lạp.

Xét cho cùng, đây là một sự tưởng thưởng xứng đáng, vì công việc của họ cũng gắn liền và dựa trên những nghiên cứu chuyên sâu và đại diện cho sự chính xác của loài người.

VY ANH (theo Dân Trí)