Trung Quốc phát triển công nghệ thu và lưu trữ carbon thế hệ mới giúp giảm khí phát thải

Cập nhật, 15:32, Thứ Sáu, 26/03/2021 (GMT+7)

 

 Các nhà nghiên cứu cũng tin tưởng rằng, việc cải tiến công nghệ thu và lưu trữ carbon sẽ sớm đem lại một giải pháp thiết thực, hiệu quả không chỉ cho các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà còn cho các nhà máy xi măng, nhà máy thép...
Các nhà nghiên cứu cũng tin tưởng rằng, việc cải tiến công nghệ thu và lưu trữ carbon sẽ sớm đem lại một giải pháp thiết thực, hiệu quả không chỉ cho các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà còn cho các nhà máy xi măng, nhà máy thép...

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa đạt được những bước tiến đáng kể khi áp dụng công nghệ xanh để quản lý tốt hơn lượng khí thải carbon trong lĩnh vực năng lượng.

Công nghệ thu và lưu trữ carbon (CCS), chủ yếu là khí thải các-bon do các nhà máy nhiên liệu hóa thạch truyền thống tạo ra trước khi đi vào khí quyển, đang được xem là một công cụ quan trọng trong giải quyết các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu.

“Thu và lưu trữ carbon” (Carbon capture and storage – CCS) dùng để chỉ nhóm các công nghệ giúp giảm lượng khí thải CO2 từ các nguồn phát sinh chủ yếu, qua đó làm giảm tác động tới quá trình biến đổi khí hậu. Có thể hiểu đơn giản, thay vì thải vào bầu khí quyển để lượng CO2 tích tụ mỗi ngày, công nghệ thu và lưu trữ thực hiện thu hồi và sau đó lưu trữ khí này trong các “kho chứa”. Mặc dù đã tồn tại hàng thập kỷ, công nghệ thu và lưu trữ các-bon hiện nay vẫn thường bị phàn nàn là thiếu hiệu quả về mặt chi phí.

Ông Cao Thời Vượng, Phó kỹ sư trưởng của Viện Nghiên cứu Năng lượng Sạch thuộc tập đoàn Huaneng- một trong những tập đoàn sản xuất điện quốc doanh lớn nhất Trung Quốc, đang nằm trong số những “nhân tài” dẫn dắt dự án phát triển hóa chất thế hệ tiếp theo, được cho là có vai trò quan trọng trong việc thu và lưu trữ carbon.

“Khi chất hấp thụ này tương tác với CO2, nó sẽ vỡ thành hai lớp: Một lớp tập trung CO2 có thể được tách rời và xử lý, trong khi nửa còn lại có thể được sử dụng để tiếp tục thu CO2. Sử dụng hóa chất này có thể cắt giảm 40% lượng nhiệt tiêu thụ so với các phương pháp trước đây” - ông Cao Thời Vượng nói.

Giải pháp này đang được thử nghiệm tại một trong những nhà máy nhiệt điện của Huaneng. Cho đến nay, công nghệ này được áp dụng để khai thác 1.000 tấn CO2 mỗi năm.

Hiện tại, các nhà máy điện thu và lưu trữ carbon lớn nhất của Trung Quốc vẫn hoạt động dưới quy mô nhỏ, đặc biệt là so với mục tiêu xanh đầy tham vọng đạt “đỉnh” về lượng khí thải các-bon vào năm 2030 và xa hơn là hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Các dự án Công nghệ thu và lưu trữ carbon đang được khuyến khích trở thành trọng tâm trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của chính phủ Trung Quốc. Với các mục tiêu đặt ra đến năm 2030 và 2060, công nghệ thu và lưu trữ carbon hiện được kỳ vọng hướng tới "thương mại hóa và kinh tế quy mô" - chiến lược được hoạch định và sử dụng triệt để trong nhiều ngành kinh doanh, nhất là trong sản xuất.

Các nhà nghiên cứu cũng tin tưởng rằng, việc cải tiến công nghệ thu và lưu trữ carbon sẽ sớm đem lại một giải pháp thiết thực, hiệu quả không chỉ cho các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà còn cho các nhà máy xi măng, nhà máy thép và các ngành công nghiệp khác vốn cần quản lý lượng khí thải nhà kính./.

Theo CCTV, VOV