Chuyện quanh SARS-CoV-2

Cập nhật, 21:18, Thứ Bảy, 20/03/2021 (GMT+7)

Dịch COVID-19 bùng phát từ tháng 12/2019 trên phạm vi toàn cầu khiến hơn 120 triệu người mắc phải, hơn 2,6 triệu người tử vong.

Xin cung cấp những thông tin mới quanh con vi rút nguy hiểm- SARS-CoV-2. Chúng ta cùng biết để cùng nhau sống tốt trong dịch bệnh.

 

Ông John Hollis.
Ông John Hollis.

Người có thể vô hiệu hóa SARS-CoV-2

Máu của ông John Hollis được phát hiện chứa “siêu kháng thể” có khả năng vô hiệu hóa vi rút corona, ngay cả khi máu ông được pha loãng 10.000 lần.

Theo Đài BBC ngày 11/3, máu của những người như ông có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về SARS-CoV-2 cũng như cách chữa trị tiềm năng cho những người mắc bệnh.

Trước đó, khi người bạn cùng phòng của Hollis- quản lý truyền thông của ĐH George Mason tại bang Virginia (Mỹ) mắc COVID-19 vào mùa xuân năm 2020, ông tin mình cũng sẽ mắc bệnh chết người này. Ông tự nhốt mình trong phòng và lo lắng đến nỗi viết thư gửi cho con trai Davis để đề phòng bất trắc vì đã tiếp xúc gần với cậu bé.

Tuy nhiên Hollis “chờ” mãi vẫn không bị bệnh. Đến tháng 7/2020, Hollis mới biết ông là một trong số vài người có “siêu kháng thể” chống lại SARS-CoV-2 khi tình nguyện tham gia một nghiên cứu của trường.

Bác sĩ Lance Liotta, dẫn đầu các thử nghiệm lâm sàng về kháng thể tại ĐH George Mason giải thích: Hệ miễn dịch đã sử dụng các protein hình Y trong máu của ông Hollis để nhận diện và chống lại vi rút và vi khuẩn. Điều này khiến ông Hollis và máu của ông là nguồn tài nguyên có giá trị để tìm ra các phương pháp điều trị tiềm năng đối với bệnh COVID-19.

Sóng siêu âm có thể tiêu diệt SARS-CoV-2?

Các chuyên gia tại Viện Công nghệ Massachussets (MIT) đã tiến hành các nghiên cứu về cách thức tiêu diệt vi rút thuộc phân họ corona vi rút, trong đó có SARS-CoV-2.

Kết quả, nhóm đã phát hiện ra sóng siêu âm ở tần số chụp ảnh y tế thông thường có thể phá vỡ vỏ bọc và các gai protein của vi rút này trong mô phỏng thí nghiệm.

Những gai protein là bộ phận vi rút thường bám vào các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể vật chủ và kích hoạt quá trình xâm lấn RNA vi rút, tấn công tế bào vật chủ.

Nghiên cứu được các chuyên gia khoa Cơ khí của MIT thực hiện, chỉ ra loại vi rút này mẫn cảm với nhưng rung động siêu âm trong khoảng tần số sử dụng trong chẩn đoán hình ảnh y tế.

Trong các thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã mô phỏng phản ứng cơ học của vi rút với các hoạt động ở những khoảng tần số siêu âm khác nhau. Kết quả chỉ ra, những rung động trong khoảng tần số giữa 25 và 100 megahertz có thể khiến vỏ bọc và gai potein của vi rút bị vỡ thành từng mảnh trong khoảng thời gian 1 giây. Các mô phỏng cũng cho thấy trong môi trường nước hay môi trường không khí thì việc tác động sóng siêu âm ở tần số trên đều có thể phá vỡ cấu trúc ngoài của vi rút.

9 nhóm người cần trì hoãn tiêm vắc xin COVID-19

Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, được Bộ Y tế ban hành ngày 18/3 thì 9 nhóm người cần trì hoãn tiêm, gồm:

Đang mắc bệnh cấp tính.

Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan giai đoạn cuối.

Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao như prednisolon (thuốc chống viêm- khoảng trên 7 ngày) hoặc đang điều trị hóa trị, xạ trị.

Trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người mắc COVID-19.

Tiêm vắc xin khác trong vòng 14 ngày trước.

Đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.

Người trên 65 tuổi.

Giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.

Ngoài ra, 4 nhóm người cần thận trọng tiêm chủng, gồm: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống như mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút; huyết áp tăng hoặc giảm, nhịp thở trên 25 lần/phút... Những người này phải được khám sàng lọc kỹ và tiêm chủng trong  bệnh viện.

Bộ Y tế nhấn mạnh người có tiền sử phản vệ từ độ II trở lên ở lần tiêm trước hoặc với bất cứ thành phần nào của vắc xin là trường hợp chống chỉ định, buộc trì hoãn tiêm chủng. Trước khi tiêm phòng COVID-19, nhân viên tiêm chủng phải hỏi kỹ tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng của người được tiêm.

ĐÔNG PHƯƠNG (tổng hợp)