Trung Quốc giữ nước thượng nguồn Mekong?

Cập nhật, 08:20, Thứ Bảy, 27/02/2021 (GMT+7)
Các đập Trung Quốc đã giữ lại một lượng nước lớn ở thượng nguồn sông Mekong ngay cả trong mùa mưa, gây thiệt hại cho khu vực hạ lưu dù Trung Quốc có mực nước cao hơn mức trung bình. Trong ảnh: Đập thủy điện Dachaoshan trên thượng nguồn sông Mekong ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).Ảnh: AP
Các đập Trung Quốc đã giữ lại một lượng nước lớn ở thượng nguồn sông Mekong ngay cả trong mùa mưa, gây thiệt hại cho khu vực hạ lưu dù Trung Quốc có mực nước cao hơn mức trung bình. Trong ảnh: Đập thủy điện Dachaoshan trên thượng nguồn sông Mekong ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).Ảnh: AP

Theo tờ Chiang Rai Times của Thái Lan, Trung Quốc đang giữ nước tại thượng nguồn sông Mekong giữa mùa khô hạn. Một nghiên cứu của Mỹ trước đó cũng lên tiếng về đợt khô hạn bất thường ở hạ lưu sông Mekong, khiến mực nước xuống thấp kỷ lục vào tháng 7/2019.

Ông Niwat Roikaew- Chủ tịch Nhóm bảo vệ môi trường Love Chiang Khong (Thái Lan)- bức xúc nói: “Mực nước bắt đầu giảm đột ngột từ đầu tháng 1. Tất cả chúng ta đều biết rằng điều này xảy ra vì Trung Quốc đóng cửa đập”.

Ước tính khoảng 60 triệu người sống nhờ vào dòng chảy sông Mekong ở vùng hạ du. Các cộng đồng tại Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam bất ngờ vì động thái của Trung Quốc, khiến tình hình khó khăn hơn giữa mùa khô hàng năm.

Đến giữa tháng 2, tình trạng vẫn chưa chuyển biến nhiều đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi việc Trung Quốc giảm lưu lượng nước từ đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam.

Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc đã thông báo với các nước vùng hạ du sông Mekong về việc thử nghiệm tại con đập khổng lồ này vào đầu tháng 1, gần 1 tuần sau khi bắt đầu giảm lượng nước xuống còn 1.000 m3/s so với lưu lượng thông thường là 1.900 m3/s. Theo thông báo, thử nghiệm sẽ hoàn tất vào ngày 24/1. Tuy nhiên, theo Ủy hội Sông Mekong, tình trạng biến động dòng chảy của con sông đã rơi xuống mức đáng lo ngại.

Ông Carl Middleton- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội tại ĐH Chulalongkorn (Thái Lan)- cho rằng cần tăng cường hợp tác về việc điều hành dòng chảy xuyên quốc gia. Còn bà Pianporn Deetes- Giám đốc chiến dịch tại Thái Lan của Tổ chức International Rivers- chỉ trích rằng Trung Quốc tự xem dòng sông như một dòng nước và có quyền quyết định về việc sử dụng. “Nhưng đó không phải chỉ riêng của Trung Quốc, vì cần có sự điều hành với khả năng ghi nhận giá trị sinh thái và nhiều công dụng cho hàng triệu người dân địa phương”- bà phân tích.

Quan điểm của các chuyên gia này đều thống nhất với việc cần có sự chia sẻ dữ liệu nước thượng nguồn của Trung Quốc với các quốc gia ở hạ nguồn.

Một nghiên cứu của Mỹ mới đây hé lộ thêm về đợt khô hạn bất thường vào mùa mưa năm 2019. Trong thời gian đó, ngay cả khi ở hạ lưu khô hạn, thượng nguồn sông Mekong vẫn có dòng chảy lớn. Các đập thủy điện của Trung Quốc đã giữ lại lượng nước cao kỷ lục, đến mức mực nước tại Thái Lan không hề tăng trong cả 6 tháng mùa mưa 2019.

Các nhà nghiên cứu cho biết dòng chảy ở hạ lưu đã trở nên bất thường từ năm 2012- năm hoàn thành đập thủy điện lớn nhất của Trung Quốc- và ảnh hưởng hệ sinh thái và sinh kế ở hạ lưu. Họ cũng kêu gọi Trung Quốc minh bạch về dữ liệu giữ nước, xả nước ở các đập thượng nguồn, vốn đang bị giữ kín “như hộp đen”.

Nhà khoa học Alan Basist- nghiên cứu hệ thống sông Mekong vào năm 1992- chỉ ra những điểm khác biệt từ khi Trung Quốc bắt đầu xây con đập đầu tiên tại khu vực này: “Từ năm 1996 đến năm 2000, khi chỉ có một con đập được xây tại Trung Quốc, thì dòng nước vẫn chảy một cách tự nhiên trên thương nguồn cũng như ở hạ nguồn. Tuy nhiên, sau năm 2012 khi con đập lớn nhất là Nọa Trát Độ (Nuozhadu) được hoàn thành thì có một sự biến đổi lớn xảy ra; các dòng chảy không còn tự nhiên như trước đó. Vào năm 2019, lượng nước đo được hoàn toàn không tương ứng với chu kỳ tự nhiên của nguồn nước. Khi nhìn vào phần phía dưới từ vệ tinh, ta thấy một lượng nước đáng lẽ theo luật tự nhiên sẽ chảy xuống hạ nguồn đã bị mất đi”.

Ông Brian Eyler cho rằng, song song với việc minh bạch thông tin và dữ liệu, Trung Quốc cần phải thay đổi cách vận hành các đập nước để có thể cung cấp một lượng nước ổn định và mang tính công bằng với các quốc gia ở khu vực hạ nguồn sông Mekong.

Theo Eyes on Earth, trong gần 3 thập niên qua, Trung Quốc đã xây dựng và cho hoạt động tổng cộng 11 con đập lớn dọc sông Mekong và trữ một lượng nước khổng lồ. Trong khi 2 thập niên qua, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia phải chịu đựng những đợt hạn hán được cho là nghiêm trọng nhất trong lịch sử.

ĐÔNG PHƯƠNG (tổng hợp)