Các nhà khoa học hàng đầu kêu gọi sử dụng vắc xin vi rút corona toàn cầu

Cập nhật, 21:53, Chủ Nhật, 21/02/2021 (GMT+7)

 

Các nhà khoa học hàng đầu kêu gọi sử dụng vắc xin vi rút corona toàn cầu
Các nhà khoa học hàng đầu kêu gọi sử dụng vắc xin vi rút corona toàn cầu

Tạp chí Science vừa mới đăng một bài xã luận kêu gọi nỗ lực toàn cầu để phát triển một loại vắc xin vi rút corona toàn cầu có thể duy trì hiệu quả chống lại các chủng khác nhau của cùng một họ vi rút có thể lây sang người.

Wayne Koff- trưởng dự án vắc xin cho người và Seth Berkley- lãnh đạo liên minh vắc xin toàn cầu Gavi- cho biết mặc dù đại dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc, nhưng nhân loại hiện sở hữu nhiều công cụ để có thể chấm dứt nó và đang tiến hành tiêm chủng nhanh nhất chiến dịch trong lịch sử.

Họ cảnh báo: “Nhiều vi rút corona độc hại và nguy hiểm hơn đang chực chờ. Vì vậy, thế giới cần một loại vắc xin vi rút corona toàn cầu”.

SARS-CoV-2 thuộc về một nhóm vi rút đa dạng, trong đó có hàng ngàn vi rút, đặc trưng bởi vẻ ngoài giống chiếc vương miện, xuất phát từ các protein hình chóp chấm trên bề mặt của chúng. Chúng có khả năng lây nhiễm cho nhiều loại động vật, từ dơi, tê tê đến heo và chồn.

4 vi rút corona được biết đến là nguyên nhân gây ra bệnh cảm cúm thông thường ở người và trong lịch sử chúng được coi là ưu tiên nghiên cứu thấp. Điều đó đã thay đổi với đợt bùng phát SARS-CoV-1 năm 2002 giết chết khoảng 8.000 người với tỷ lệ tử vong là 10%. Vi rút corona hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) năm 2012 đã gây tử vong 34%.

Koff và Berkley đã viết rằng có nguy cơ SARS-CoV-2 có thể đột biến theo những cách khiến vắc xin hiện tại kém hiệu quả hơn- như đã thấy ở biến thể Nam Phi- hoặc thậm chí trở nên vô hiệu.

Họ cho biết: “Các hoạt động nông nghiệp hiện đại, sự tiến hóa của vi rút và sự xâm phạm không ngừng của con người đối với môi trường tự nhiên, nghĩa là ngày càng có nhiều nguy cơ con người gặp phải các quần thể động vật bị cô lập trước đây có chứa các chủng mới có khả năng gây đại dịch. Với tình trạng di cư của con người, sự gia tăng dân số, đô thị hóa, đi lại toàn cầu nhanh chóng và biến đổi khí hậu đang đẩy nhanh tốc độ lây lan, chưa bao giờ việc bùng phát thành dịch và leo thang thành đại dịch lại dễ dàng hơn”.

Tuy nhiên, những tiến bộ trong nghiên cứu y sinh, khoa học máy tính và kỹ thuật đã mở ra một kỷ nguyên mới trong khám phá vắc xin. Các siêu máy tính hiệu suất cao có thể giúp xác định các “kháng nguyên” mới- chính là các protein vi rút tạo ra các phản ứng miễn dịch, loại vắc xin sử dụng để luyện cơ thể chúng ta. Cơ sở dữ liệu về trình tự di truyền của vi rút corona có thể được sử dụng để mô hình hóa cách chúng sẽ tiến hóa và nghiên cứu cách hệ miễn dịch suy giảm theo tuổi tác có thể giúp cải thiện thiết kế vắc xin.

Các nhà khoa học cho biết: “Đây phải là một nỗ lực trên toàn thế giới. Cần có lộ trình đặt ra các vấn đề khoa học cốt lõi cũng như khuôn khổ tài trợ và chia sẻ thông tin, dữ liệu và nguồn lực”.

Họ cho biết sẽ không dễ dàng gì, nhưng “nếu chúng ta chọn chờ loại vi rút corona tiếp theo xuất hiện, thì có thể đã quá muộn, như với COVID-19”.

HẢI HUỲNH (Nguồn: journal Science)