Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

Cập nhật, 22:44, Chủ Nhật, 27/12/2020 (GMT+7)

 

Ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp góp phần tăng năng suất.
Ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp góp phần tăng năng suất.

Trong những năm qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất đã góp phần để nông dân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và nâng cao giá trị cho sản phẩm của mình. Qua đó tạo động lực phát triển kinh tế ở các địa phương.

Ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp

Trong những năm qua, Trung tâm Ứng dụng KHCN Vĩnh Long (Sở KHCN) không ngừng đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao KHCN góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo ra nông sản có chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, Vĩnh Long đang tích cực ứng dụng những thành tựu KHCN vào quá trình sản xuất để phát triển kinh tế của tỉnh.

Trung tâm đã thực hiện nhiều đề tài đã đưa vào ứng dụng thực tế tại địa phương mang lại hiệu quả rất thiết thực. Trên lĩnh vực trồng trọt đã nghiên cứu ứng dụng thành công các biện pháp kỹ thuật sản xuất cây giống sạch trong nhà lưới, nhà màng có khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng với điều kiện bất ngờ của khí hậu.

Trong khi đó, sau kết quả nghiên cứu đề tài KHCN cấp tỉnh về giá thể hữu cơ vi sinh cũng đã đưa vào ứng dụng trên nhiều loại cây trồng, nhất là các loại rau màu. Theo kỹ sư Nguyễn Hữu Dùng (Trung tâm Ứng dụng KHCN Vĩnh Long) thì nông dân quan tâm việc xây dựng các mô hình ứng dụng trên các loại rau màu, cây ăn trái thông qua các buổi tập huấn.

Nổi bật là các mô hình như trồng hẹ ở Long Phước (Long Hồ); ớt sừng vàng tại xã Tân Phú (Tam Bình); dưa leo, bí ở xã Thiện Mỹ (Trà Ôn); rau màu ở Bình Tân, Bình Minh;… đã cho năng suất cao và mang lại hiệu quả tích cực.

Cũng theo kỹ sư Nguyễn Hữu Dùng, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến nông sản trong sản xuất chế biến bột khoai lang, cao nấm linh chi, trà thảo dược linh chi, nước uống mật linh chi, trà túi lọc khổ qua rừng và chế biến thịt chà bông từ ếch, khô cá lóc,… góp phần đa dạng hóa sản phẩm chế biến nông sản tại địa phương.

“Thời gian tới, cần đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao các công nghệ bảo quản, chế biến trái cây, nông sản của tỉnh. Đồng thời khuyến khích ứng dụng các KHCN kỹ thuật cao, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân”- kỹ sư Nguyễn Hữu Dùng chia sẻ.

Góp phần xây dựng thương hiệu

Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất không chỉ là ứng dụng, sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao mà còn nhằm xây dựng thương hiệu mạnh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Những năm qua, việc chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu đã được UBND tỉnh quan tâm với nhiều đề án và danh mục nhiệm vụ KHCN.

Qua đó, Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp kết hợp với Viện Quản trị Quốc tế đã hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng chiến lược thương hiệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013- 2017, từ đó tạo thêm khả năng cạnh tranh, giúp các thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường. Từ những con số hạn chế về xây dựng thương hiệu, đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã có một số doanh nghiệp, cơ cở sản xuất đã tự khẳng định được mình.

Xây dựng thương hiệu từ ứng dụng KHCN góp phần giúp doanh nghiệp khẳng định mình trên thương trường. Ảnh minh hoạ
Xây dựng thương hiệu từ ứng dụng KHCN góp phần giúp doanh nghiệp khẳng định mình trên thương trường. Ảnh minh hoạ

Theo Th.S Nguyễn Thanh Tân- Viện trưởng Viện Quản trị Quốc tế, với đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long” được giao cho Sở KH-CN phối hợp với Viện Quản trị Quốc tế thực hiện từ tháng 6/2018 đến hết tháng 5/2020 đã giúp triển khai ứng dụng KHCN vào sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trong nước và nước ngoài.

“Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số thương hiệu được đề cử xét chọn Thương hiệu mạnh Vĩnh Long năm 2019- 2020 như gạo Phước Thành, bún Ba Khánh, bột mì Đại Nam, nước mắm Gia Hỷ, cam sành Khánh Nhân, vận tải Phú Vĩnh Long, du lịch Cửu Long, nước chấm Hòa Hiệp, chả lụa Thành Công, cơm sấy Nhật Quỳnh…”- Th.S Nguyễn Thanh Tân chia sẻ.

Theo Sở KHCN, mục tiêu hết năm 2020, có ít nhất 20 doanh nghiệp của tỉnh đạt được thương hiệu mạnh có khả năng cạnh tranh cấp vùng, quốc gia; mục tiêu cụ thể là có 80% doanh nghiệp tham gia xây dựng thương hiệu; 50% doanh nghiệp có kế hoạch phát triển thương hiệu; 50% doanh nghiệp có nhân sự chuyên trách hoạt động marketing/thương hiệu.

Bài, ảnh: CÔNG NGÔN