10 sự kiện khoa học công nghệ Việt Nam nổi bật năm 2020

Cập nhật, 22:11, Chủ Nhật, 27/12/2020 (GMT+7)

Những sự kiện này là kết quả bình chọn của hơn 60 nhà báo viết về lĩnh vực khoa học công nghệ (KH-CN) thuộc gần 25 cơ quan truyền thông đại chúng trên cả nước.

Nhóm nghiên cứu, phát triển bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2.
Nhóm nghiên cứu, phát triển bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2.

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” để Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng. Chương trình này nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

2. Những nghiên cứu thành công về SARS-CoV-2

Ngày 7/2/2020, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) đã công bố việc nuôi cấy và phân lập thành công SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm. Thành công này tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Ngày 5/3/2020, Bộ KH-CN đã tổ chức họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm (bộ KIT) realtime RT PCR phát hiện SARS-CoV-2, do Học viện Quân y chủ trì phối hợp với Công ty CP Công nghệ Việt Á thực hiện. Bộ KIT test này sau đó được Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS), đồng thời được WHO cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm cho phép lưu hành toàn cầu.

3. Xây dựng thành công công nghệ điều khiển bay và thu hồi khí cầu tầng bình lưu.

Đây là đề tài “Nghiên cứu tiếp cận công nghệ sử dụng khinh khí cầu thả ở tầng bình lưu tích hợp công nghệ trạm thu phát thông tin để giám sát, dẫn đường, tìm kiếm cứu hộ và đo đạc thông số vật lý môi trường tầng khí quyển” do PGS.TS Phạm Hồng Quang- Trung tâm Tin học và Tính toán (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) chủ trì.

4. Bàn giao bản thảo bộ Quốc sử Việt Nam

Ngày 12/11/2020, Bộ KH-CN đã tổ chức lễ tiếp nhận bản thảo Bộ lịch sử Việt Nam. Đây là sản phẩm của Đề án “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam” (còn gọi là Quốc sử) gồm 25 tập Thông sử và 5 tập Biên niên sự kiện lịch sử.

Đề án được thực hiện bởi gần 300 nhà khoa học.

5. Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị tự sản xuất

Ngày 17/1/2020, Tập đoàn Viettel đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm. Sự kiện này đánh dấu việc Việt Nam chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G. Hiện Viettel là nhà cung cấp thứ 6 trên thế giới sản xuất thiết bị này.

6. Ứng dụng Bluezone được triển khai rộng rãi

Ngày 18/4/2020, tại Hà Nội, Bộ Thông tin- Truyền thông và Bộ Y tế đã ra mắt Bluezone- ứng dụng truy vết người nghi nhiễm SARS-CoV-2. Đây là sản phẩm tập hợp trí tuệ từ nhiều nhóm phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gồm: Memozone, VNPT, MobiFone và Bkav. Đây là công nghệ tối ưu, giúp kiểm soát các tiếp xúc gần trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

7. Kè bảo vệ hồ Hoàn Kiếm bằng công nghệ bê tông cốt phi kim

Ngày 20/8/2020, tại cầu Thê Húc (hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội), Công ty CP KH-CN Việt Nam (Busadco) đã chính thức hợp long toàn tuyến, hoàn thành công trình kè bờ hồ bằng công nghệ không dùng thép với tổng chiều dài gần 1.500m

8. Các nhà khoa học Việt Nam tham gia thí nghiệm được công bố trên Nature

Lần đầu tiên, các nhà vật lý Việt Nam được tham gia đồng tác giả (khoảng 600 nhà vật lý và kỹ sư với hơn 60 tổ chức nghiên cứu đến từ 12 quốc gia trên thế giới) công bố một công trình mang tính chất đột phá với bài báo khoa học “Ràng buộc tham số pha vi phạm đối xứng vật chất- phản vật chất trong dao động neutrino” đăng trên Tạp chí Nature ngày 16/4/2020.

9. Phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh dính liền vùng chậu

Ngày 15/7/2020, gần 100 bác sĩ, nhân viên y tế từ các bệnh viện hàng đầu tại TP Hồ Chí Minh đã phối hợp phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh dính liền vùng chậu của 2 bé Trúc Nhi và Diệu Nhi. Đây là ca bệnh cực kỳ hiếm gặp trên thế giới và là ca mổ phức tạp thứ 2 mà ngành y tế thành phố thực hiện sau ca mổ Việt- Đức 32 năm trước.

10. PGS.TS Đỗ Văn Mạnh nhận Giải thưởng Sáng tạo Châu Á 2020

Ngày 30/10/2020, Quỹ Toàn cầu Hitachi đã trao chứng nhận đạt Giải nhất Sáng tạo Châu Á 2020 cho PGS.TS Đỗ Văn Mạnh- Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam). Ông được đánh giá cao về các công trình nghiên cứu phát triển ứng dụng khí sinh học tiên tiến, tận dụng bùn thải từ các nhà máy bia, nhà máy mía đường để sản xuất điện và phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch.

ĐÔNG PHƯƠNG

(Trích lược từ SGGPO)