Thế giới phải sống chung với SARS-CoV-2?

Cập nhật, 13:29, Chủ Nhật, 04/10/2020 (GMT+7)

SARS-CoV-2 có thể sẽ sống thường trực với con người và cách duy nhất để đánh bại chúng là vắc xin.

Số người chết trên thế giới vì đại dịch COVID-19 có thể lên tới 2 triệu người trong thời gian sớm.
Số người chết trên thế giới vì đại dịch COVID-19 có thể lên tới 2 triệu người trong thời gian sớm.

Ông Trương Văn Hồng- chuyên gia nổi tiếng về bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc- đánh giá, SARS-CoV-2 đã trở thành loại vi rút tồn tại “thường trực” bên con người và để mở cửa lại thế giới cần phải có
vắc xin.

Những ngày qua, ông và các chuyên gia dịch tễ học trên nhiều quốc gia đã tập trung nghiên cứu thảo luận, cho rằng với tình trạng lây lan như hiện nay, SARS-CoV-2 đã trở thành loại vi rút tồn tại “thường trực”.

Theo đó, giống như vi rút cúm mùa hay sởi..., SARS-CoV-2 cũng tồn tại thường trực, nhưng loại vi rút này lại có đặc tính riêng, rất khó chịu đối với con người.

Với quốc gia có tài nguyên y tế phong phú như Mỹ, tỷ lệ tử vong duy trì ở mức khoảng 3%, trong khi đối với quốc gia có tài nguyên y tế không mấy dồi dào như Mexico, tỷ lệ này lên tới 10,65%.

Ông Hồng cho rằng, vi rút có tỷ lệ tử vong cao thường không thể lan rộng trong thế giới loài người thời gian dài, ví dụ SARS với tỷ lệ tử vong là 10% đã biến mất rất nhanh. Tỷ lệ này ở MERS còn cao hơn và Ebola còn cao nữa, nhưng các loại vi rút này hoặc là không thể ra khỏi Châu Phi hoặc không thoát khỏi Trung Đông, còn khi đã thoát ra được thì sẽ bị tiêu diệt.

Nhưng SARS-CoV-2 hết sức đặc biệt. Loại vi rút này dường như được giới tự nhiên “thiết kế riêng” cho loài người và con người phải đối phó với sự tồn tại của nó bằng thái độ khoa học và phương thức văn minh.

Cũng theo ông Trương Văn Hồng, nhiều đại dịch do bệnh truyền nhiễm gây ra phải đợi sự chấm dứt tự nhiên hoặc sử dụng vắc xin.

Ví dụ, đại dịch năm 2009 gây ra bởi vi rút H1N1 phải nhờ vào tiêm chủng mở rộng trên toàn thế giới, khiến đến nay tỷ lệ tử vong của loại vi rút này chỉ ở mức 0,1%.

Hiện tỷ lệ tử vong do COVID-19 gây ra cho đa số các quốc gia trên thế giới là từ 3- 4%, do vậy cánh cửa thế giới rất khó để mở lại bình thường, các dịch vụ y tế liên quan đến nước ngoài cũng khó có thể được tiến hành. Cách duy nhất cho đến nay là tiêm vắc xin ngừa bệnh.

Ông kêu gọi thế giới cùng chung tay cho nỗ lực phát triển vắc xin ngừa COVID-19 thay vì tự tạo ra hàng rào ngăn cách chê bai và chỉ trích.

Kể từ ca tử vong đầu tiên ở TP Vũ Hán (Trung Quốc) ngày 10/1/2020, sau 8 tháng rưỡi, vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người trên toàn thế giới.

Nếu như mốc nửa triệu ca tử vong được ghi nhận vào rạng sáng 28/6, tức là hơn 6 tháng sau khi dịch bùng phát, cùng thời điểm số ca nhiễm vượt 10 triệu, thì chỉ 3 tháng sau, thêm nửa triệu bệnh nhân đã ra đi trong làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Đến nay, đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu khi số ca nhiễm tiếp tục gia tăng, trên toàn cầu đã là hơn 33,3 triệu.

Giới chuyên gia cảnh báo nếu thế giới không chung tay hành động và tuân thủ nghiêm những biện pháp phòng dịch đơn giản nhất, thì con số 2 triệu ca tử vong có thể đến rất nhanh.

Dù khiến hơn 1 triệu người thiệt mạng, nhưng SARS-CoV-2 vẫn còn nhiều ẩn số. Một phát hiện đến nay vẫn chưa có lời giải thích chính xác, là SARS-CoV-2 chủ yếu gây ra các ca bệnh và trường hợp nặng ở người lớn, trong khi trẻ em nếu mắc thường không bị nặng và ít tử vong.

Theo các số liệu thống kê, đối tượng tử vong chiếm phần lớn là những người cao tuổi và người có bệnh lý nền.

Khoảng 75% số ca tử vong ở Mỹ là bệnh nhân mắc ít nhất một bệnh lý nền như lao phổi, hen suyễn, béo phì hay các bệnh về tim mạch hoặc hệ thần kinh, trong khi số ca tử vong ở người dưới 21 tuổi chỉ chiếm 0,08% tổng số ca tử vong trên cả nước.

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý trong làn sóng lây nhiễm thứ hai là tỷ lệ người trẻ (bao gồm cả thanh niên và trẻ nhỏ) nhiễm bệnh tăng cao.

Những con số ảm đạm về số ca nhiễm và tử vong đã phần nào giúp cộng đồng quốc tế ý thức hơn về vai trò của việc chung tay chống dịch.

Nhiều nhà lãnh đạo đã liên tiếp kêu gọi hợp tác, chống chủ nghĩa dân tộc vắc xin, nhiều nước cũng đã cung cấp các hỗ trợ vật chất phòng dịch trực tiếp tới những “điểm nóng” của dịch, như viện trợ khẩu trang và vật tư thiết bị y tế.

ĐÔNG PHƯƠNG (Theo ĐVO)