Phương án ứng phó nếu châu chấu sa mạc vào Việt Nam

Cập nhật, 14:49, Chủ Nhật, 07/06/2020 (GMT+7)

Châu chấu sa mạc đã xâm nhập vào phía Bắc và phía Tây Ấn Độ và có nguy cơ di chuyển qua Ấn Độ xuống khu vực các nước Đông Nam Á. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình châu chấu sa mạc thế giới và khả năng sẵn sàng ứng phó của Việt Nam.

 

Châu chấu sa mạc đang tàn phá mùa màng ở các quốc gia Châu Phi, Tây Á và Nam Á.Ảnh: Reuters
Châu chấu sa mạc đang tàn phá mùa màng ở các quốc gia Châu Phi, Tây Á và Nam Á.Ảnh: Reuters

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, châu chấu sa mạc đã gây hại tại Pakistan, cuối tháng 5 đã xâm nhập vào phía Bắc và phía Tây Ấn Độ và có nguy cơ di chuyển qua Ấn Độ xuống khu vực các nước Banglades, Myanmar, Lào hoặc các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) và vào Việt Nam.

Nếu dịch bùng phát tại các khu vực kể trên, sẽ đe dọa trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp của các nước Đông Nam Á; trong đó có Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp- PTNT cho rằng, việc theo dõi sự hình thành đàn, thời gian và hướng di cư của đàn châu chấu sa mạc ở Pakistan và tình hình xâm nhập của chúng trên lãnh thổ các nước kể trên là rất quan trọng đối với Việt Nam. Bộ đặt ra 3 mốc cảnh báo: cảnh báo xa, cảnh báo gần và khi châu chấu sa mạc xâm nhập vào Việt Nam.

Cảnh báo xa là khi châu chấu sa mạc xâm nhập vào phía Nam Ấn Độ, Banglades. Trong trường hợp này, bộ sẽ tăng cường hợp tác quốc tế với Tổ chức Lương thực- Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cũng như với các quốc gia có chung đường biên giới để trao đổi thông tin thường xuyên, chính xác; thiết lập kênh thông tin với FAO, Trung Quốc, Ấn Độ để nhanh chóng nắm bắt thông tin khi châu chấu sa mạc xâm nhập vào các quốc gia này và có các phương án phòng, chống dịch kịp thời và hiệu quả.

Bộ cũng sẽ xác định các loại thuốc bảo vệ thực vật, phương tiện, phương pháp phun trừ châu chấu sa mạc; xác định khả năng sử dụng các thiết bị vô tuyến để giám sát đàn châu chấu khi đang bay; xây dựng phương án thiết lập kênh thu thập thông tin từ nhân dân, kênh báo cáo từ địa phương lên Trung ương. Đồng thời, tổ chức dự trữ thuốc bảo vệ thực vật trừ châu chấu.

Khi châu chấu sa mạc xâm nhập vào Ấn Độ hoặc gần hơn là Banglades lập tức chuyển sang chế độ cảnh báo gần. Khi châu chấu sa mạc xâm nhập vào Myanmar, Trung Quốc (Vân Nam) hoặc Lào là nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam rất nhanh chóng. Khi đó, phương án thành lập BCĐ phòng chống châu chấu sa mạc ở Trung ương và địa phương (các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc và Lào) sẽ được triển khai; đồng thời, cảnh báo, thông tin tuyên truyền rộng rãi về nhận biết châu chấu và biện pháp phòng, chống.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp- PTNT sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng sử dụng ra đa quân sự phát hiện sớm đàn châu chấu khi chúng mới di chuyển đến Việt Nam.

Trong trường hợp châu chấu sa mạc xâm nhập vào Việt Nam mà không qua các nước kể trên thì lập tức chuyển sang phương án phòng, chống trực tiếp. Bộ sẽ ra văn bản chỉ đạo phòng trừ châu chấu sa mạc đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ; cảnh báo về châu chấu sa mạc trên toàn quốc; thông tin tuyên truyền rộng rãi về nhận biết châu chấu và biện pháp phòng chống.

Về nguyên tắc dập dịch châu chấu sa mạc, bộ cho rằng, khi đàn châu chấu mới xâm nhập là châu chấu trưởng thành, di chuyển nhanh và gây hại mạnh nên áp dụng biện pháp phun bao vây bằng máy bay, nhất là các khu vực xa khu dân cư, chuồng trại, nguồn nước. Những diện tích còn lại huy động nhân lực, các loại bình phun, máy phun để phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Trường hợp châu chấu xâm nhập, đẻ trứng phải xử lý thuốc sinh học hoặc hóa học trong trường hợp châu chấu non mới nở còn co cụm và chưa bay nhảy mạnh.

Tại Việt Nam, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2020 đến nay, châu chấu tre lưng vàng đã phát sinh và gây hại diện hẹp trên tre, luồng, vầu,... tại 4 tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Ninh với tổng diện tích nhiễm là 69ha (Điện Biên: 59ha, Cao Bằng: 4ha, Sơn La: 4ha, Quảng Ninh: 2ha); tại 3 tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Ninh mật độ phổ biến 100- 200 con/m2, mật độ cao lên tới 400- 600 con/m2; cục bộ tại Cao Bằng có nơi mật độ lên tới 1.000 con/m2.

ĐÔNG PHƯƠNG (theo ĐVO)