Thuốc mới có thể đuổi hoàn toàn vi rút HIV?

Cập nhật, 09:35, Thứ Bảy, 29/09/2018 (GMT+7)

Một cơ chế làm tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại vi rút HIV đã được hoàn thiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I.

“Bệnh nhân Berlin” Timothy Ray Brown là người được cho là trường hợp duy nhất đã hoàn toàn thoát khỏi vi rút HIV.
“Bệnh nhân Berlin” Timothy Ray Brown là người được cho là trường hợp duy nhất đã hoàn toàn thoát khỏi vi rút HIV.

Tạp chí Hóa học quốc tế Molecular Therapy mới đây đã đăng tải công bố nghiên cứu của TS. y khoa David Margolis- Giám đốc ĐH Bắc Carolina (UNC) thuộc Trung tâm Điều trị HIV Hill Chapel- cho biết, một phương pháp chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh HIV đã được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I thành công và đem lại cho nhóm khoa học gia Mỹ khoản tài trợ 20 triệu USD.

TS. David Margolis cho biết, thuốc chữa HIV này là một liệu pháp miễn dịch, tức nó đóng vai trò một yếu tố kích thích hiệu quả giúp hệ miễn dịch cơ thể “vùng lên” và đánh bại căn bệnh. Thuốc chữa HIV mới có điểm đặc biệt là đánh thức các tế bào HIV “ngủ đông”, dẫn dụ chúng ra khỏi nơi ẩn nấp để rồi bị tiêu diệt hoàn toàn bằng hệ miễn dịch.

“Điều này mở đường cho bước tiếp theo, đó là kết hợp phương pháp điều trị miễn dịch với liệu pháp “đảo chiều trễ”, để đánh thức HIV khỏi trạng thái “vô hình” trước hệ thống miễn dịch. Sau đó đẩy nó ra với liệu pháp miễn dịch”- TS. David Margolis nói.

Liệu pháp miễn dịch đang là hướng đi mới được nhiều nhà khoa học ứng dụng trong các phương pháp điều trị các bệnh nan y khác, ví dụ như ung thư. Phương pháp này thúc đẩy cơ chế thu thập các tế bào miễn dịch từ bệnh nhân, nhân rộng chúng trong phòng thí nghiệm và sau đó cấy lại cho bệnh nhân để giúp tiêu diệt các tế bào ung thư.

Với các phương pháp trước đây, tế bào HIV “ngủ đông” dường như là bất khả xâm phạm bởi không cách gì tìm kiếm và đánh bại. Điều này dẫn đến việc bệnh nhân không bao giờ thoát khỏi căn bệnh cho dù thuốc có giúp đưa bệnh về trạng thái
ổn định.

Việc điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) trước nay được coi là điều trị đặc hiệu bởi nó làm ức chế sự nhân lên của vi rút do đó duy trì được lượng vi rút thấp nhất trong máu và duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch chưa bị suy giảm, người nhiễm không có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc chỉ mắc ở mức độ nhẹ.

Trong trường hợp hệ miễn dịch của người nhiễm HIV đã bị suy giảm, nhờ ARV kiềm chế sự nhân lên của HIV, hệ miễn được phục hồi trở lại, đồng thời làm giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV. Từ đó, giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khỏe mạnh, lâu dài như mọi người.

Còn với loại thuốc mới mang tên HXTC của TS. David Margolis, vi rút HIV có khả năng bị đẩy ra hoàn toàn khỏi cơ thể người. Trong giai đoạn 1 của nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiêm 2 liều HXTC cho 6 người nhiễm trong vòng 2 tuần đang sử dụng thuốc ARV. HXTC truyền được an toàn và được phản ứng tốt. Chỉ có 2 người tham gia bị sốt nhẹ và đau cơ nặng cấp 1, sau đó tự chống đỡ được. Tất cả các tác dụng phụ khác không được coi là có liên quan đến truyền dịch.

TS. Margolis cho biết ông và các cộng sự hy vọng có thể tạo ra thêm nhiều “bệnh nhân Berlin” nữa. “Bệnh nhân Berlin” là một người đàn ông Mỹ tên Timothy Ray Brown- người duy nhất được y văn ghi nhận là được chữa khỏi HIV. Ông Brown đồng thời bị ung thư máu và được chữa bằng cách ghép tủy, điều này vô tình kích hoạt hệ miễn dịch của ông và nó đã chiến thắng luôn căn bệnh HIV một cách kỳ diệu.

Tuy nhiên, sau đó, khi các nhà khoa học nỗ lực lặp lại điều kỳ diệu trên 6 bệnh nhân HIV giai đoạn cuối, nó không hiệu quả và cả 6 người đã chết trong vòng 1 năm sau khi ghép tủy. Vì thế, thuốc chữa HIV mới này kỳ vọng đưa đến một cách tiếp cận liệu pháp miễn dịch an toàn hơn và trúng đích hơn.

Phương pháp điều trị của TS. David Margolis đã được chứng minh là thành công trong điều trị ung thư liên quan đến vi rút và nhiễm trùng sau khi cấy ghép tế bào gốc tạo máu.

Ngay sau khi công bố, các nhà khoa học đã lập tức nhận được tài trợ từ hãng dược phẩm GlaxoSmithKline: họ sẽ cung cấp 4 triệu USD/năm trong vòng 5 năm, tức tổng cộng 20 triệu USD để hỗ trợ nhóm nghiên cứu biến ý tưởng thành hiện thực.

ĐÔNG PHƯƠNG (theo ĐVO)