Xây dựng và phát triển thương hiệu: Yếu tố "cần" để đứng vững

Cập nhật, 06:46, Thứ Sáu, 28/09/2018 (GMT+7)

 

Nhãn hiệu tập thể góp phần nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. Trong ảnh: Cánh đồng khoai lang Bình Tân.
Nhãn hiệu tập thể góp phần nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. Trong ảnh: Cánh đồng khoai lang Bình Tân.

Nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của thương hiệu và sở hữu trí tuệ, trong những năm qua, Sở Khoa học- Công nghệ (KH-CN) đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nhiều chương trình hỗ trợ

Theo Sở KH-CN, trong những năm qua, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản mang tính chỉ đạo, định hướng, với những nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, khai thác và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước.

Các chương trình hỗ trợ như: Phát triển tài sản sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp giai đoạn 2006- 2010, 2011- 2015; Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long;…

Theo ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở KH-CN, các chương trình trên nhằm nâng cao ý thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh và tạo lập, quản lý và khai thác có hiệu quả nguồn lực sở hữu trí tuệ, tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu của tỉnh kết hợp với việc phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp, tổ chức, các huyện- thị- thành trên cơ sở phát huy các thế mạnh, năng lực cạnh tranh với đặc thù riêng.

Qua đó nâng cao giá trị hình ảnh của tỉnh, doanh nghiệp, tổ chức, song song với nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường…

“Kế hoạch cũng đặt ra chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 có ít nhất 20 doanh ngiệp, tổ chức thuộc nhóm các thương hiệu mạnh trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ theo các tiêu chí bình chọn có khả năng cạnh tranh cấp vùng và quốc gia”- ông Nguyễn Trọng Danh chia sẻ.

Để thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, Sở KH-CN cũng đã cùng các sở, ban ngành và địa phương có liên quan triển khai chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2016- 2020; dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2016- 2020” của UBND tỉnh.

Đồng thời UBND tỉnh cũng phê duyệt cho phép triển khai 2 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh gồm: Xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long; Xây dựng thương hiệu tỉnh Vĩnh Long.

Theo ông Nguyễn Trọng Danh, chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Vĩnh Long (giai đoạn 2011- 2017) đã hỗ trợ chi phí đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 145 nhãn hiệu, 21 kiểu dáng công nghiệp, 4 bằng sáng chế.

Trong đó có 6 nhãn hiệu tập thể được chứng nhận. Hiện còn 7 nhãn hiệu tập thể đang hoàn thiện hồ sơ chờ cấp giấy chứng nhận. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.124 văn bằng xác lập sở hữu công nghiệp…

Sở hữu trí tuệ- sở hữu chất xám

Sở hữu trí tuệ hiện nay đã và đang được nhiều cá nhân, tập thể, doanh nghiệp và các đơn vị chú trọng. Qua đó, việc quản lý và phát triển nguồn lực tài sản trí tuệ đã góp phần lớn vào năng lực cạnh tranh và mở rộng thị phần, thu hút và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Hoàng Sơn- Giám đốc Công ty TNHH- Sản xuất- Thương mại Hoàng Sơn Vĩnh Long- cho biết, sở hữu trí tuệ là sở hữu chất xám của sự mày mò sáng tạo và gìn giữ bản sắc riêng của mình.

Ông Đặng Hoàng Sơn (bìa phải) quan sát quy trình sản xuất thiết bị tiết kiệm nhiên liệu.
Ông Đặng Hoàng Sơn (bìa phải) quan sát quy trình sản xuất thiết bị tiết kiệm nhiên liệu.

Ông Đặng Hoàng Sơn được biết đến là người sáng chế ra thiết bị tiết kiệm xăng dùng cho xe máy, hiện đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH- CN) cấp bằng sáng chế độc quyền thiết bị tiết kiệm nhiên liệu cho động cơ.

Trong quá trình nghiên cứu và sáng tạo, sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu của ông Đặng Hoàng Sơn phải trải qua nhiều lần cải tiến, thử nghiệm gắt gao, mà ở đó cũng có nhiều sản phẩm tương tự được nghiên cứu.

Thế nhưng, cuối cùng sản phẩm của ông đã vượt qua tất cả quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, được công nhận và cấp bằng sáng chế độc quyền. Đây là sản phẩm được kiểm chứng giúp cho xe máy tiết kiệm từ 12,5- 46%. Hiện nay, mỗi tháng đơn vị này cung ứng ra thị trường hơn 6.000 bộ tiết kiệm nhiên liệu.

“Khi bộ tiết kiệm nhiên liệu được công nhận và được người tiêu dùng đón nhận, tôi rất vui vì mình đã làm được, biến sự đam mê trở thành hiện thực.

Qua đó, khi sản phẩm được cấp giấy sáng chế độc quyền thì mình cũng yên tâm nghiên cứu cải tiến thêm và không sợ bị cướp mất đi chất xám ở cả trong và nước ngoài. Bản thân cũng đã từng rơi vào trường hợp những sáng chế của mình bị sao chép do không có đăng ký sở hữu trí tuệ…”- ông Hoàng Sơn chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Trọng Danh, song song với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hiện nay, ngành cũng đang tập trung vào hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, bởi đây là thế mạnh của tỉnh khi có nhiều sản phẩm đặc trưng và phải có sự giúp đỡ của Nhà nước mới có thể đẩy các thế mạnh này lên tầm cao mới.

“Trong nhiều năm qua, các hoạt động KH- CN, sở hữu trí tuệ,… của tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về xây dựng, quản lý và phát triển nguồn lực tài sản trí tuệ của tỉnh. Qua đó giữ gìn và phát huy các giá trị về lịch sử, văn hóa và danh tiếng của tỉnh Vĩnh Long, các đặc thù về chất lượng hàng hóa, dịch vụ của địa phương…”- ông Nguyễn Trọng Danh cho biết.

6 nhãn hiệu tập thể đã được chứng nhận gồm: Sản phẩm bánh tráng Cù lao Mây; Làng nghề truyền thống hoa kiểng Phước Định; Hội nghề Gốm Mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Long; Hội ngành nghề Dưa cải muối chua Tân Định; Cam sành Tân Hội; Khoai lang Bình Tân.

Bài, ảnh: NGUYỄN DUY