Truyện ngắn

Nghiệp đời dưới lòng sông

Cập nhật, 20:01, Thứ Bảy, 13/08/2016 (GMT+7)

 

  • ™LÊ QUANG TRẠNG

Ông Hai Đen dụi điếu thuốc rê, tay cầm chén nước mắm uống một hơi một rồi gắn cái neo nặng trịch vào giữa bụng. Ông cầm cọng dây hơi đưa vào miệng rồi lặn xuống đáy sông.

Đây là lần đầu tiên tôi theo ông Hai Đen ra sông xem ông lặn tìm xác người chết đuối. Nhưng, ông cũng không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu trong cuộc đời hơn ba mươi năm lặn dưới lòng sông của mình.

Kể ra cái nghề thợ lặn đến với ông Hai Đen cũng có nhiều điều kỳ lạ. Năm ông hai mươi mốt tuổi, mùa nước nổi về, con sông tràn nước vào kinh rạch, tràn vào đồng ruộng. Mênh mông trong mắt người dân những nỗi lo toan không đầu không cuối. Con nước lần này hung hăng nhấn chìm người vợ thân yêu của ông.

Con nước đã cuốn vợ Hai Đen trong ngày ăn thôi nôi đứa con trai đầu lòng của ông bà. Bầu trời đã ngả màu đen của mưa, bây giờ lại thêm màu đen của tang tóc, trùm kín cả không gian trên đầu ông Hai.

Cả xóm ông xôn xao. Trai tráng và những người dài hơi đều ra sức lặn hụp mò tìm xác người xấu số. Nhưng cả buổi trời mà vẫn không tìm được. Ông Hai nóng lòng nên nhảy xuống mò. Lạ thay, đến hơi thứ hai thì ông mò trúng vợ. Bà bị nước xoáy mắc kẹt trong đám chà mới chất.

Nỗi đau mất vợ và nỗi đau trước con thơ không có mẹ khi còn trong tuổi ôm ấp trên tay khiến ông không cầm lòng được. Đến khi thằng con trai lên ba tuổi, ông bán nhà, rồi mua một chiếc ghe chài, hàng ngày rong ruổi suốt mọi ngõ ngách của đoạn sông này để mưu sinh.

Ông làm đủ mọi nghề hạ bạc, từ giăng câu, đặt lờ đặt lọp đến mò tàu bè chìm và cả mò xác người chết. Dẫu đang giăng lưới ở giữa sông, nghe tin người chết đuối dưới sông, ông liền tới nơi mò kiếm tiếp. Những lần bị cá đâm, bị mất hơi nửa chừng giúp ông tích lũy kinh nghiệm.

Vậy là, ông sắm một cái neo đeo vào người khi lặn. Ông dựa vào con nước chảy so với chiếc neo để định hướng đâu là vào bờ đâu là ra đáy sông để theo đó mà tìm vật.

Muốn lặn lâu dài thì ông phải ngậm theo một cọng dây dẫn từ máy thổi hơi đặt ở trên bờ. Máy thổi chỉ đơn giản là một chiếc máy dầu có hai pít- tông đẩy hơi cho ra một cái vòi. Trước khi lặn, ông Hai Đen thường uống một ngụm nước mắm để đỡ lạnh.

Người bình thường khi lặn xuống sâu khoảng hai đến ba mét sẽ cảm thấy nhức hai tai do áp suất của nước. Còn ông, khi lặn thấy nhức tai, ông bịt lỗ mũi và thở mạnh ra, cảm giác thấy một luồng hơi từ lỗ tai ra ngoài. Lúc ấy, ông Hai Đen có thể lặn sâu hai ba mươi mét mà vẫn không cảm thấy đau tai.

Thằng con trai ông mười tám tuổi, mà đã có gần mười lăm năm theo cha lênh đênh trên sóng nước. Nó biết lội ngay từ nhỏ và cũng tập tành lặn theo cha. Nhưng chủ yếu nó lặn gỡ lưới khi giăng câu mắc phải chà dưới đáy sông.

Còn việc lặn lấy xác thì nó không dám. Hình ảnh những cái xác lạnh ngắt, sình ươn nằm cứng đơ khi vớt lên bờ, những đốm máu ọc ra từ miệng người chết làm nó ám ảnh.

Mỗi lần lặn xuống sông, cái lạnh của nước và những ý nghĩ về những cái xác chết làm nó rùng mình. Ông Hai Đen không ép con theo nghề, ông nói, “cái nghề gắn với cái nghiệp, nó không có nghiệp với nghề này rồi, chú à!”

Mới đó mà đã hơn nửa tiếng đồng hồ. Ông Hai Đen nhú đầu lên khỏi mặt nước. Để cái neo lên ghe xong, ông kéo cái xác thằng nhỏ chết ngạt hôm qua vào bờ. Người ta đứng nghẹt cả bờ. Khi cái xác tới bờ cũng là lúc ông Hai lui ghe.

Người đàn bà trạc ngoài sáu mươi chạy theo xuống ghe nhét vào tay ông Hai tờ giấy bạc năm trăm ngàn đồng. Ông Hai một mực không lấy. Người đàn bà ra dấu với đứa con khiêng xuống ghe một bao gạo và hai thùng mì.

Ông Hai nhìn bà rồi cúi đầu cảm ơn. Ông lui ghe mà mắt vẫn nhìn theo cái xác thằng nhỏ nằm trên bờ. Mắt ông đỏ ngầu, nước mắt hay nước sông lăn dài trên khuôn mặt đen sạm vì nắng gió cuộc đời?

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Mấy hôm sau đó, có chiếc ca nô chở mấy người Mỹ ghé lại bên ghe ông. Người đàn bà có mái tóc đã bạc màu bước qua ghe ông Hai. Bà khóc mếu, quỳ xuống bên ông như van xin một điều gì thiêng liêng lắm. Ông ngạc nhiên đỡ người đàn bà ngồi dậy. Người thông dịch nói:

Dạ thưa chú, đây là vợ người lính Mỹ chết trận trong chiến hạm chìm dưới đáy sông này. Bà ta đã sang Việt Nam nhiều lần, đã mướn nhiều thợ lặn chuyên nghiệp lặn tìm hài cốt chồng nhưng không được. Cô bán cá bên chợ chỉ ra đây tìm chú. Họ rất mong chú lặn tìm hài cốt người lính Mỹ đó. Chú…

Ông Hai Đen ngước mặt nhìn rồi lắc đầu:

- Tui hông biết chiếc tàu đó ở đâu đâu mà tìm. Mấy người tìm người khác đi.

Van xin mãi mà ông Hai vẫn không đồng ý giúp, mấy người Mỹ vào bờ mướn một cái nhà trọ ở. Hàng ngày, họ vẫn đứng ở bến sông nhìn theo chiếc ghe chài của ông như vẫn còn đang hy vọng ông sẽ giúp đỡ.

Đêm đó gió lặng, ông hút mấy hơi thuốc rồi thả tàn thuốc rớt xuống sông, tàn thuốc xòe một cái rồi chìm mất. Ông kêu thằng con trai ra mũi ghe, rồi kể:

Hồi cha còn nhỏ, nhỏ lắm, lính Mỹ tràn vào xứ mình. Một buổi sáng, chúng chạy tàu từ đầu đến cuối cù lao, xả súng lên bờ.

Từ sáng tới trưa hôm đó, cù lao mình chết gần trăm người dân vô tội. Dòng họ mình chết hết, chỉ còn cha và bà nội. Rồi bà nội cũng bị miểng đạn lạc chết. Khi đó, cha mới mười lăm tuổi. Bởi vậy, để tụi nó rục thây dưới đáy sông này là vừa mạng rồi.

Thằng con ông Hai rơi nước mắt nhìn cha rồi cả cha lẫn con đều im lặng. Đêm đó, ông Hai gần như thức trắng. Dòng sông nổi sóng nhẹ vỗ vào mạn nghe như cũng mang vào mình một chút lòng thương cảm.

Chiến tranh là một cuộc đẫm máu, mà bên nào cũng có người bỏ xác. Có những người lính chết mà không biết tại sao mình phải chết trên dòng sông này- dòng sông của những người dân hiền lành, chỉ muốn được bình yên để giăng câu thả lưới…

Mặt trời vừa nhú lên những tia nắng đầu tiên, ông Hai kêu con thức dậy, vào bờ. Thằng con theo lời cha đi vào ngôi nhà có những người Mỹ trọ ở đó. Nó nói cha nó đã đồng ý lặn tìm chiếc tàu chiến, mời họ ra sông chứng kiến.

Đoàn người Mỹ đi ca nô ra. Người đàn bà và những đứa con cháu vẫn không cầm được nước mắt. Ông Hai làm họ ngạc nhiên vì cách lặn không giống như những người thợ lặn họ từng thấy bao giờ. Ông lặn hai ba lần mới mò tới được chiếc tàu.

Ông vớt lên mấy mảnh xương vụn nằm trong bọc nilon dính trong lớp cát phù sa và vụn sắt. Trong số đó xương là đồng đội và chồng người đàn bà Mỹ. Khi cố lặn lại lần cuối để tìm cho kỹ hết số xương và kỷ vật thì đến chiều mà vẫn không thấy ông Hai lên bờ.

Biết là đã có chuyện bất trắc xảy ra. Mấy người thợ lặn ở khúc sông hay tin và đã đến ngay sau đó. Họ lặn theo dấu dây máy thổi hơi nhưng không thể nào xuống sâu tới đáy sông được.

Bây giờ thằng con ông đã biết thực sự cái cảm giác người thân bị mất dưới con sông. Nó đau đớn một nỗi đau tột cùng mà không ai có thể nói ra bằng lời được. Nóng lòng, cuối cùng thằng con ông Hai Đen nhảy xuống, ngậm cọng dây và làm theo những gì cha dạy. Nó lặn mấy hơi tới đáy sông và buột dây vào xác cha.

Khi kéo lên, ông Hai mắt đỏ ngầu, thân thể cứng ngắc, tay vẫn đang trong tư thế cố tháo chiếc neo buột ở eo ra. Chiếc dây hơi đã bị đứt nửa chừng, và ông Hai Đen đã không kịp tháo chiếc neo ra. Ông đã ở lại với vợ ông, với những sinh linh ông từng cứu vớt, với con sông cả đời ông gắn bó đến lúc tàn hơi…

Thằng con ông Hai Đen mắt đỏ ngầu, ngồi trước mũi ghe. Mắt nó đăm đăm nhìn vào chiếc neo của cha. Bình nước mắm vẫn còn đầy, dòng sông đã vào mùa nước nổi, tiếng máy thổi hơi như đang văng vẳng bên tai…