Chén chè ỷ cúng tiễn Ông Táo "chầu trời"

Cập nhật, 16:36, Thứ Hai, 01/02/2016 (GMT+7)

 

Không biết tự bao đời nay, dân gian truyền nhau câu ca dao đầy ý nghĩa: Cu kêu ba tiếng cu kêu kêu/ Trông mau tới tết dựng nêu ăn chè.Trong phong tục đón Tết, kể từ ngày 23 tháng Chạp, người Việt không thể thiếu nghi thức cũng tiễn Táo Quân “chầu trời”.

Với người dân Việt, dù ở khắp mọi miền đất nước, đến ngày 23 tháng Chạp, các gia đình đều có làm mâm đồ cúng để tiễn ông Táo “chầu trời”.

Khác với mâm cỗ cúng Táo quân ở các nơi khác, người miền Tây thường nấu chè để cúng. Để cúng ông Táo, người ta thường hay nấu chè sôi nước (có người gọi là trôi nước). Nếu đơn giản hơn thì chỉ nấu chè nếp với đậu trắng, nước cốt dừa cũng được.

Chè sôi nước công phu hơn. Khi bước vào tháng Chạp, nếp gặt về sau khi được xay giã, người ta lựa nếp rặt đem ngâm qua đêm, tẻ mấy nước cho sạch rồi dằn nhuyễn, phơi khô, vô keo để dành. Đến ngày cúng ông táo, bột được đem ra nhồi với nước âm ấm cho vừa vò.

Đậu xanh cà ngâm rồi đãi (gút) sạch vỏ, nấu nhừ, trộn thêm ít xác dừa khô bằm nhuyễn cho béo. Nêm muối hành vừa ăn rồi vo thành những viên tròn cỡ đầu ngón chân cái, dùng bột nếp áo bên ngoài. Bột nếp còn dư, được vò thành những viên tròn nhỏ cỡ đầu ngón tay cái không có nhưn đậu bên trong, dân gian gọi là chè ỷ.

Những viên chè vò tròn vo được thả vô nồi nước nấu sôi để luộc. Trút chè ra, bỏ nước luộc ấy cho bớt nhựa nếp. Bắc nồi nước đường lên bếp nấu sôi mới thả những viên chè đã luộc vào. Chờ những viên chè nổi bồng bềnh, thả thêm gừng xắt chỉ vào nữa là xong.

Người ta thường múc ra mỗi chén ba viên lớn, năm viên chè ỷ rồi rắc thêm ít đậu phộng rang đâm nhuyễn, chan nước cốt dừa trắng tươi lên mặt, dọn ra mâm cúng Táo Quân. Để cho mâm cúng thêm màu sắc, khi nhồi bột làm chè ỷ, nhiều nhà còn sử dụng lá cẩm, lá dứa… để tạo màu.

Lễ vật cúng ông Táo còn có thêm tàu bay, ngựa chạy bằng giấy vàng mã, có nhà còn chuẩn bị hai cây mía để nguyên đọt, buộc gút ở ngọn, dân gian gọi là  gậy ông Táo để ông Táo dọc đường có khát thì bẻ ăn. Đối với người Hoa, người ta còn cúng thêm thèo lèo (trà liệu), hoặc bánh tai dé (bánh bao nhưn ngọt).

Ý nghĩa của các món cúng cũng được dân gian lý giải rõ ràng. Cần biết thêm, người miền Tây thờ ông Táo nhưng không có nhiều cảm tình với vị thần này.

Chè trôi nước còn mang hàm ý mong cho năm mới sắp tới mọi việc sẽ trôi chảy, công chuyện đồng áng luôn gặp nhiều thuận lợi…

Khi nhang tàn nửa cây, gia chủ mới lui mâm và cũng là lúc lễ tiễn đưa ông Táo đã xong. Mọi người cùng ăn chén chè ngọt lịm rồi nhanh tay làm những công việc cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị đón một năm mới với nhiều may mắn và hạnh phúc.

Theo http://danviet.vn/que-nha/chen-che-y-cung-tien-ong-tao-chau-troi-658663.html