Để kéo giảm khiếu kiện về đất đai

Cập nhật, 15:31, Thứ Năm, 31/05/2012 (GMT+7)


Khi dân chưa đồng thuận thì tìm đất sạch cho nhà đầu tư rất nhiêu khê.

Vừa qua, thực hiện kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai tại huyện Long Hồ, TP Vĩnh Long, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Vĩnh Long. Tại các buổi giám sát, nhiều ý kiến, kiến nghị của đại biểu và địa phương được đoàn ghi nhận.

Tình hình đơn thư khiếu nại tố cáo

Như đánh giá chung của cả nước và của tỉnh, Long Hồ là huyện cũng có số đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến thực hiện chính sách pháp luật về đất đai, chiếm 70% tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo và có nhiều vụ việc kéo dài. Từ tháng 7/2004 đến nay, TP Vĩnh Long đã tiếp nhận 1.275 đơn và đã đưa ra giải quyết 1.275 đơn thuộc thẩm quyền. Trong đó, đơn thư khiếu nại, tranh chấp 1.266 đơn, tố cáo 9 đơn, 1 trường hợp khiếu nại đông người. Thống kê của UBND tỉnh Vĩnh Long, trong thời gian nói trên, tại cơ quan nhà nước cấp huyện, thành phố và Văn phòng UBND tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 3.200 đơn khiếu nại, tố cáo về đất đai thuộc thẩm quyền. Trong đó, khiếu nại, tranh chấp 3.186 đơn, tố cáo 64 đơn (chủ yếu khiếu nại cán bộ, công chức khi thực hiện công vụ, thái độ tiếp dân không chuẩn mực, xác minh thụ lý đơn không trung thực, làm chậm quá hạn luật định,…) có 34 vụ khiếu nại đông người. Riêng huyện Long Hồ cũng như TP Vĩnh Long giữ vị trí vành đai và là trung tâm, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh đang trong giai đoạn chuyển mình phát triển mạnh mẽ cùng cả nước. Do đó, việc biến động trong sử dụng đất đai có liên quan đến pháp luật và có sự tranh chấp, khiếu kiện xảy ra là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, nếu số vụ khiếu kiện về đất đai của công dân liên quan đến pháp luật chiếm tỷ lệ 70% tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo và nhiều vụ khiếu kiện kéo dài thì không thể xem là bình thường. Từ những thực tế và nhận định nêu trên, tại các buổi giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các thành viên của đoàn đã nêu ra nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị với mục tiêu làm thế nào để kéo giảm các vụ khiếu kiện liên quan đến chính sách pháp luật về đất đai trong thời gian tới.

Để kéo giảm các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai

Theo ông Nguyễn Văn Lượng- Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, pháp luật của Nhà nước ta sửa đổi liên tục, chồng chéo không sát thực tế và còn nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Vì vậy, việc giải quyết theo quan điểm chỉ đạo chung của Đảng và Chính phủ trong giải tỏa bồi thường tái định cư cho dân về nơi ở mới từ bằng tới hơn chỗ cũ đang còn khoảng cách lớn, dẫn đến người dân chưa yên tâm khi bị Nhà nước giải tỏa thu hồi đất và trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ khiếu kiện kéo dài khá phức tạp. Do đã qua, còn nhiều dự án chưa được công khai tốt, chưa làm đầy đủ các thủ tục và công bố giá đất rộng rãi ra dân. Vấn đề này theo ông Nguyễn Văn Lượng, cần tham mưu, cái nào thuộc thẩm quyền tỉnh, cái nào thuộc thẩm quyền Trung ương phải được xác định rõ hơn. Ông đề xuất: Về giá đất, tỉnh ban hành giá đất tương đối thấp hơn giá thị trường– không thể bằng được. Khi có dự án triển khai, đương nhiên có khiếu kiện. Cho nên chúng ta nên có hướng khác, đó là “chính sách cho các dự án”, làm sao bù đắp được tương đối thiệt hại cho dân, đảm bảo bằng hoặc tốt hơn.

Quan tâm vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sao- Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, đề nghị Chính phủ cho ổn định tổ chức bộ máy về quản lý đất đai tại các địa phương và cơ sở; nâng cao năng lực cán bộ tiếp dân trực tiếp giải quyết khiếu nại về đất đai và có thể có chính sách “chi đặc thù” cho đối tượng này sẽ “lời hơn” khi phải lập đoàn đi giải quyết khiếu nại kéo dài; tăng cường các hình thức tiếp xúc cử tri của đại biểu nhân dân các cấp là kênh thông tin giúp HĐND và Quốc hội hiệu chỉnh kịp thời các chính sách, pháp luật về đất đai.

Ông Roãn Ngọc Chiến- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn hoặc nhà đầu tư phải chia lợi nhuận cho người bị thu hồi đất khi dự án đó có lãi. Ông Nguyễn Việt Thanh- Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long kiến nghị nên tăng thẩm quyền cho UBND tỉnh điều chỉnh giá đất hợp lý trong từng dự án và xác định giá đất đúng với mục đích sử dụng đất của dân để tính giá bồi thường. Ông Nguyễn Văn Nhỏ- Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long cho rằng, trong từng dự án, công tác tuyên truyền vận động thuyết phục người dân thời gian qua chưa thật sự hiệu quả nên sự đồng thuận không cao, cần rút kinh nghiệm.

Qua nhiều ý kiến, kiến nghị xác đáng của các thành viên đoàn giám sát tại các địa phương, đơn vị nói trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Bình- Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đề nghị tỉnh và các địa phương quan tâm bồi dưỡng, tuyển chọn cán bộ hiểu và nắm vững chính sách pháp luật về đất đai để tiếp xúc giải quyết những bức xúc cho dân. Về chính sách đất đai, cán bộ không thể hiểu lơ mơ, làm lơ mơ– ông nói. Và ông cũng ghi nhận những vấn đề còn bất hợp lý trong thực hiện, giải quyết chính sách pháp luật về đất đai, nhất là trong bồi thường, giải tỏa, thu hồi đất, tái định cư cho dân để kiến nghị đến Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Đất đai cũng như các chính sách thu hồi đất trong thời gian tới phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

“Để phát triển kinh tế- xã hội, ta đã xác định củng cố cơ sở hạ tầng là khâu đột phá, tất nhiên phải thu hồi đất theo quy hoạch. Nhưng phải làm hài hòa để đừng nảy sinh thêm khiếu kiện đất đai, có mâu thuẫn phải giải quyết thỏa đáng, phù hợp” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Bài, ảnh: TRẦN ÚT