Tập trung huy động mọi nguồn lực cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Cập nhật, 23:58, Thứ Năm, 11/02/2021 (GMT+7)

Năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026… Năm 2021 cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, để tạo đà và động lực giúp toàn Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà bước vào một giai đoạn phấn đấu mới của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nhân dịp chào đón năm Tân Sửu 2021, chúng tôi có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- về những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh sẽ tập trung triển khai  thực hiện trong năm mới này. 

* Trong năm 2020, Vĩnh Long đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020- 2025), xin đồng chí đánh giá sơ nét về kết quả Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI?

Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Rón: Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020- 2025), diễn ra từ 23- 26/9/2020 với sự tham dự của 348/349 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 42.500 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Đại hội đã tập trung đánh giá kết quả 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng với những thành tựu to lớn đạt được, những bài học quan trọng được đúc kết của toàn Đảng bộ và nhìn nhận rõ hơn những khó khăn, thách thức trong thời gian tới.

Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua: Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm của BCH; Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện của Trung ương, của tỉnh và đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh với 24 chỉ tiêu chủ yếu và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sát hợp tình hình thực tiễn. Đại hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Với tinh thần dân chủ, công tâm, khách quan, trách nhiệm cao trước Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà, đại hội đã bầu BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020- 2025 gồm 49 đồng chí, trong đó có 7 đồng chí nữ, chiếm 14,3%; 2 đồng chí có độ tuổi dưới 40, chiếm 4,1%; dân tộc 1 đồng chí, chiếm 2%; 100% có trình độ đại học và sau đại học; 100% có trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị.

Tại phiên họp đầu tiên, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XI đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm: 15 đồng chí; đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khóa X- tái đắc cử chức danh Bí thư Tỉnh ủy khóa XI; đồng chí Bùi Văn Nghiêm và đồng chí Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa X- tái đắc cử chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XI.

Bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy 9 đồng chí, bầu đồng chí Phạm Văn Bé Tư giữ chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.

Đại hội bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gồm 17 đồng chí đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết. Đây là những đồng chí tiêu biểu cho trí tuệ của Đảng bộ và ý chí, nguyện vọng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh; có khả năng đóng góp vào thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

* Xin đồng chí cho biết những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá mà đại hội đã thông qua để triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ mới?

- Với phương châm chỉ đạo xuyên suốt là: “Dân chủ- Kỷ cương- Đoàn kết- Đổi mới- Phát triển”, đại hội khẳng định quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu: “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh; huy động mọi nguồn lực, đổi mới, sáng tạo, đưa tỉnh Vĩnh Long phát triển nhanh và bền vững” đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để Vĩnh Long bứt phá nhanh hơn trong thời gian tới.

Về mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020- 2025, BCH Đảng bộ tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo để đưa Vĩnh Long từ tỉnh có trình độ phát triển khá trong khu vực ĐBSCL trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ 8 nhóm nhiệm vụ cơ bản, 3 khâu đột phá và tiếp tục thực hiện 6 chương trình hành động chuyên đề của Đại hội nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra, với 7 lĩnh vực trọng điểm, đó là:

1. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng và năng suất cao.

2. Tập trung phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa, tâm linh, làng nghề truyền thống và du lịch nghỉ dưỡng.

3. Đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông, trọng tâm là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới.

4. Xây dựng TP Vĩnh Long trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh.

5. Tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh đáp ứng yêu cầu phát triển.

6. Phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân.

7. Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, điều hành ở các cơ quan quản lý công và khu vực doanh nghiệp.

Để thực hiện đạt mục tiêu đó, đại hội thống nhất đề ra 3 khâu đột phá nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, có tính quyết định trong giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt của sự phát triển:

Một là, phát triển nguồn nhân lực phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và lao động có tay nghề cao.

Hai là, tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp và du lịch.

Ba là, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch.

Tỉnh xác định nông nghiệp vẫn là thế mạnh và phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng và năng suất cao.
Tỉnh xác định nông nghiệp vẫn là thế mạnh và phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng và năng suất cao.

* Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm nào tỉnh sẽ tập trung thực hiện để tạo tiền đề tốt cho những năm tiếp theo?

- Năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026; đây cũng là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, để tạo đà và động lực giúp toàn Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà bước vào một giai đoạn phấn đấu mới của cả nhiệm kỳ 2020- 2025.

Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung triển khai, quán triệt nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025, các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đoàn đại biểu dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng ra mắt trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.  Ảnh: TL
Đoàn đại biểu dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng ra mắt trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Ảnh: TL

Khẩn trương cụ thể hóa nghị quyết và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI thành các đề án, chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả.

Ban hành Quy chế làm việc khóa XI, nhiệm kỳ 2020- 2025 của BCH Đảng bộ tỉnh và của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Chương trình làm việc toàn khóa và năm 2021 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XI; Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2021 và nhiệm kỳ 2020- 2025 của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Tỉnh ủy xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 là tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 5,5%. Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, gắn với tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ngành công thương để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế.

Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, gắn kết đồng bộ với xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị và phát triển du lịch. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, chăm sóc tốt và cải thiện đời sống người dân; quản lý và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là hạn, xâm nhập mặn.

Giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; kiềm chế, từng bước kéo giảm tội phạm, các vụ việc vi phạm pháp luật, giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng.

Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy và tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chính quyền, MTTQ và các đoàn thể.

* Cũng trong năm 2021, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra, xin đồng chí cho biết, Vĩnh Long có những đóng góp, đề xuất gì vào các dự thảo văn kiện của Trung ương?

- Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về “đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”; ngày 21/11/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 207-KH/TU để tổ chức thực hiện, chỉ đạo Tiểu ban Văn kiện xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai trong toàn đảng bộ và nhân dân thảo luận, đóng góp các dự thảo văn kiện trình đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020- 2025 và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức rộng rãi trong đảng bộ và nhân dân rất chu đáo, chặt chẽ, đúng hướng dẫn của Trung ương.

Từ tháng 4- 9/2020, đã thảo luận, đóng góp tại đại hội đảng bộ cấp cơ sở, trên cơ sở, UBMTTQ cùng các thành viên, các tổ chức chính trị- xã hội, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh… được 3.310 lượt ý kiến; ngày 17/9/2020, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI đã tổ chức thảo luận, đóng góp tại các đoàn đại biểu có 318 lượt ý kiến, nâng tổng số ý kiến đóng góp cho dự thảo Văn kiện Trung ương là 3.628 lượt ý kiến.

Từ 20/10- 10/11/2020, tỉnh đã tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thông qua việc góp ý kiến trực tiếp tại hội nghị lấy ý kiến nhân dân, sinh hoạt thường kỳ của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội. Kết quả có 230 lượt ý kiến đóng góp.

Tỉnh tiếp tục quan tâm ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của nhân dân; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, chăm sóc tốt và cải thiện đời sống người dân.
Tỉnh tiếp tục quan tâm ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của nhân dân; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, chăm sóc tốt và cải thiện đời sống người dân.

Nhìn chung, các cuộc thảo luận, lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức nghiêm túc, đại biểu tham gia phát biểu trên tinh thần thẳng thắn, tâm huyết, không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, toàn diện các nội dung văn kiện, đảm bảo mục đích, yêu cầu đề ra. Đa số ý kiến đều cho rằng, văn kiện đã được chuẩn bị công phu, chu đáo, bố cục chặt chẽ, câu từ mạch lạc; đánh giá đầy đủ, sâu sắc về những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân; thể hiện rõ tầm nhìn, định hướng chiến lược; đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, tập trung các khâu đột phá trong những năm tiếp theo.

Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh đã tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp và báo cáo về Trung ương đúng quy định. Về nội dung đóng góp khá toàn diện, đầy đủ trên các lĩnh vực, trong đó, một số nội dung đáng chú ý như:

Về các khâu đột phá chiến lược, đề nghị Đảng, Chính phủ cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho các tỉnh vùng ĐBSCL, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng về giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, gắn với phòng chống biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.

Về vấn đề biến đổi khí hậu, đề nghị cần nêu rõ lộ trình, giải pháp cụ thể để đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, tình hình hạn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Nhiệm vụ năm 2021 của tỉnh là tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và lãnh đạo tỉnh khảo sát công trình tại huyện Vũng Liêm.
Nhiệm vụ năm 2021 của tỉnh là tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và lãnh đạo tỉnh khảo sát công trình tại huyện Vũng Liêm.

Về GD-ĐT, đề nghị Trung ương quan tâm đặc biệt đến vấn đề giáo dục và hiệu quả của công tác giáo dục hiện nay, phải thực sự chú trọng đến chất lượng, cả về đức, về tài, chỉ có như vậy mới có nguồn nhân lực chất lượng cho tương lai- những người sẽ tiếp nối làm chủ đất nước.

Về bảo vệ tài nguyên và môi trường: Hiện nay chế tài xử lý vi phạm về khai thác tài nguyên, khoáng sản chưa đủ sức răn đe, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khai thác cát, đá, sỏi, phá rừng… ở một số nơi chưa được ngăn chặn hiệu quả; việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là việc xử lý khu rác thải tập trung, khu công nghiệp, khai thác cát trái phép kém hiệu quả. Đề nghị Trung ương hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đề nghị Trung ương cần có quy định, chế tài trong việc cưới, việc tang, lễ hội đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, tránh phô trương, hình thức, lãng phí. Trung ương cần có chủ trương, giải pháp cụ thể, khả thi để đẩy lùi những tiêu cực trong phát triển văn hóa, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Về phòng, chống tham nhũng, thống nhất việc “kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý”. Đề nghị bổ sung thêm nội dung “hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.

Về xây dựng Đảng, đề xuất bổ sung thêm hạn chế “xây dựng tổ chức bộ máy còn nhiều vấn đề bất cập”, vì mỗi tỉnh có cách làm khác nhau, không thống nhất trong việc hợp nhất các cơ quan, đơn vị, sắp xếp biên chế, công chức.

THANH TÂM (thực hiện)