Đồng chí Võ Văn Kiệt gặp Bác Hồ giữa ngày xuân

Cập nhật, 23:45, Thứ Năm, 11/02/2021 (GMT+7)

Theo lời đồng chí Võ Văn Kiệt thì bản thân ông ít gặp Bác Hồ- vị Cha già kính yêu của dân tộc- nhưng Bác đã để lại cho ông nhiều bài học quý báu trong cuộc đời làm cách mạng.

Đồng chí Võ Văn Kiệt thời trẻ
Đồng chí Võ Văn Kiệt thời trẻ

Lần đầu gặp Bác

Năm 1950, Trung ương Đảng có thông báo gửi đảng bộ các tỉnh- thành cả nước về thời gian tiến hành Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ II.

Trong chiến tranh, tình hình khó khăn, mỗi nơi đại biểu có cách đi khác nhau căn cứ vào tình hình thực tế. Đồng chí Võ Văn Kiệt lúc đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu được đề cử là đại biểu chính thức dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tại Chiến khu Việt Bắc.

Đoàn đại biểu một số tỉnh miền Tây do đồng chí Ung Văn Khiêm- Ủy viên Trung ương Cục- đại diện Quân khu 9 làm trưởng đoàn, đồng chí Võ Văn Kiệt là thành viên trong đoàn.

Đoàn đi qua các tỉnh ĐBSCL, vượt núi Tà Lơn đến Campuchia rồi qua Thái Lan, dự kiến đi qua Đông Bắc Thái Lan, qua nước Lào rồi về Việt Bắc. Nhưng thực tế, năm ấy mưa nhiều, lũ nhiều nên không đi được, phải chuyển đổi kế hoạch sang đi đường công khai trên đất Thái, vòng đường biển sang Trung Quốc. Các đại biểu làm giấy tờ giả đóng vai người Hoa, từ Thái Lan buôn bán về thăm quê ở Trung Quốc, đi bằng đường tàu từ Bangkok vòng qua biển Tây, biển Đông đến Quảng Châu (Trung Quốc), rồi từ Quảng Châu đi Quảng Tây, đoàn về tới quê hương Việt Bắc sau khi quân ta kết thúc Chiến dịch biên giới Cao Bắc Lạng. Đường xa, đèo dốc, có đoạn đi qua mắt địch, đi rất vất vả, nhưng ai ấy có hoài bão lớn sẽ gặp Bác Hồ và đặt chân lên thủ đô kháng chiến, vui mừng háo hức trong lòng quên đi mệt nhọc.

Trong kháng chiến, cán bộ, chiến sĩ miền Bắc có người công tác may mắn gặp Bác Hồ, nhưng ở miền Nam việc gặp Bác Hồ là cả một ước mơ hiếm có. Đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ được gặp Bác trong Đại hội Đảng lần thứ II và tiếp theo đó học lớp bồi dưỡng Chính trị khóa III, Trường Nguyễn Ái Quốc 6 tháng. Được phân công cùng đoàn Trung ương chỉ đạo rút kinh nghiệm về xây dựng chi bộ (xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình- Thái Nguyên). Sau đó, đồng chí Võ Văn Kiệt được phân công về công tác ở miền Nam.

Dấu ấn về Bác Hồ

Đồng chí Võ Văn Kiệt hay kể lại, được gặp Bác Hồ rất ít, nhưng bản thân thấm thía và học được nhiều điều ở Bác kính yêu. Đồng chí rất ấn tượng sâu sắc về phong cách làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và dân chủ của Bác suốt thời gian chủ trì Đại hội II của Đảng (tháng 2/1952).

Do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, lâu lắm mới có đại hội, vì vậy có nhiều việc phải làm, phải đưa ra chương trình nghị sự, do nhiều việc nên không thể giải quyết “tuốt buốt”, một cuộc đại hội là xong tất cả. Trong khi ở chiến trường, các chiến sĩ đang xung phong giết giặc cần súng, đạn, cần lương thực và bức xúc nhiều vấn đề khác.

Hiểu được tình hình và tâm tư của các đại biểu, Bác Hồ gợi ý đại hội phải quân sự hóa, nghĩa là đạt yêu cầu theo mục tiêu, vừa nhanh gọn, phải nghiên cứu sâu những vấn đề chính yếu, không nêu “tầm chương trích cú”, mà cần tập trung 2 vấn đề: một là làm sao đẩy mạnh cuộc kháng chiến sớm thắng lợi hoàn toàn, hai là tập trung xây dựng Đảng lớn mạnh.

Bác đặt vấn đề trước hội nghị tập trung nghiên cứu, chia tổ thảo luận, lắng nghe những ý kiến trao đổi khác nhau. Cuối cùng chủ tọa kết luận. Đặc biệt, việc điều khiển của Bác với tác phong, thái độ hết sức cầu thị làm cho mọi người tự giác thấy trách nhiệm chân tình thảo luận một cách dân chủ.

Các đại biểu trẻ, đại biểu cử người dân tộc không ngần ngại mà thẳng thắn đào sâu suy nghĩ, phát triển ngắn gọn, súc tích, có chất lượng cao. Chính Bác có sức cảm hóa về trách nhiệm, động viên tinh thần đối với các đại biểu dân chủ bàn bạc, thảo luận.

Tại khóa học chính trị cơ bản 6 tháng, Bác Hồ chỉ đạo các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phan Văn Đồng,... trực tiếp giảng bài. Hết chuyên đề hay cuối lớp, Bác phát biểu rút lại một số vấn đề cơ bản để dễ nhớ và suy nghĩ.

Theo đồng chí Võ Văn Kiệt, từ những vấn đề cơ bản này khi về công tác ở địa phương, lăn lộn với thực tiễn tạo cho mỗi người suy nghĩ sáng tạo hành động cho phù hợp. Chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng, công tác đào tạo cán bộ, xây dựng lực lượng cách mạng. Lúc học thấy thấm thía, đặc biệt là 10 năm sau đó đồng chí được phân công về công tác tại TP Sài Gòn- Gia Định đối đầu trong vòng kiềm kẹp ngay cơ quan đầu não, nanh vuốt của quân thù, việc học vận dụng vào thực tế sáng tạo bứt phá mới thấy hết ý nghĩa đặc biệt của vấn đề: Đảng phải gắn bó máu thịt với dân! Đảng tin dân, dân một lòng tin Đảng bất chấp kẻ thù đế quốc lê máy chém giết hại người yêu nước. Niềm tin vào đường lối, niềm tin cách mạng như hạt giống đỏ sinh sôi nẩy nở, đâm chồi nẩy lộc trước mọi khắc nghiệt phong ba.

Do đó đối với Bác, không phải học từ sách vở rồi khi đụng thực tế lật sách vở có sẵn để sao chép, mà từ tình hình đó suy nghĩ sáng tạo để ứng phó với nghịch cảnh. Chính đó là năng động, sáng tạo cách mạng rất cần.

Việc sinh hoạt bình thường

Vấn đề sinh hoạt bình thường trong đời sống hàng ngày, Bác rất sâu sắc, tế nhị nhưng có người ít chú ý. Đồng chí Võ Văn Kiệt tâm đắc: Từ Nam ra Bắc dự đại hội, đường xa mệt mỏi, tâm lý ai cũng muốn gặp mặt vị Cha già kính yêu của dân tộc. Bác rất tâm lý. Đoàn nào tới, Bác tranh thủ đến thăm dù ban ngày hay khi tối. Bác hỏi thăm sức khỏe, mời uống nước, nhất là cái bắt tay thân tình, ấm áp không sao nói hết. Ngay khi chia kẹo mời đại biểu ăn, bác chia ai nhỏ nhất 2 cục kẹo, còn người lớn mỗi người mỗi cục.

Giờ giải lao, các đại biểu ghi ảnh lưu niệm Đại hội II, Bác chụp với đại biểu miền Nam, chụp với đại biểu lớn tuổi nhất, đại biểu nữ, đại biểu trẻ, đại biểu người dân tộc. Cử chỉ của Bác ân cần chăm sóc, sự ưu ái như người cha đối các con ở xa mới về.

Trước khi kết thúc lớp học chính trị, có tổ chức lễ tuyên bố đồng chí Võ Thị Phương Dung- Tỉnh ủy viên, Hội trưởng Phụ nữ Vĩnh Long với đồng chí Nguyễn Đức Dương- Phó Bí thư Khu ủy Khu 4. Đồng chí Võ Thị Phương Dung là con đồng chí Võ Tuấn Đức- Bí thư Huyện ủy Tam Bình- đã hy sinh tại Côn Đảo. Lễ tuyên bố với tiệc trà gọn nhẹ. Tuy bận nhiều việc nhưng Bác Hồ đích thân đến dự, không phát biểu nhưng Bác gửi tặng quà lưu niệm đầy xúc động chân tình.

Lần đầu tiên gặp Bác Hồ trong lần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tại Việt Bắc, vào mùa xuân Nhâm Thìn 1952, đồng chí Võ Văn Kiệt cho rằng Bác đã để lại cho ông nhiều bài học quý báu trong cuộc đời làm cách mạng (trích sách “Chất ngọc Võ Văn Kiệt” sẽ xuất bản dịp 100 năm ngày sinh của ông).

NGUYỄN CHIẾN THẮNG